Phủ Phụng Thiên có hai huyện, thuở xưa là Quốc Oai trung lộ. Các huyện trong phủ Quốc Oai là thượng lộ, còn Thanh Trì, Thượng Phúc, Thanh Oai là hạ lộ, đời Lý đời Trần đều tóm gọi là Uy lộ.
Huyện Thọ Xương khi trước là huyện Vĩnh Xương, huyện Thanh Oai khi trước là Thanh Oai (1), huyện Thanh Trì trước kia là Thanh Đàm (2) - chữ Thanh vì tỵ húy chúa Trịnh Thanh vương (3) nên mới phải bớt nét đổi là thanh; chữ đàm vì tỵ húy với vua Thế Tông (4) nên đổi ra chữ trì.
Còn như trung lộ sau đổi là Phụng Thiên hạ lộ, Thanh Oai sau thuộc về phủ Ứng Thiên, Thanh Trì; Thượng Phúc sau đổi là phủ Thường Châu; Vĩnh Xương sau đổi thành huyện Thọ Xương.
Những cải cách ấy trong quốc sử đều bỏ qua không chép. Từ đời Lê trung hưng trở về sau đều như thế cả.
Sông Nhuệ Giang phát nguyên từ làng Tây Đàm, huyện Từ Liêm, qua huyện Thanh Oai, Thanh Trì, phía nam hợp lưu với sông Tô Lịch; những đoạn bờ khoảng giữa, nhiều chỗ nhọn hoắt như mỏ hạc, nên mới đặt tên cái làng ở
bờ sông ấy là xã Nhuệ Giang. Nhân thế cũng gọi tên sông là Nhuệ Giang. Lại còn có tên nữa là Thanh Oai Giang, nên quanh vùng sông ấy gọi là Uy Lộ; Thanh Oai huyện, tả hữu thượng hạ Thanh Oai xã, cũng đều bởi thế cả.
Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu, sau đổi thành Hà Khẩu (5) tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông
Tô, hàng năm, bờ sông bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được.Đời Lê trung hưng mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu, để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở.
Ven sông, về phía nam, dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các (6), nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long, đều trở thành phố phường đô hội cả.
Quê ta khi xưa là Hồng Lộ (nay là phủ Bình Giang), sau đổi là Hồng Châu, lại phân ra làm hai phủ Thượng Hồng (Bình Giang), Hạ Hồng (Ninh Giang). Huyện ta làng Bùi Xá có ông Giám
sinh tên là Nguyễn Luật; khi nhỏ ra chơi đùa ở làng ấy, ta thấy có một cái lò đất nung kiểu Trung Hoa, dưới đáy lò có thấy ghi mấy chữ: "Nhân Hồng phủ, Đường An huyện, Bùi Xá xã, Nguyễn mỗ công đức", không biết cái lò ấy là tự đời nào. Huyện ta với huyện Đường Hào khi xưa hợp lại làm huyện Đường An.Ta thường hỏi cụ Phạm Quý Thích (7) về thời đại thay đổi, cụ cũng không được tường lắm. Còn như làng Hoa Đường (8) nguyên trước là Bồng thôn thuộc về xã Ngọc Cục, sau Lê trung hưng mới phân ra làm xã riêng. Xem trong "Đăng khoa lục" ghi chép quán chỉ (9) các đấng tiên hiền thì khá biết rõ.
Làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc nguyên trước là xã Ngọc Ổi, sau đổi là xã Nhị Khê, theo biệt hiệu của một vị hương hiền là cụ Nguyễn Phi Khanh. Cụ Phong sinh ra ông Nguyễn Trực (10) người huyện Thanh Oai, là bực ẩn dật không ra làm quan, biệt hiệu cụ là Bối Khê, nên làng cụ cũng theo biệt hiệu cụ mà gọi là xã Bối Khê.
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
Ficción GeneralVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...