"Người ta có thể viết được tác phẩm hay hơn bạn, nhưng không ai có thể viết được tác phẩm mà bạn viết."
—Junie Ng—⁂
Cho dù họ có làm cùng một chủ đề như của bạn, sử dụng cùng một ngôi kể, cùng một cốt truyện. Đó là vì phong cách. Phong cách thể hiện ở những điểm sau.
1. Thể loại.
Sự khác biệt đầu tiên của bạn thể hiện ở thể loại viết. Những nền văn hóa khác nhau sẽ cho ra những xu hướng tư duy và phong cách cốt truyện khác nhau, mà các thể loại văn học còn chia theo độ dài, chia theo nội dung, chia theo mục đích, chia theo độ tuổi.
Cùng sử dụng một hệ thống kỹ thuật viết, nhưng một tác phẩm kinh dị sẽ khác một tác phẩm lãng mạn. Chúng khác nhau ở cách chọn từ ngữ, giọng văn, các họa tiết, chủ đề, miêu tả,... để tạo ra những bầu không khí khác nhau, khí sắc khác nhau cho người đọc.
Mỗi tác giả thường sẽ viết rất hay ở một vài thể loại và viết rất dở ở một vài thể loại khác (tôi cá bạn sẽ không muốn đọc truyện trinh thám do Junie Ng viết đâu). Và điều này hình thành nên phong cách của bạn.
2. Văn phong (literary idiolect).
Là lề thói, phong độ, tác phong viết văn của tác giả; là cách sử dụng ngôn ngữ khác biệt và độc nhất của mỗi cá nhân; là tất cả những thứ mang cá tính của tác giả như: cách chọn từ vựng, cách đặt câu, cách tả, cách viết thoại, thậm chí cách chấm phẩy, cách dùng dấu câu, và cách xuống dòng... Nét chữ viết tay của một người cũng thuộc về văn phong.
3. Tiếng nói của tác giả.
Như đã nói ở bài học trước, tiếng nói tác giả là phong cách nói chuyện của tác giả. Và vì phong cách nói chuyện của mỗi người là khác nhau, nên tiếng nói tác giả là khác nhau, từ đó phong cách viết là khác nhau.
4. Dẫn truyện.
Bạn thích bắt đầu giữa truyện? Bạn thích để nhân vật tự giải đáp bí ẩn thay vì người kể chuyện?... Đó là sự khác nhau của phong cách dẫn truyện mà không bị gò bó bởi mớ kỹ thuật POV khủng khiếp.
5. Những yếu tố chi tiết hơn của phong cách.
• Sự lựa chọn từ vựng: Có người sẽ thấy 'thịnh nộ' có độ nặng về nghĩa hơn là 'giận dữ', nhưng có người lại thấy sắc thái của 'giận dữ' phù hợp với ngữ cảnh câu chuyện hơn. Có người thì thích dùng từ vựng giản dị gần gũi, chỉ tránh lỗi lặp từ; có người thì thích tìm tòi từ mới lạ, đem lại sự phong phú cho những câu văn.
• Cú pháp: Thứ tự chữ trong câu có thể khác nhau, cấu trúc câu cũng có thể khác nhau. Nên cùng không sai ngữ pháp thì vẫn có nhiều cách để thể hiện cùng một nội dung.
• Trình bày: Trong khi có người thích dẫn thoại bằng dấu gạch ngang, thì người khác có thể thích dùng dấu ngoặc kép. Trong khi có người ngắt chương theo cảnh truyện thì người khác có thể ngắt theo số chữ.
• Miêu tả: Tôi có hướng dẫn về miêu tả ở Phần Ba của cuốn cẩm nang này. Vốn dĩ nó không có nguyên tắc, chỉ có một số lỗi cần tránh để truyện không bị vụng về,chán, trần trụi. Vì nó không có nguyên tắc nên không phải băn khoăn gì về phong cách miêu tả cả.
• Năng khiếu: Viết cảnh đánh nhau là sở trường của tôi, hoặc tác giả nào đó viết truyện rùng rợn nghe thực sự rùng rợn, hoặc tác giả nào đó chuyên chơi chữ khi viết,...
13.12.2018
BẠN ĐANG ĐỌC
Kỹ Thuật Viết Genre Fiction.
Non-Fiction• Cuốn cẩm nang này là lý thuyết học thuật về kỹ thuật viết Genre Fiction tiêu chuẩn (standard) ー trình độ cơ sở; không phải chia sẻ "kinh nghiệm viết", không phải các "mẹo viết truyện", càng không phải hướng dẫn làm tác giả wattpad. Nó cũng không d...