Chương 71: VIỆC TAI DỊ

109 2 0
                                    

Khoảng năm Ất Tỵ, Bính Ngọ (1785 – 1786) đời Cảnh Hưng, ở bãi cát bờ sông gần làng Bát Tràng, thấy nổi lên ngọn lửa xanh, lấy cành tre khô ném vào thì cháy bùng lên, nhưng những cây đậu, cây dâu vẫn không bị hại gì cả. Đàn Nam Giao, chỗ lần cửa thứ hai, có một cái giếng đá, trên mặt nước cũng thấy nổi lửa xanh. Sông Bạch Đằng ở huyện Thủy Đường, tự nhiên thấy trên sông trôi nổi những đầu người bằng đầu ngón tay cái, đội mũ chữ đinh, đầu tóc xồm xoàm. Đập vỡ ra thì thấy máu chảy lầy nhầy như óc cá, mùi hôi tanh, ba ngày mới hết.

Đến khi nhà Tây Sơn lấy được toàn quốc, mùa xuân năm Mậu Ngọ (1798) trên sông Bạch Đằng cũng thấy trôi nổi đầu người đội khăn đỏ, mặt trắng, đầu tóc cũng xồm xoàm như lần trước. Kẻ hiếu sự nhặt lấy đem về để một chữ, vài ngày khô quắt lại như quả cây đa.

Mùa hè năm sau, ở Trung Bộ lại có từng lũ cóc rủ nhau qua sông Nhị Hà mà sang bên Bắc, con nào không sang được, chết trôi cũng nhiều.

Mùa hè năm Kỷ Dậu (1789) (1), chúa Tây Sơn lấy được Bắc Thành, vào đóng ở Khang công phủ. Gặp khi ấy mấy ngày mưa luôn, nhà tiền đường nước sâu hơn một thước, phút chốc nước rút, giữa sân thấy một đám đất sụt xuống sâu rộng đến vài thước.

Quan Đại tư mã là Nguyễn Văn Dụng đóng ở trong thành, đang ngồi ở nhà ngoài làm việc, chợt thấy trên không có một đàn chim đánh nhau, có một con chết sa xuống giữa sân. Được ít lâu, ông rời dinh ra đóng ở ngoài thành, phường Phúc Phố, về phía đông bắc phủ chúa Trịnh.

Một hôm, trời không có mây mà tự nhiên sét đánh vào nhà ngoại đường, vỡ tan cái cột ngoài hiên. Nguyễn Văn Dụng sau có đến cửa sông Hoàng Giang để bố trí việc phòng thủ đường thủy, sai đắp đồn lũy ở trên bãi sông, nửa đêm tự nhiên đất sụt, mất ba khẩu súng đại bác. Đó đều là điềm lạ.

Ta còn nhớ đời Cảnh Hưng năm Giáp Ngọ (1774), khi ta mới bảy tuổi, theo hầu đấng tiên đại phu ra nhà riêng ở phố Hà Khẩu. Một hôm, ra chơi ngoài đường, thấy người hàng phố đứng trông lên trời. Ta cũng trông theo, thì thấy bóng mặt trời đã xế, sắc đỏ như huyết và tách ra làm hai.

Sau lại nghe các bạn hữu nói chuyện rằng năm Giáp Ngọ kéo quân vào đánh trong Nam, chúa Trịnh Thịnh vương (Trịnh Sâm) ra ngự lầu Ngũ Long để tiễn quận Việp (2) đem quân đi. Bấy giờ, Dương công Quyết ở Lạc Đạo (3) đương làm quan ở Kinh.

Khi tan buổi chầu, mặt trời xế chiều rồi, Dương công mới rẽ sang hướng bắc về Phú Thị, gặp người học trò là Nguyễn Hán (4). Dương công hỏi: "Nhà ngươi có trông thấy gì không?" Nguyễn Hán thưa rằng: "Có trông thấy hai con rồng trắng bay từ bắc sang nam, chốc lại thấy bay từ nam sang bắc, dễ thường đương lúc nhà chúa sai đem quân đi chăng?".

Dương công nói "Lần này đi thì tất là thắng trận, nhưng thiên đạo hảo hoàn (5) từ đây mới gây nên việc binh tranh”. Khi ấy ta còn ít tuổi, trong nước vẫn yên ổn, thấy các bậc tiền bối vẫn lo loạn lạc đến nơi, ta cho là chuyện vu vơ. Không ngờ lớn lên, chính thân ta lại gặp buổi loạn lạc.

Ôi! Nhà nước hưng vong vốn có số định trước, trời đã lấy điềm quái dị để cho mà răn sợ, thực là lòng trời nhân từ lắm thay! Dương công thân làm quan khanh sĩ, trông thấy điềm bạch long như thế, sao không mách bảo vua, lại chỉ bàn riêng với nhau là cớ làm sao?

Mùa xuân năm Bính Ngọ (1786), làng Ước Lễ huyện Thanh Oai có cái giếng tự nhiên nước sôi lên, gánh về nhà đổ vào vại rồi mà vẫn sôi, tiếng nước nổ lép bép như tiếng gà con kêu,mãi không thôi, lấy tay gõ vào vại thì im ngay, nhưng một lúc lại thế. Tháng hai năm Tân Dậu (1801) cũng lại thấy nước sôi như vậy. Chuyện này là em ông Cử nhân Tăng Quân Cáp nói cho ta biết đích như thế.

Đời Tây Sơn, năm Mậu Ngọ (1798), về vùng huyện Nam Sách, huyện Tiên Minh, ngoài đồng có chỗ đất vòng quanh chừng độ hai mươi mẫu, dưới dất như có con vậy gì vừa chạy vừa kêu. Quan Võ phân suất đem lính ra đào chỗ đất ấy, nhưng không thấy gì cả, lặng yên nghe thì lại thấy tiếng kêu ở bốn bên, chạy đi chạy mãi không thôi.

Mùa xuân năm Tân Dậu (1801), làng Kiệt Đặc huyện Chí Linh, tự nhiên đất nứt ra hơn năm mươi thước, sâu không biết đâu là chừng, người làng đem đất lấp đi.

Năm Canh Thân (1800), ở ngoài cửa Cầu Đất có một nhà, đàn bà đi vắng cả, chỉ có người chủ ở nhà; chợt thấy bên cạnh bỏ quên miếng thịt lợn, liền đem cất vào trong nhà, rồi ra chơi ngoài cửa. Khi trở vào, thấy mất miếng thịt lợn, ngờ cho con mèo tha mất. Người đó nổi giận, mắng mèo. Con mèo chợt nói lên như người mà rằng: "Ai tha mất thịt mà mắng!". Người chủ sợ, lùi ra, làng xóm ai cũng lấy làm kinh dị. Ta ở Kinh nghe chuyện ấy, lại nhớ năm Nhâm Dần (1782) đời Cảnh Hưng có con trâu cũng nói tiếng người, không biết là nói ra sao.

Làng ta về phía tây bắc có chùa Phổ Thiên thuộc về làng Dương Xá, nhưng bốn bên đều là đất làng ta cả. Tục truyền rằng chùa ấy nguyên thuộc về làng ta.

Khi xưa, có một ả đào già đi qua cửa chùa bị ông Long thần trong chùa đánh chết. Thời ấy, những kẻ chết đường, chết ở địa phận làng nào thì liên lụy đến làng ấy. Kẻ cường hào nha lại thường tạ sự để quấy rối. Làng ta sợ vạ lây, đổ vấy là cái chùa ấy thuộc về làng bên, vì vậy mới thuộc về Dương Xá. Trong chùa Phật và Long thần rất thiêng, hồn người ả đào đến khoảng năm Cảnh Hưng vẫn còn nương tựa cây đa sau chùa để làm ma quấy hành khách. Người nào tuổi trẻ, đẹp trai đi qua đấy thường ốm đau mà chết.

Trước cửa chùa, tả hữu hai bên, đều có một cái giếng. Cạnh giếng bên tả có cây cổ tùng cao vòi vọi, kẻ nông phu đêm đi qua thường thấy có tinh đỏ, to bằng quả cam lớn, từ trên mây sa xuống đầu ngọn cây, hoặc từ gốc cây bay vút lên. Người ta nghi là chỗ khách Hoa kiều (6) để của, cũng có người nghi là tinh anh của trời đất.

Trước năm Canh Thân (1740) đời Cảnh Hưng, làng ta có quan Đông các Võ Minh Dương, phu nhân là Phạm Thị Thường chôn giấu một thuyền bạc ở trong chùa. Ít lâu, người đầy tớ đi chôn bạc bị giặc Chất bắt đi mất, nên không biết chỗ chôn thuyền bạc ấy ở đâu nữa. Ông Nhữ Đình Toản, người làng Hoạch Trạch, tin thuật phong thủy, muốn dời chùa ấy đi để chôn mả. Long thần phải phụ vào miệng đồng nhân tranh biện mãi với ông, chùa mới khỏi dời đi.

Khi ta mười ba tuổi, nghe thấy có một đạo sĩ, nguyên quán ở làng Dương Xá, đào đất bắt được một lọ bạc, nhân vậy, mới tô mấy pho tượng để cúng vào chùa. Trong hai mươi năm nay, tỉnh Hải Dương ta thường bị nạn binh hỏa loạn lạc luôn, nhưng mấy gian chùa ấy vẫn còn như cũ.
_______

(1) (Lưu ý: năm được tính theo lịch Việt Nam, chưa được sử dụng trước năm 1967

(2) Tức Hoàng Ngũ Phúc.

(3) Bản dịch viết là Dương Ương.

(4) Bản dịch viết là Nguyễn Hãn.

(5) Thiên đạo hảo hoàn nghĩa là đạo trời thường tuần hoàn.

(6) Theo bản gốc

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ