Cả làng gọi cha tôi là ông giáo Minh, còn mợ cả của tôi nghiễm nhiên là bà giáo.
Ấy vậy mà má tôi – mang tiếng là vợ lẽ của ông giáo – lại bị người ta làm ngơ đi cái danh phận nhỏ nhoi, từ đứa con nít tới mấy bà bác trong ngõ xóm đều gọi trỏng là "cô Tư", "thím Tư", "chị Tư" mà thôi.
Trước đây gia cảnh nhà họ Huỳnh cũng khấm khá dư dả lắm, nghe đâu cụ cố tổ tôi làm tới chức quan gì đó trên tận triều đình. Về sau phần vì chạy chữa cho bà nội tôi ốm liệt giường, phần vì ông nội tôi chán nản đâm cờ bạc may rủi, cũng phần vì lo cho cha tôi ra Sài Gòn học tới cái bằng Thành Chung, nên gia sản tiêu tán hết cả, đến giờ chỉ còn lại cái danh hão huyền từ thời cụ cố.
Hồi bà nội tôi còn khỏe mạnh, nhà cũng còn có chút đồng ra đồng vô, nội mới đánh tiếng hỏi cưới cô Kim Lan nhà ông phú Đinh làm vợ cho cha tôi.
Nhà phú hộ Đinh giàu lắm, giàu gấp mấy lần nhà họ Huỳnh này, trâu bò lợn gà đầy sân, ruộng đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay, nhưng trong họ ba đời chỉ toàn làm nông, không có lấy nửa con chữ giắt lưng. Vì thế ông phú Đinh quý chữ nghĩa lắm, quý cả cái danh làm quan to của cụ cố tổ tôi nên mới ưng thuận gả cô Kim Lan vào nhà họ Huỳnh.
Cô tiểu thư nhà phú hộ Kim Lan đó, chính là mợ cả tôi bây giờ.
Sau này khi bà nội tôi qua đời, ông nội tiêu tán hết tiền bạc vào món cờ bạc đỏ đen rồi cũng nằm xuống ngay cuối năm đó, cha tôi phải thôi học trên Sài Gòn để về quê làm anh giáo gõ đầu trẻ.
Gia cảnh bần túng là thế nhưng mợ cả vẫn quen thói đỏng đảnh nhà giàu, suốt ngày chỉ lo ăn diện không màng tới việc đồng áng chân lấm tay bùn. Ấy vậy mà cha tôi thương mợ cả lắm, mợ thích thức quà gì cũng gắng làm lụng để chiều lòng mợ... Ngặt nỗi cưới nhau đã được dăm năm mà eo mợ vẫn thắt đáy lưng ong, chả thấy nhô lên chút nào.
Chán nản, cha mới ướm hỏi ý mợ cưới má tôi về làm lẽ. Má tôi thuở thiếu thời là con gái thứ tư trong một nhà đông con, má không xinh xắn trắng trẻo như những cô tiểu thư yêu kiều. Vốn phải làm lụng vất vả từ nhỏ nên dáng người má thấp đậm, làn da bánh mật ngăm ngăm nâu. Người ta bảo dáng má là dáng đàn bà mắn đẻ. Cha cưới má làm lẽ, cũng là vì cái dáng ấy mà thôi.
Nhưng bất hạnh thay má tôi hai năm sanh hai đứa lại toàn là con một bề. Chị em tôi hơn kém nhau có một tuổi tròn, chị Hai Huệ năm nay lên mười sáu, còn tôi vừa vặn cái tuổi trăng rằm mười lăm.
Từ khi chúng tôi chào đời, cha đã chẳng mảy may quan tâm. Sau chị Huệ thì cha còn nuôi trong lòng chút ít hy vọng nhưng khi vừa biết đứa trẻ thứ hai sinh ra cũng là con gái, cha tuyệt nhiên không còn nom ròm gì đến má tôi nữa. Hỡi ôi, cha lấy má cũng đâu phải vì tình ái? Một khi mục đích cha muốn ở má không đạt được thì má tôi nay đâu có khác chi là đứa tôi tớ, đứa ở trong nhà!
Sau, mợ cả tôi nghe theo mấy bà bạn trên tỉnh đi khắp các chùa chiền lễ lạt, tìm những thầy thuốc nổi tiếng "mát tay" về chẩn bệnh. Mợ lặn lội tìm sang cả Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre để cúng chùa, tìm thầy.
Khi tôi lên mười một tuổi thì mợ hoài thai cậu Cường.
Khỏi phải nói, cha tôi và mợ cả quý cậu còn hơn quý vàng. Một tiếng "cậu", hai tiếng "cậu", cậu nhăn mặt một tí là đã bế nựng dỗ dành, chẳng bù cho hai chị em chúng tôi...
BẠN ĐANG ĐỌC
[Làng quê miền Tây, Full] Thôi Duyên
Romance"Thôi cũng đành thôi, duyên em cũng đành thôi!" - Út Liên ca bài gì mà buồn quá vậy? Cậu Khải hai tay đút túi quần âu, thong thả bước đến sau lưng tôi. Tôi cười mà lòng tràn ngập chua xót. - Em ca cuộc đời em đó cậu! (* Trích lời bài hát "Thương kiế...