Cứ theo sách Chu lễ thì bái lễ có chín lạy, gọi là “túc bái”, nghĩa là khi bước tới trước bài vị thì vái một cái, vái xong quỳ xuống lạy, mỗi một lạy phải cúi đầu, hai tay chắp lại mà vái đến đất, lễ xong đứng dậy vái một vái rồi lùi ra. Kiểu lễ của đàn bà cũng giống như vậy. Nhưng đàn bà lạy khác đàn ông, vì hai lạy của đàn bà chỉ bằng một lạy của đàn ông, đo đó đàn bà phải lạy kép. Đàn bà chỉ lúc mới về nhà chồng vào lạy bố mẹ chồng, và lúc tang chồng thì mới phải lạy rạp đầu xuống, còn những lúc khác thì đều dùng lễ túc bái cả, dẫu vào yết kiến vua cũng vậy. Gần đây, đàn bà lạy thì nửa ngồi nửa quì, nghiêng mình chắp tay mà lạy xuống, đó là tại thói quen lưu truyền làm sai đi vậy.
Đời xưa, vua với bầy tôi, bố vợ đối với chàng rể, người bề trên đối với kẻ bề dưới, đều phải lạy đáp lễ. Xem như chép ở trong sách Thượng thư, Nghi Lễ, Lễ ký, Tả truyện đều có thể biết được. Đến đời nhà Tần mới đặt ra lễ bầy tôi hạ mình để tôn kính Thiên tử, nên Thiên tử không đáp lạy bầy tôi nữa.
Đời Tống, vua Độ Tông có lạy Giả Tự Đạo, Dương Vạn Lý (1) thấy vậy liền mắng Giả Tự Đạo ở trước sân, đó là vì lệ đời nay mỗi lúc một khác vậy. Ngày xưa, từ quan khanh sĩ trở xuống, đều theo cổ lễ mà đáp lễ kẻ bề dưới, nếu kẻ bề dưới chối từ, mới dùng lễ túc bái đáp lại. Còn “vái” là nghi thức lúc giao thiệp. Trong lễ có nói rằng ba vái rồi bước lên, đó cũng là nói qua về cái lễ tiếp nhau mà thôi.
Nước ta xưa kia ở chốn công đường có lễ tương kiến, kẻ hạ quan cũng vái bậc trưởng quan, hoặc lúc được sắc phong, ra tiếp kiến quan khâm sai đến phong sắc cho mình, cũng chỉ vái mà thôi; kẻ bề dưới khi lạy bậc tôn trưởng cũng vái mà lui. Thế thì lúc giao thiệp vái là lễ vốn phải nên thế vậy. Gần đây, những kẻ hiếu sự không biết xét đến cổ điển, lại cho vái là lễ của tôn trưởng đối với bậc dưới, còn bậc dưới là đối với bậc tôn trưởng không được vái, chỉ lạy xong là cứ đứng thẳng mà lùi ra. Làm cái cách thẳng tuột cứng đờ như thế mà vẫn dương dương tự đắc rằng ta hiếu cổ, thực buồn cười lắm thay!
_______(1) Bản dịch viết là Dương Vạn Lý.
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
General FictionVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...