Chương 78: BÁI LỄ

70 3 0
                                    

Bái lễ từ đời xưa có chín lạy; số lạy hoặc hai, hoặc bốn, hoặc sáu, hoặc tám, tùy theo đại lễ hay tiểu lễ. Sách Tả truyện, chép: "Vua Hoàn Công nước Tề, nhận thịt phần vua ban, lạy hai lạy”.

Sách Văn hiến lễ khảo chép: "Quan Thị trung truyền chế ra thì quan Thị chế lạy hai lạy, như vậy thì khi triều hạ, lạy có hai lạy mà thôi. Khi đại lễ trăm quan múa nhảy thì lạy bốn lạy, thế thì khi triều hạ phải lạy bốn lạy”. Sách Gia lễ của Tư Mã công chép: "Trong khi bốn mùa khánh hạ đại lễ, thì trước lạy bốn lạy, sau bốn lạy, khoảng giữa hoặc hiến tửu hoặc chúc phúc, lạy hai lạy", thế thì trong lúc các nhà thường dân làm lễ cũng có dùng lạy hai lạy hoặc bốn lạy.

Lễ tang khi chưa chôn, lúc làm lễ “khiển điện” (1), phải bốn lạy. Sau khi đã chôn rồi, làm lễ tế ngu, theo nghi tiết cũng có dùng hai lạy. Như vậy, cái lễ hai lạy hay bốn lạy không phải để phân biệt lúc chưa chôn với lúc đã chôn đâu. Còn như lễ triều hạ dùng lễ năm lạy ba vái là có từ đầu đời Minh, hoặc dùng lễ ba lạy năm vái (2), là theo tục Mãn Châu, chứ không phải là lễ cổ. Gần đây, lễ triều hạ thì chuyên dùng năm lạy, lễ cúng tế trước sau đều dùng bốn lạy, đó là một việc đáng ngờ. Còn đến cái lễ hai lạy, cứ theo như hội điển năm Chính Hòa (3) thì triều lễ cũng có dùng hai lạy. Nay dân gian lại cho lễ hai lạy là hung lễ, khi tang gia chưa chôn, hoặc khi tân khách đến phúng viếng thì cũng theo đúng cái lễ hai lạy ấy.

Có ai hỏi thì bằng rằng, đó là theo lễ của hiếu chủ (4) mà lạy. Nói thế thì người hiếu chủ lúc sơ tang, lấy vải trắng buộc ngang đầu vén tóc, lúc đã liệm thì mặc áo trảm thôi khóc lóc; người vào viếng, lúc mới chết, phải trần tay áo, lúc đã liệm thì phải mặc áo trắng mà vào thăm, không giống với người hiếu chủ. Vậy tại sao những việc ấy không bắt chước theo hiếu chủ, mà chỉ bắt chước cái lệ lạy của hiếu chủ là nghĩa gì?

Thường xét tang lễ đời cổ, từ lúc cha mẹ mới mất cho đến lúc làm lễ cất đám đi chôn, đều dùng hai lạy, không làm văn tế, nghĩa là cứ theo cái lệ thường, trong gia đình của con thờ cha mẹ, cứ lấy cái lễ thờ người sống mà thờ, chưa nỡ coi là đấng thân đã chết rồi. Nhưng xét lời khấn lúc làm lễ khiển điện là lúc sắp rước linh cữu đi chôn thì có khấn rằng: "Xe thiêng đã sắp rước tới nhà âm, bày lễ khiển điện, từ biệt lần cuối cùng". Đọc mấy câu khấn ấy, thì lúc làm lễ khiển điện cũng phải lạy bốn lạy, vì như đấng thân sắp đi đâu xa, lúc từ biệt con cháu phải làm đại lễ vậy. Lễ tế ngu, tuy làm sau khi đã chôn, nhưng bụng người hiếu tử vẫn còn bàng hoàng thương xót, chưa nỡ vội lấy cái lễ thờ quỉ thần mà thờ đấng thân, vậy nên lúc đọc văn tế, theo nghi tiết, cũng lạy hai lạy. Chỉ từ khi làm lễ "tốt khốc" (5) trở về sau, mới toàn dùng lễ thờ quỉ thần để thờ đấng thân, nghĩa là lúc "giáng thần", "từ thần" (6) đều phải lạy bốn lạy cả. Còn như tình bè bạn tân khách thì khác tình cha con, nên lúc vào phúng viếng tất phải lạy bốn lạy để phân biệt với người con, chớ sao lại bảo bắt chước hiếu chủ là nghĩa gì?

Đời xưa, trước lúc ăn uống có rót một chén rượu để lễ, nghĩa là tế người đời cổ bày ra ăn uống. Nhưng trong một tiệc ăn, chỉ người tôn trưởng mới rót rượu tế, còn những người ty ấu (7) thì không được tế, tức như trong lễ bảo rằng vua rót rượu tế, bầy tôi cứ rót rượu uống trước đi. Lễ tang khi chưa chôn thì chỉ đặt cơm cúng, chứ không tế, vì người hiếu tử không nỡ coi đấng thân đã chết rồi mà vội thay làm lễ tế. Sau khi chôn rồi, mới lấy cái lễ thờ quỉ thần mà thờ đấng thân. Vậy nên lúc hiến ba tuần rượu, chủ nhân phải rót ra một chén rượu làm lễ tế tửu, nghĩa là thay quỉ thần mà làm lễ tế tửu. Lễ ấy rành rành như thế, người ta không biết, lại lấy hai lạy để phân biệt lễ cát với lễ hung. Nếu quả hai lạy là hung lễ thì saolúc cát lễ cũng có khi lạy hai lạy? Huống chi, từ khi làm lễ táng mà chưa đến ngày tiểu tường
(8) còn phải theo hung lễ cả, sao lại cho bốn lạy là cát lễ được?
_______

(1) Lễ khiển điện là lễ cúng người chết trước khi chôn.

(2) Bản dịch viết là ba lạy năm vái.

(3) Chính Hòa (1680 – 1705) là niên hiệu Lê Hy Tông.

(4) Hiếu chủ là người con trưởng hay người thừa tự đứng chủ việc tang.

(5) Đúng 50 ngày, kể từ ngày mất, thì làm lễ “tốt khốc”.

(6) “Giáng thần”, “từ thần” đều là tiết mục trong lễ cúng tế cha mẹ.

(7) Trong bữa tiệc, ngòai người tôn trưởng thì đều là ty ấu cả. Ty ấu là đức vọng hoặc danh vị kém người tôn trưởng ấy.

(8) Tiểu tường là ngày giỗ đầu, giỗ thứ hai là đại tường.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ