Ngoại truyện 03 [Đồng Nhạn Thanh]

2.4K 111 6
                                    


Tác giả: Viburnum

Biên tập: Yến Phi Ly

Tôi quen Bùi Án Đồng vào năm 1932, năm ấy, tôi ba mươi bốn tuổi, anh ba mươi chín tuổi.

Chúng tôi dường như chỉ hận vì đã gặp nhau quá trễ, nhưng may mà không có nỗi đau bởi vì "Người sinh tôi chưa sinh, tôi sinh người đã già".

Năm đó, tôi và mẹ cùng theo vợ chồng cô Tư tới Mỹ, đi nương tựa chỗ Đại thiếu gia nhà họ Diệp. Trong ấn tượng của tôi, Đại thiếu gia Diệp Côn từng là một kẻ vô cùng lạnh lùng, trong ánh mắt lộ ra khí lạnh, khóe miệng hơi hơi cong xuống giống như miệt thị hết thảy mọi người vậy, dù cho anh ta có cười thì cũng chỉ là nụ cười đối phó, tuyệt đối không phải là thật tâm.

Bởi vậy, khi mà anh ta giúp tôi tới Nam Kinh tìm công việc, trốn thoát khỏi gia đình tù túng bó buộc tôi biết bao năm qua thì tôi vẫn không thể nào nghĩ tới anh ta lại có thể dành ra chút tâm sức này. Đương nhiên, mãi về sau tôi mới biết được, nguyên nhân chủ yếu trong chuyện này là vì anh hai tôi, là vì quan hệ giữa hai người bọn họ.

Bọn họ luôn ở 'bên nhau'.

Có đôi khi tôi sẽ nghĩ có phải tôi và Bùi Án Đồng chẳng có được phần may mắn như họ hay không, quen biết nhau sớm hơn vài năm, sau đó liền bên nhau nửa đời người.

Nhưng có thời điểm tôi lại nghĩ, tôi và Bùi Án Đồng thật sự rất may mắn, bởi vì tuy chúng tôi không biết nhau sớm, giữa chừng lại có quãng thời gian chia ly, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng coi như một mạch đi đến tận hôm nay.

Giống như hiện tại, cái gã đàn ông nói tiếng Anh vẫn mang theo khẩu âm Italia, nói tiếng Trung lại mang theo khẩu âm người Mỹ đang vừa xem TV vừa lẩm bẩm cằn nhằn điều luật nào đó không hợp lý, sau đó khi tôi nhịn không được mà phì cười thì anh lại nhún vai, chộp lấy cây gậy ba-toong vốn dĩ đâu cần thiết, đi ra khoảnh vườn trồng cà chua sau nhà.

Tôi thích ngắm nhìn anh dọn dẹp chăm chút mảnh vườn bé xinh ấy, đeo cặp kính lão cẩn thận kiểm tra mỗi một phiến lá, mỗi một quả cà đỏ mọng. Anh gần như có một loại cố chấp với chủ nghĩa khoa học hoàn mỹ, mặc kệ là hiện tại đối đãi với đám cà chua hay là đối với chuyện làm ăn năm đó. Mà lúc này anh chỉ mặc một cái quần yếm, đội mũ rộng vành, cúi người dưới ánh nắng đầu hạ ấm áp, nheo mắt lại, hàng mi dài đặc trưng của người phương Tây phản chiếu cái bóng hờ trên mí mắt trông thật đáng yêu, càng khiến tôi nhớ lại vài thập niên trước, anh đứng trong tiệm tạp hoá của chúng tôi, cũng cúi người như vậy, nheo mắt lại cẩn thận kiểm tra hàng hóa trên kệ có đặt chỉnh tề hay không. Khi ấy ánh nắng cũng xuyên thấu qua cửa sổ thủy tinh chiếu lên gương mặt anh, chiếu lên hàng mi cong dài đầy quyến rũ của anh như lúc này.

Đầu hạ năm 1932, anh mặc quần tây nhạt màu, sơ-mi trắng xắn cao hai ống tay, mái tóc màu nâu xám bị tia sáng sáng sủa chiếu lên càng như rực rỡ hơn, giống như vị caramel ngọt ngào trong ly cà phê thơm lừng.

Ngày đó, tôi đến tìm anh để may quần áo.

Anh ấy và Diệp Côn đầu tư rất nhiều cửa hàng, trong đó có một nơi chuyên phục vụ cho may mặc. Tôi nhận được lời mời của anh nên mới chuẩn bị tới đó cắt may vài bộ âu phục.

Sương Chiều Não NềNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ