Ông Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, lúc còn hàn vi, thường ngồi xếp bằng tròn ở bên đường cái quan, chẻ tre đan sọt. Chợt khi ấy, Hưng Đạo Đại Vương kéo quân từ Vạn Kiếp về kinh, quân tiên phong thét ông đứng dậy, ông cứ ngồi xếp bằng tròn mà đan, hình như không nghe gì. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi, ngọn giáo mắc vào đấy không rút ra được, nhưng ông vẫn cứ ngồi yên. Khi võng Hưng Đạo Vương đến, Vương mới hỏi: "Đùi nhà ngươi bị đâm như thế, sao không biết đau, mà lại cứ ngồi như vậy?".
Ông thưa rằng: "Tôi đương nghĩ mấy câu trong binh thư, nên không nghe thấy gì cả". Vương bèn dừng võng lại, hỏi thử binh cơ mưu lược, thì ông ứng đối trôi chảy. Vương lấy làm lạ, cho lên xe đưa về, rồi gả con gái nuôi cho. Sau, Phạm Ngũ Lão đi tòng quân đánh giặc Nguyên, có công, thăng lên coi quân cấm vệ. Những kẻ vệ sĩ thấy ông là người hàn vi mới hiển đạt thì lấy làm khinh, liền xin cùng ông đấu võ. Ông cáo về nhà nghỉ vài tháng, cứ ngày ngày ra cái gò cao ở làng bên cạnh tập nhảy, nhảy đến nỗi sạt cả một góc gò. Hết hạn nghỉ rồi, ông vào triều, đấu với các vệ sĩ. Bọn vệ sĩ năm sáu người quần lại đấu với ông. Ông tay đấm chân đá, nhẹ nhàng như bay.
Về sau, nước Ai Lao vào ăn cướp, đem voi bày trận xông vào, không ai chống được. Ông được lệnh đem quân đi đánh. Ông sai chặt gốc tre vạc nhọn, dài độ vài thước, chất cả bên đường, rồi vẫy cho quan quân lui lại, một mình xông vào đánh nhau với giặc. Giặc thả voi ra đuổi. Ông cứ xông vào lấy những đoạn tre ở bên đường đâm vào móng chân voi. Voi đau phải lui. Trận giặc đại loạn. Quan quân xông vào đánh vỡ tan. Ấy đều là những dật sử của ông mà không thấy chép ở trong sử.
Nay đền thờ ông ở phía tây làng Phù Ủng, trông xuống sông. Có hai bà công chúa được phối hưởng (1). Một bà là con gái nuôi Hưng Đạo Vương lấy ông khi trước, một bà là con gái ông hiệu là Tĩnh Thi, triều nhà Trần. Người đời truyền rằng đến thờ ông làm ngay trên nền nhà cũ của ông, nguyên ngảnh về hướng tây, trông xuống ao, ở giữa ao có cái kim ấn (2) nổi trên mặt nước, độ ngoài nửa dặm có cái giáo dài (3) làm hộ vệ. Sông Phủ Ủng là hổ thủy nghịch triều (4), các nhà phong thủy đều khen là nơi dương trạch (5) tốt.
Đời Lê, khi mới dẹp yên giặc Cao Bình, trong làng Phù Ủng có một quan văn thần tên là Võ Vinh Tiến, tuổi còn trẻ đã làm nên khoa hoạn, cầm trọng binh đốc trấn ở Cao Bình. Những người kỳ lão ở trong làng đều ghen ghét, việc gì cũng đè nén không cho dự. Mỗi khi làng vào đám, có lệ ăn uống, thì mọi người đều thoái thác, không muốn ngồi cùng chiếu với Võ công.
Võ công sai đem một trăm lạng bạc và trâu, gạo tạ lỗi. Chúng khước đi không nhận, bắt phải thân về tận nơi. Võ công dắt trâu, đem bạc về, luồn lọt cho được thỏa lòng. Được ít lâu, cái hiềm khích cũ đã quên dần, ông mới bàn với dân xoay miếu thần về hướng bắc, xong đâu đấy, lập đàn chiêu hồn, rồi nhảy xuống sông mà thề rằng: "Làng này đã coi khinh khoa hoạn thì về sau không nên có nữa". Từ khi Võ công mất, học trò trong làng không mấy người đỗ đạt được nữa. Làng mới hối hận về chỗ xử tệ với ông quá.
Khoảng năm Bính Ngọ, Đinh Mùi (1726 - 1727) lại xoay miếu thần về hướng tây như cũ, nhưng trong làng bị dịch tai hại, dân không được yên, đành lại phải để về hướng bắc. Ôi! Thói chất phác đời cổ đã tàn dần, phong tục càng ngày càng kiêu bạc. Có kẻ đi chu du rách nát cả áo, khi trở về nhà, vợ với chị dâu cũng khinh (6). Có kẻ gánh củi vừa đi vừa học mà bị làng xóm chê cười. Đến khi đã đeo tướng ấn sáu nước, cưỡi xe quan Thái thú nghênh ngang thì những kẻ khinh bạc giễu cợt khi xưa mới lại đón rước kính trọng. Xem như bài Túc cẩm đường ký của ông Âu Dương (7) đã nói, thì người đời xưa cũng có cách xử về việc ấy; việc gì mà phải thề nguyền nhỏ mọn để chia lỗi với kẻ hẹp hòi ấy!
_______(1) Phối hưởng là cũng được thờ cúng.
(2) Kim ấn là danh từ của các thày địa lý gọi miếng đất vuông giống như cái ấn vàng.
(3) Giáo dài là một gò đất trông hình như cái giáo, chữ Hán gọi là tràng can.
(4) Trong phép phong thủy có chia ra tay long (bên trái), tay hổ (bên phải); hổ thủy nhịch triều có nghĩa là con sông Phù Ủng là tay hổ chầu ngược về.
(5) Cũng trong phép phong thủy có chia ra dương trạch (nhà ở), âm phầm (mộ chôn).
(6) Nhắc lại sự tích Tô Tần đời Chiến Quốc.
(7) Tức Âu Dương Tu đời Tống.
BẠN ĐANG ĐỌC
VŨ TRUNG TÙY BÚT
General FictionVũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được...