HỒI THỨ NĂM

2 0 0
                                    

Học thời kém, nói lém thành thần
Chữ không hay, lại xoay nghề cũ

Bấy giờ Trạng cố đòi về, không muốn học. Ông bố dỗ ngọt và bảo:

- Con cứ cố học cho siêng năng, ăn ở cho lễ phép, thời thầy tất phải yêu, cha mẹ cũng chiều, can gì mà phải đòn.

Trạng thấy bố nói êm tai, chừng đã có ý thuận, hỏi rằng:

- Thế thời học độ mấy ngày thì làm được Trạng?

Bố chưa kịp nói, thầy đồ buồn cười cho là tính trẻ con, mới nói bỡn:

- Cố học độ năm ba buổi, nửa tháng, thời làm được Trạng.

Trạng thấy nói vừa ý, gật đầu, tủm tỉm cười.

Thầy viết bài khai tâm đưa cho học, bảo là: "Thiên tích thông minh, Thánh phù công dụng".

Trạng học chệch ra: "Thiên lịch thong manh, Thánh phù chỏng gọng".

Học đến năm bảy hôm, có tám chữ vẫn không thuộc. Hễ thầy bảo buông miệng lại học nhịu như trước. Bảo đi bảo lại cũng như vậy. Thầy đồ bực mình quá, nổi giận bắt nằm xuống để đánh. Trạng nằm ngửa mặt lên trời. Thầy hỏi:

- Sao không nằm sấp xuống mà lại năm ngửa kềnh càng như vậy?

Trạng đọc luôn ngay rằng:

"Thiên tích thong manh, Thánh phù chỏng gọng".

Thầy đồ buồn cười quá, ném roi xuống không đánh nữa.

Tính Trạng hay mải chơi, ở nhà trường khi vắng mặt thầy, rủ trẻ làm cời làm tán, chiêng trống rước xách. Một ngày kia đang rước, thầy sừng sựng ở ngoài về bắt được. Đứa thời đang thổi sáo miệng; đứa thời cầm cờ, cầm quạt; đứa thời vác tàn, vác tán, rước xách rầm rĩ. Thấy thầy về, đứa nào đứa ấy đều tái cả mặt, sợ hết vía, bỏ cả mà chạy. Chỉ còn Trạng vẩn đứng trơ ở đấy. Thầy bắt vào hỏi Trạng, sao học trò dám đùa nghịch như vậy? Trạng nói:

- Thưa thầy, chúng con tập lễ nghi.

Thầy thấy nói ráo hoảnh, lại cười mà tha.

Lại một hôm thầy đi chơi, giao Trạng giữ nhà. Có một ông khách đến chơi, vào đến sân, hỏi thầy đồ có nhà hay vắng? Trạng ở trong nói rằng:

- Thầy đi vắng, chỉ có Trạng ở nhà thôi!

Ông khách dòm vào, chỉ thấy có một đứa bé ngồi đấy, không thấy ai nữa mới hỏi.

- Trạng đâu?

- Trạng đây chứ Trạng đâu!

- Ông Trạng đấy ư! Trạng đã học đến đâu rồi?

- Học đến "trời, đất".

- Trời là gì, đất là gì?

Trạng vỗ tay cười ầm lên rằng:

- Thời ông này không đi học rồi! chả biết trời, biết đất là gì! Trời là thiên, Đất là địa mà không biết.

Ông khách nói:

- Thằng này trẻ con thực!

- Ông người lớn thời tôi đố ông biết: trên trời có gì? dưới đất có gì?

- Trời có trăng sao, đất có sông núi chứ gì!

- Ông nói không phải. Trên trời có hai người, dưới đất có một người học trò.

- Ai bảo thế?

- Thánh bảo chứ ai bảo! ông chưa học chữ Thiên chữ

Địa à? Nhị nhân là chữ Thiên, sĩ dã là chữ Địa, chẳng phải là gì?

Ông khách thấy đáp giảo hoạt, lại hỏi rằng:

- Trên trời có hai người là những ai? Dưới đất có một người học trò là ai?

- Hai người là ông trời, bà trời. Một người học trò là tôi chứ là ai!

Ông khách thấy nói, rợn tóc gáy lên, than rằng:

- Mình không bằng một đứa trẻ.

Nói chưa dứt lời, thầy đồ vừa về, ông khách đem kể lại. Thầy đồ nói:

- Thưa, nó là con nhà hàng thịt đấy ạ! Ô! Ai ngờ đất sỏi lại có trạch vàng. Bẩm nói thời ra đáng thông minh. Nhưng học thời một chữ bẻ đôi không biết.

- Không phải, người ta đều có tài riêng như hoa mỗi mùi, mỗi vẻ. Trông đứa này mặt mũi khôi ngô, biện bác linh lợi, sau này chắc lấy tài làm đại quý, không phải kém bậc chúng mình đâu.

Nói về ông bà hàng thịt, xưa nay nhà ít chữ nghĩa, vốn sẵn lòng mến về việc học. Từ khi đưa con đi học, thấy con sớm đi tối về, ngâm nga bên tai, trong bụng lấy làm mừng vui lắm, đêm ngày chăm chút, khuyên dụ, có ý mong con cố học cho đến nơi đến chốn để mai sau sảng khải gia đình.

Bỗng một hôm, trạng ở trường học về trông mặt có ý tự đắc lắm, đem quyển sách Tam tự kinh ra khoe rằng:

- Thôi hôm nay con đã học hết sách rồi, nay mai xoay xỏa cho con đi thi.

- Thằng này nói lạ chứ! Chưa vỡ bầu cứt đã đòi bay bổng! có muốn thi thời phải học cho hay chữ. Vừa mới vỡ lòng mấy hôm, chưa hết quyển Tam tự kinh đã đòi đi thi. Thi làm sao được.

- Thế sao thầy bảo: học năm bảy bữa thời làm được trạng?

- Thầy nói cho mày cố học đấy chứ. Trạng đâu lại có trạng trẻ con thế!

Trạng tuy nghe lời bố mẹ bảo, nhưng vẫn chắc mình học thế đã là đủ. Trong bụng nhơn nhơn như Trạng nguyên đã nắm sẵn trong tay rồi. Từ ngày mai trở đi, bố mẹ giục thế nào cũng không đi học nữa. Sau có thơ rằng:

Trạng đâu có trạng lạ lùng sao

Chửa học đòi thi, thế mới hào

Nhòm ống tưởng rằng trời cũng bé

Trông xa nào biết núi là cao

Chim đang lông ống đòi bay bổng

Rồng mới sừng non chực nhảy nhào

Người bé, gan to là thế thế

Trạng đâu có trạng lạ lùng sao.

Ông hàng thịt thấy con không chịu học, có ý bực tức trong bụng, mới thở dài mà than rằng: Thôi, không trách người ta bao "giỏ nhà ai, quai nhà ấy" là phải. Mình đã dốt phải làm nghề hàng thịt. Cho con đi học để mà đổi nghề cũng không được. Âu là ta thử bắt đi theo làm những việc đun bếp, gánh nước. Họa là nó có biết tức mà hồi đầu, thời nhà mình đại hồng phúc.

Từ đó bố đi đâu bắt con đi đấy, sai làm việc khó nhọc. Bấy giờ Trạng lên mười ba tuổi.

Trạng LợnWhere stories live. Discover now