Gặp bầu bạn, được vạn cân hay
Nói vu vơ, khù khờ mà trúngTrạng từ khi từ giã mẹ với anh bước chân đi, trong bụng tức giận, ấm ức, vẫn có ý muốn làm nên thế kia thế khác mới nghe. Chẳng qua là đất đã phát, cho nên nói cái gì trúng cái ấy, đi đến đâu gặp may đến đấy.
Thoạt mới ra đến đường cái quan, gặp hai người, thầy nào tớ nấy, đi tử tế lắm. Trạng thấy đạo mạo, lại vái mà hỏi:
- Các ngài đi đâu mà thầy thầy tớ tớ như vậy?
- Chúng tôi đi trẩy Kinh thi. Thế thầy đi đâu?
- Thưa, tôi cũng trẩy Kinh.
- Có phải trẩy Kinh thì cùng đi một thể cho vui!
Bấy giờ trời đã hôm. Gặp một cái quán bán hàng, Trạng và hai người cùng vào trú. Nguyên cái hàng ấy xưa nay vẫn có những quân trộm chẹt cướp những người đi đường. Đêm hôm ấy, thầy tớ hai người kia đi đường mệt, ngủ say cả. Trạng cũng đương ngủ say, tự nhiên thét to lên rằng:
- Bắt lấy nó trói lại, rồi đem chọc tiết đi!
Mấy người kia đều giật nảy mình dậy cả. Chú kẻ trộm đang nằm rình dưới gậm giường tưởng rằng Trạng biết, vội vàng chui ra lạy mãi Trạng mới tha. Đồ hành lý của hai kia không suy suyển gì cả, hai người đến cảm tạ Trạng. Từ đấy kết thân, hễ Trạng trọ đâu thời hai người kia cũng trọ đấy.
Một hôm đi vào một làng tìm chỗ trọ. Vào đến cổng làng có ba chữ "Thủ chư Dự", nghĩa là: "lấy ở quẻ Dự". Trạng nghe nói "thủ chư" nghĩ "thủ trư" là sỏ lợn, bảo hai người rằng:
- Tôi hôm nay ta được ăn thịt sỏ lợn.
Hai người kia tưởng là nói đùa chơi, cười răng:
- Đi đường nhọc mà lại có người gia huệ thế, chả hay lắm ư?
Trạng nói:
- Chắc có!
Bất giác vào trọ trong nhà ông thủ chỉ, gặp ngày tế xuân, được cái sỏ lợn biếu, thấy khách trọ quả nhiên đem ra để thết. Hai người thấy thế bảo Trạng rằng:
- Ô quái! Ông này có phép gì lạ mà biết trước hôm nay được ăn thịt sỏ lợn.
Trạng nói:
- Trạng chẳng biết trước, thời ai biết trước!
Chiều hôm sau đến một làng, ba người cùng định vào trọ. Chợt đi qua cửa đình, Trạng thấy cái bia đề hai chữ "hạ mã", vội vàng trở ra, bảo hai người kia rằng:
- Đi tìm chỗ trọ khác! Chớ trọ ở đây mà khốn!
Hai người kia ngạc nghiên không biết thế nào, hỏi:
- Sao mà khốn?
Trạng quàng tay chỉ rằng:
- Bất yên! bất yên!
Hai người nghỉ Trạng có tài biết trước, thấy bảo đi cũng đi. Vừa ra đến cánh đồng, quả nhiên ở trong làng phát hỏa, một chốc cháy ra tro cả. Hai người càng phục Trạng là giỏi. Nào có biết đâu Trạng nhầm hai chữ "hạ mã" ra hai chữ "bất yên").
Lại một hôm đi qua đường, thấy một cái chùa, am tháp thâm nghiêm, phong cảnh tĩnh mặc lắm, ba người rủ nhau vào chơi. Vào đến nơi mặt trời vừa lặn, trăng vừa lên. Nhà sư đón vào, đưa đi xem tất cả rồi mời vào thiền phòng uống nước. Ba người mừng lắm, theo sư vào đến nơi, trông ra thấy ngoài vườn thời đào liễu tốt tươi, dưới ao thời là sen thấp thoáng, gió thoảng mùi hương, trăng soi bóng nước, mặt sen nghiêng ngửa, mày liễu phất phơ, coi như là một cảnh Bồng Lai, Lăng Uyển) vậy. Thú vị không biết bao nhiêu mà kể!
Uống tàn ấm nước, thấy nhà sư cầm một quyển giấy bút ra, nói xin đề họa để ghi cái thú vui. Hai người vâng lĩnh giấy bút. Trạng cũng không từ chối, lập tức cầm bút, nghĩ bụng viết chữ « thâm tinh lập lái"(189), bất giác chữ "lập" chệch ra chữ "huyền", chữ "lái" chệch ra chữ "lý", thế nào lại hóa ra "Thâm tinh huyền lý». Ý nghĩa hợp cảnh nhà sư. Nhà sư lấy làm thích lắm. Còn hai người kia, người thời đề bốn chữ "Phong nguyệt vô biên", người thời đề một bài thơ:
Bồng Lai nguyên bất viễn
Đáo thử định tiền duyên
Ngạn liễu thư mi thái
Tri liên trú bích tiền
Phong Lai hương bất đoạn
Nguyệt ấn thủy thành viễn
Trụ thử tri phi tiểu
Đăng lâm hoàng thị tiên
Dịch nôm:
Non Bồng nào phải đâu xa
Đến đây chắc hẳn cũng là tiền duyên
Phất phơ mày liễu ưa nhìn
Mặt sen như đúc khuôn tiền nở nang
Thảnh thơi dì gió đưa hương
Lửng lơ chị nguyệt soi gương giữa dòng
Ở đây ai dễ đọ cùng
Tới đây xem cảnh, trong lòng cũng tiên.
Thảo xong, ngâm vịnh với nhau một đêm. Bất ý Trạng cũng thuộc lòng tất cả. Sớm mai, ba người cáo từ sư đi. Đến một chỗ có một cái trang, tùng cúc tốt tươi, trúc mai sầm uất, hoa đào đỏ thắm, hương quê thơm tho. Ba người cùng đứng lại nhìn xem. Đang mãi mê vui, nhác thấy một người con gái, tuổi độ 18, 19 nhan sắc rất đẹp, đứng ở trong vườn hái hoa. Ba người tìm đường lẻn vào. Đến nơi, thời hài hoa trở gót chốn nào, dạo khắp trong vườn, không hề thấy bóng. Đứng tần ngần trông ngó, nhác thấy trong có cửa nhà, lầu gác thâm nghiêm. Muốn vào những thấy cổng kín tường cao, lại ngại đường đột. Một người đọc lên một câu rằng:
Vị đáo ngự lâm phan quế thụ
Tiên ư xuân uyển khán đào hoa
Một người tiếp một câu rằng:
Tha thời ý cẩm vinh hồi mã
Kim ốc ưng lương trữ Tố Nga
Dịch nôm:
Chưa lên vườn ngự vịn cành quế
Trước tới vườn xuân ngó nhị đào
Cật ngựa nay mai lồng áo gấm
Quyết đem ả Tố để nhà vàng.
Ngâm rồi trở ra đi, được một quảng Trạng nghĩ được một mẹo, trỏ tay tận đường xa mà bảo hai người rằng:
- Tôi nhớ ở trong làng kia có một người thân thích, muốn vào thăm qua. Giá được các ngài cùng đi cho vui thời hay lắm, không biết các ngài có thuận chăng?
Hai người nói: Từ đây đến Kinh đường còn xa, nhật kỳ gần tới, quá vui lỡ bước, sau nữa làm sao?
Trạng nói:
- Thôi, đã thế thời xin các ngài hãy trẩy trước. Một vài bữa tôi sẽ đến sau.
Hai người từ Trạng rồi đi.
YOU ARE READING
Trạng Lợn
HistoryczneTrích 'Kho tàng về các ông Trạng Việt Nam' của Giáo sư Vũ Ngọc Khánh. Truyện Trạng Lợn cho đến hôm nay vẫn chưa có khả năng đi tìm một xuất xứ chính xác. Ngay cái tên thực của ông cũng khó xác định. Dương Đình Chung hay Nguyễn Nghiêu Tư. Truyện hư c...