Ta thường xem bản đồ trong Nội các, mới biết hình thế non sông nước ta so với nước Trung Hoa cũng chẳng kém gì. Nước Trung Hoa, từ mạch núi Côn Lôn chạy vào, chia làm ba cán long : một đằng theo sông Hoàng Hà chạy về phía bắc là những tỉnh Cam Túc (1), Sơn Tây, Sơn Đông, Trực Lệ; một đằng theo núi Mân Sơn chạy về phía đông là những tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Hữu, Giang Nam, Phúc Kiến và Triết Giang (2); một đằng theo sông Hắc Thủy chạy về phía nam qua Thổ Phồn, Vân Nam, Diến Điện, Hà Tiên rồi chạy ra bể Nam Hải. Về cán long theo sông Hắc Thủy này, thì phía tây sông Hắc Thủy là đất Thổ Phồn, Tam Phật Tề, Chân Lạp, Diến Điện, Đại Thực, Phù Dư, Tiêm La, Cao Man. Tây Dương (3); phía đông sông Hắc Thủy là những tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua kéo dài đến tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt làm một chi thiếu tổ. Chạy sang nước ta, chi này lại chia làm ba: chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang (sông Bờ) là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Sơn Nam thượng rồi chạy vào Hoan Châu (Nghệ An), Ái Châu (Thanh Hóa) cho đến Thuận Quảng thì tản ra các cù lao gần bể. Cũng như bên Trung Hoa có một dải đất Vân, Qui (4) chạy ra đến tận đảo Quỳnh Nhai. Chi bên tả thì qua Tuyên Quang rồi chạy đến Cao Bình, Lạng Sơn, An Bang (Quảng Yên), lại qua đến bể là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân, cũng như bên nước Trung Hoa có dải đất Cam Túc, Sơn Tây mà chạy đến Đăng Lai. Còn chi giữa thì tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô, Hải Dương, Sơn Nam và Sơn Nam hạ ; đất Thăng Long, đất Cổ Bi thì lại ở vào khoảng giữa, cũng như Trung Hoa có những tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam và các tỉnh Kinh, Hồ. Về sông thì sông Hát chảy qua phía Nam, sông Xương chảy qua phía bắc, sông Phú Lương là một con sông lớn, ngoằn ngoèo chạy suốt khoảng nam, bắc, há chẳng giống Trung Hoa có những con sông Giang, Hà, Hoài, Tế đấy ư? Vậy nên ta bảo rằng địa thế nước ta, toàn thể cũng giống nước Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi.
Từ đời Lạc Hùng 18 đời mở cõi về sau, đến đời nhà Lý thì phong thói chất phác, đời nhà Trần thì phong thói trung hậu, đời nhà Lê về năm Quang Thuận, Hồng Đức (5) thì trị giáo xương minh (6), phong khí các đời trước còn có thể biết được. Lại còn các nhân vật, trung thành như Tô Hiến Thành; học vấn như Chu Văn Trinh; văn chương như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi; kinh tế (7) như Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Ỷ ; lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan; huân nghiệp như Lý Ông Trọng, Khương Công Phụ; thần kì như Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương. Lại còn dòng dõi thiền tôn ở chùa Trúc Lâm, Hương Tích; đạo hành tu hành như An Kỳ, Phạm Viên, đều là tinh anh của non sông đúc lại, các nhân vật ấy nay còn có thể kể biết được.
Lại xem như những giống san hô, đồi mồi, hạt trai, vân mẫu sản xuất ở bến bể ; nhục quế, trầm hương, hồ tiêu, ý dĩ (8) sản xuất ở núi non; giống củ mài ở Cổ Pháp (làng Đình Bảng), giống lệ chi (9) ở Siêu Loại, hương phụ (10) ở huyện Giao Thủy, nhân sâm ở núi Hồng Lĩnh, sơn sống ở Sơn Tây, củ nâu ở Tuyên Quang, các thứ gỗ lim, gỗ sến ở Thanh Hóa, Nghệ An, vải nhỏ ở Vĩnh Lại, Tứ Kỳ, lĩnh the ở La Khê, Yên Thái (Bưởi) và các mỏ vàng, bạc, đồng, kẽm, các sản vật tôm cá, muối mắm; trong các loài cầm thì có lông công, cánh trả, trong loài thú thì có sừng tề, ngà voi, cũng có thứ Trung Hoa không có mà nước ta lại có. Nếu người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra thành các thứ cần dùng, thì so với Trung Hoa, ta cũng chẳng kém gì mấy. Huống chi, khí trời vận chuyển vần bất thường, khi nước lớn mới yên thì thuế điền ở Duyên Châu rất nhẹ. Đến đời Tây Hán, đất Quan Trung phải chở thóc lấy tại Sơn Đông đem vào. Từ đời Tùy Đường trở về sau, địa thế mở mang dần mãi về phương nam, đất Giang, Hoài mới thành ra đông đúc. Kịp đến đời Tống thì có ông Chu Khảo Đình (11) sinh ra ở đất Tân An, ông Văn Sơn sinh ra ở đất Cát Thủy, đời nhà Minh thì có các ông Quỳnh Sơn, Cương Phong, Bạch Sa nối gót sinh ra ở đất Quảng Đông, Quảng Tây. Nay ở Dương Thành và Quỳnh Châu thì nhân vật phồn hoa đã dần dần bằng đất Tam Ngô, mà từ đất Hà, Tế trở về bắc, lại dần dần hóa ra cõi mọi rợ. Thử so sánh mà xem, khí vận nước ta sau này dễ lường được chăng?
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
Ficción GeneralVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...