CHƯƠNG XI
CỨU HỘ HÀNG HẢI
Điều 164.
1- Cứu hộ hàng hải là hành động cứu tầu biển hoặc các tài sản thuộc về tầu thoát khỏi nguy hiểm hoặc hành động cứu trợ tầu biển đang bị nguy hiểm, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ hàng hải.
2- Hợp đồng cứu hộ hàng hải được ký kết theo các hình thức do các bên thoả thuận.
Điều 165.
1- Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý.
2- Tiền công cứu hộ cũng phải được trả, kể cả trong các trường hợp: người cứu hộ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người được cứu hộ bảo vệ các quyền lợi liên quan đến tiền cước, tiền công vận chuyển hành khách; cứu hộ tầu biển thuộc cùng một chủ tầu; cứu hộ tầu sông hoặc thuỷ phi cơ trên biển hoặc các vùng nước nội địa
3- Hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tầu được cứu, thì không được trả tiền công cứu hộ.
Điều 166.
1- Người được cứu tính mạng không có nghĩa vụ trả bất cứ một khoản tiền nào cho người đã cứu mình.
2- Người cứu tính mạng được hưởng một khoản tiền thưởng hợp lý trong tiền công cứu hộ tài sản, nếu hành động đó liên quan đến cùng một tai nạn làm phát sinh hành động cứu hộ tài sản.
Điều 167.
Người đang thực hiện nhiệm vụ hoa tiêu hoặc lai dắt trên biển được thưởng công cứu hộ, nếu đã có những sự giúp đỡ đặc biệt vượt quá phạm vi trách nhiệm theo hợp đồng để cứu hộ tầu mà mình đang phục vụ.
Điều 168.
Các bên tham gia hợp đồng cứu hộ đều có quyền yêu cầu huỷ bỏ hoặc thay đổi những thoả thuận không hợp lý trong hợp đồng, nếu các thoả thuận này được ký kết trong tình trạng nguy cấp và bị tác động bởi tình trạng đó hoặc chứng minh được là đã bị lừa dối, lợi dụng khi ký kết và khi tiền công cứu hộ quá thấp hoặc quá cao so với thực tế.
Điều 169.
1- Tiền công cứu hộ bao gồm tiền thưởng công cứu hộ, chi phí cứu hộ và chi phí vận chuyển, bảo quản tầu hoặc tài sản được cứu hộ.
2- Tiền công cứu hộ được thoả thuận trong hợp đồng, nhưng phải hợp lý và không được vượt quá giá trị tầu hoặc tài sản được cứu hộ.
3- Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thoả thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý và khi có nhiều người tham gia cứu hộ, thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở:
a) Kết quả cứu hộ;
b) Công sức và mức độ cố gắng của người cứu hộ;
c) Mức độ nguy hiểm đối với người trên tầu bị nạn, tầu hoặc tài sản bị nạn;
d) Mức độ nguy hiểm đối với người cứu hộ cũng như đối với các tầu và thiết bị cứu hộ mà người cứu hộ sử dụng;
e) Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan;
g) Rủi ro về trách nhiệm hoặc các rủi ro khác mà người cứu hộ phải gánh chịu;
h) Giá trị các thiết bị cứu hộ;
i) Sự điều chỉnh đặc biệt của tầu cứu hộ để phục vụ hành động cứu hộ;
k) Giá trị tài sản được cứu.
4- Tiền công cứu hộ có thể bị giảm hoặc không được công nhận, nếu người cứu hộ đã tự gây ra tình trạng phải cứu hộ hoặc có hành động trộm cắp, lừa đảo, gian lận khi thực hiện hợp đồng cứu hộ.
Điều 170.
Giá trị tầu hoặc tài sản được cứu là giá trị thực tế tại nơi để tầu hoặc tài sản sau khi được cứu hộ hoặc tiền bán, định giá tài sản sau khi đã trừ chi phí ký gửi, bảo quản, tổ chức bán đấu giá và các chi phí tương tự khác.
Điều 171.
Tầu hoặc tài sản được cứu hộ có thể bị cầm giữ hoặc tạm giữ để bảo đảm việc thanh toán tiền công cứu hộ và các chi phí khác liên quan đến việc định giá, tổ chức bán đấu giá.
Điều 172.
1- Tiền công cứu hộ được chia đều giữa chủ tầu và thuyền bộ tầu cứu hộ, sau khi trừ chi phí, tổn thất của tầu và chi phí, tổn thất của chủ tầu hoặc của thuyền bộ liên quan đến hành động cứu hộ.
Nguyên tắc này không áp dụng đối với tầu cứu hộ chuyên dùng.
2- Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Bưu điện quy định cụ thể cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ.
Điều 173.
1- Các quy định tại chương này cũng được áp dụng đối với các loại tầu thuộc các lực lượng vũ trang Việt Nam.
2- Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ nội vụ quy định cụ thể cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ các tầu thuộc các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Điều 174.
Thời hiệu khiếu nại về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ là hai năm, tính từ ngày kết thúc hành động cứu hộ.