Làng Dương Xá ở tổng ta, khi xưa có đứa trẻ con bị đàn ngỗng đuổi, ngã xuống hố chết, sau hiển linh làm thần làng ấy, nên tục làng ấy vẫn nghiêm cấm không nhà nào được nuôi ngỗng, ý là sợ phạm phải vía.
Cuối năm Cảnh Hưng, trong làng có một nhà nuôi ngỗng, thì cả làng sinh ốm đau, không được yên. Người làng đều đổ lỗi cho nhà nuôi ngỗng, bắt phải giết đi, rồi đón thầy cúng về cúng cấp, đem kiệu võng rước chung quanh các gò đống ngoài làng để đón thần về. Ta nghe chuyện, lấy làm buồn cười.
Đời xưa cúng tế, ngoài các vị thiên thần địa kỳ ra, thì chỉ người nào có công đức mới được thờ làm thần, hay vị nào có cứu giúp được đại tai, đại hoạn cho dân, mới được lập đền thờ. Còn như những người chết đuối, chết chẹt hay sợ quá mà chết, thì không cần đến thăm viếng, huống chi lại còn cả làng đều thờ làm thần ư? Cái người khi sống đã không chống chọi được với loài cầm thú, thì khi chết sao thể giáng phúc cho nhân dân được? Ôi! Cái lễ giáo của đấng tiên vương khi xưa đã mất rồi, thế tục sinh ra lắm điều mê tín, nào có phải riêng một làng ấy thờ thần trẻ con đâu!
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
Algemene fictieVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...