Đời Quang Hưng (1), khoa thi năm Nhâm Thìn (1592) lấy đỗ đại khoa có ba người: Trịnh Cảnh Thụy, Ngô Trí Hòa, cùng với cha là Ngô Trí Tri mà thôi. Bấy giờ chưa khôi phục được Trung Đô, còn phải mở thi Hội ở hành tại Phổ Lại (2). Sau binh hỏa, học hành hoang phế, khi đầu bài yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc đựoc hết. Ngô Trí Tri bấy giờ đã năm mươi sáu tuổi, cũng còn đi vào thi Hội. Con là Trí Hòa vốn có tiếng là người học rộng hay chữ. Lúc vào thi, Trí Hòa thuộc lòng cả, cứ viết ra từng câu đưa cho cha. Song lều của cha đóng cách xa, lại phải nhờ một lều ở giữa là Trịnh Cảnh Thụy. Trí Hòa cứ vứt qua lều ấy nhờ đưa cho cha vì thế Trịnh Công và Trí Tri đều được vào trúng cách đỗ đại khoa. Xem thế thì biết văn vận thời bấy giờ và cái số khốn cùng hay phát đạt đã định cho người ta vậy. Họ Ninh ở xã Côi Trì, tổ tiên trước vốn là người Ninh Xá, huyện Chí Linh.
Khoảng năm Hồng Đức triều Lê, sau khi loạn lạc, điền thổ bỏ hoang nhiều, mới có lệnh cho mọi người khai hoang, làm được bao nhiêu là của mình bấy nhiêu. Các nhà thế gia hào hữu cứ tùy sức mà khai khẩn. Khi thành ruộng rồi thì khai số ruộng đưa lên bộ Hộ, xin làm ruộng tư, như thế gọi là phép “chiếm xạ”. Họ Ninh khi xưa khai khẩn ở huyện Yên Mô, sau nhiều người đến tụ họp, mới tách ra làm xã Côi Trì. Đời gần đây có Ninh Định đỗ Hội Nguyên, có tiếng hay chữ. Đến Ninh Tốn (3), biệt hiệu Mẫn Hiên (còn có hiệu Chuyết Sơn) là cháu gọi Ninh Định bằng chú. Khi hai mươi tuổi đã đỗ trường sinh, rồi đỗ hương cống, văn từ rất là cổ kính.
Khoảng năm Cảnh Hưng, sĩ tập suy kém, văn thể hủ lậu, Trịnh Tĩnh Vương muốn biến cải mà chưa thể được. Một hôm, Tĩnh Vương ngự chơi núi Dục Thúy, thấy khoảng vách chùa trên núi có đề một bài thơ, Vương biết là thơ của Mẫn Hiên liền cho triệu vào làm Phiên liên Thiêm phó, rồi thăng chức Tiến triều Thiêm sai Tri phiên. Ông rất được chúa Trịnh yêu mến. Trong tập thơ Nghệ An thi tập (4) ông Bùi Huy Bích có câu: “Mẫn Hiên cư sĩ kim tài tử. Chính phủ thiên sai liệt cổ khanh” nghĩa là “Ông Mẫn Hiên cư sĩ là tài tử đời nay, làm chính phủ thiên sai, là chức liệt khanh đời xưa”; đó là chỉ vào Ninh Tốn vậy.
Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1774)[8], kỳ đệ tam, ông Mẫn Hiên được vào trúng cách, mà ông Phạm Nguyễn Du người Đặng Điền thì không được vào. Hai ông đều được chúa Trịnh yêu mến, mà chơi với nhau cũng tương đắc. Khi đã yết bảng kỳ đệ tam rồi, Thạch Động Phạm công (5) có đi võng qua nhà trọ ông Mẫn Hiên. Ông Mẫn Hiên biết ông ấy đi vào hầu trong Trịnh phủ để ra đầu đề, nên cứ đứng đón ở cửa. Đến khi trở về, Mẫn Hiên cứ trông theo vào võng Phạm công, hai ông không nói một câu gì cả. Phạm công chỉ đọc bài tiểu chú trong sách Luận ngữ (6) về đoạn: "tam trần cửu quái chung ư tốn dĩ hành quyền nhi dĩ".
Ông Mẫn Hiên biết ý, sớm hôm sau sắp vào kỳ đệ tứ, bèn xé hai trang về đoạn sách: "Tam trần cửu quái" trong Kinh Dịch hệ từ, giắt đem vào trường. Đầu bài văn sách yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc được hết. Chấm xong, được năm quyển dâng lên chúa Trịnh xem, thì quyển đầu là An Vĩ Nguyễn Lượng, cổ văn đều hơn cả, đến đoạn kim văn hỏi về việc khu xử cõi Nam thì trong quyển Nguyễn Lượng có câu "sái nhân tất vi ngô". Chúa Trịnh cười mà rằng: "Quyển này, học vấn thì đầy đủ, nhưng về thời cuộc thì không được am hiểu, hãy đánh hỏng đi để cho tài trí được già dặn". Còn bốn quyển được vào trúng cách là: Phạm Trọng Huyến, Chu Doãn Lệ, Nguyễn Thì, đều lấy đỗ về kim văn cả. Quyển ông Ninh Tốn thì kim văn am luyện (7), cổ văn có đoạn trên "Tam trần cửu quái" rất đầy đủ, duy đoạn dưới lại sót mất quẻ Kiền không nói đến, không được tường nghĩa sách. Đó là vì xé hai trang màhụt mất đoạn dưới. Sau Ninh Tốn đỗ Hội nguyên, Thạch Động Phạm công có mừng câu thơ nôm bỡn rằng: “Sinh đồ ba chuôi nhờ hòn đất, Tiến sĩ nửa câu cậy bảng trời”, là có ý ám chỉ vậy.
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
General FictionVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...