HỒI THỨ SÁU

2 0 0
                                    

Nói khôn ngoan mà quan phải vị
Bực anh chị, phẫn chí ra đi

Từ khi Trạng theo bố đi làm hàng, phàm những sự làm ăn, pha phách, mua bán, chào mời, lời nói lát, việc bán hàng đều thành thuộc, tinh thông tất cả. Bố đi mua lợn chỗ nào cũng đem ông ấy đi khiêng.

Một hôm đến làng bên, thấy nói có ông quan trí sĩ bán lợn. Bố con cũng vào mua. Bấy giờ bà quan đi vắng, chỉ có một mình ông quan ở nhà đương ngủ, thấy có tiếng người ở ngoài sân, trở dậy ra đứng cửa hỏi ai vào, có việc gì? Ông ấy bẩm:

- Chúng tôi vào mua lợn.

Nguyên bấy giờ ông quan vừa mới ngủ dậy, còn đương mắt nhắm, mắt mở, đầu tóc rũ rượi, đứng ngáp một cái, lấy tay dụi ngang mắt mà vuốt từ mặt xuống cằm, rẽ chòm râu ra làm đôi rồi búi tóc lại trở vào trong nhà nghỉ.

Trạng ta đứng xa trông thấy thế, bảo bố rằng:

- Quan lớn bán rồi đấy!

Bố hỏi:

- Sao mày biết?

- Thế thầy không trông đấy ư? Quan lớn thấy là hàng thịt, khinh không thèm nói. Ngài chỉ ra hiệu cho biết giá lợn là 18 quan, cho cứ vào chuồng mà bắt đấy!

Bố nghe lấy làm phải, xếp 18 quan tiền ra sân rồi vào chuồng bắt lợn. Bà quan ở đâu sừng sực về, thấy bắt lợn, hỏi:

- Ai bán lợn cho anh mà dám bắt?

Bẩm, quan lớn bán.

- Quan lớn bán bao nhiêu?

- Bẩm quan lớn truyền 18 quan. Chúng tôi xin nộp cả rồi ạ!

Bà lớn nghe nói, vội vàng chạy vào hỏi ông lớn:

- Sao lợn bằng từng ấy mà quan lớn bán có 18 quan?

- Không ai bán cho nó. Gọi vào để xem nào!

Trạng chưa vào đến nơi, quan lớn đã mắng:

- Sao lợn chưa bán mà mày cứ tự tiện bắt?

- Bẩm, chúng tôi thấy quan lớn bán thời mới dám bắt.

- Thế nào mà mày bảo tao bán?

- Chúng tôi thấy rõ ràng quan lớn lấy tay vuốt ngang mặt, vuốt xuống dưới, rồi rẽ râu làm đôi, rành rành là chữ "thập bát" lấy tay cuốn tóc đi trở vào là: vào trong mà bắt. Chúng tôi tưởng quan lớn ra hiệu, cho nên mới dám bắt.

Ông quan thấy người biện bác giỏi, lấy làm kỳ lắm, bảo bà quan rằng:

- Tuy không bán cho nó thực, nhưng nó đã biết biện bác như thế cũng là một đứa giỏi, thời dẫu rẻ bao nhiêu cũng bán cho.

Bà quan yêu là người có tài, cũng bằng lòng bán.

Sau có thơ khôi hài rằng:

Ai rằng mười tám với đôi mươi

Biện bác vu vơ khéo nực cười

Không bán, tự nhiên mà mất lợn

Từ rày: vuốt mặt, rẽ râu, thôi!

Sau hai năm, ông bố qua đời. Thương ôi! Thung gia sương ám, gương tuyết bụi phong. Tay trồng hòe, hoa hòe chưa phát; mắt trông quế, hương quế chưa nồng. Hạc bỏ... hoa, còn ai thấy bóng; rồng bay hồ biếc thương kẻ ôm cung.

Khi bây giờ, nước mắt Trạng chứa chan, dẫu tháo nước biển chảy cũng không xiết, trong bụng Trạng sầu thảm, dẫu có núi trúc viết cũng không cùng. Thương nhớ đến nỗi bỏ cả buôn bán. Dần dà đến lúc xong tang, vẫn cứ như vậy. Chỉ nay đi chơi chỗ này, mai đi chơi chỗ khác. Hết rước bọn khách nọ lại đến bọn khách kia. Thết đãi chè rượu, rông dài chơi bời suốt ngày suốt tháng mà thôi.

Mẹ vốn là người hiền từ, thấy con khách khứa rộng rãi như vậy, trong bụng càng lấy làm mừng rỡ, quý hóa mà không hề nói động đến chi. Anh ruột và chị dâu có ý không bằng lòng, thường có tiếng nặng, tiếng nhẹ. Trạng vẫn cứ tự nhiên, giả cách lặng thinh mà thôi. Người anh thấy Trạng càng ngày càng quá, khuyên rằng:

- Cha mẹ sinh ra được hai anh em chúng ta, học hành đã chăng nên gì, văn dốt vũ dát, bây giờ chả may mẹ góa con côi. Mẹ thời già mà chúng ta thời lớn. Chính là độ phải nên làm ăn chăm chỉ mà giữ gìn nghiệp nhà cho yên lòng mẹ mới là phải. Chứ em cứ nay chè mai rượu, đua đàn đua đúm rông dài chơi bời mãi, anh tưởng người ăn núi lở, dẫu có rừng tiền bể bạc cũng không chịu được. Anh sợ lỡ mai quá đỗi nên mê, một ngày một hết, đến nỗi thất cơ lỡ vận, nhục đến tổ tông, cái nỗi bất hiếu bất mục ấy thời em tính để cho ai chịu?

Trạng nín lặng không nói. Chị dâu lại bảo Trạng:

- Chú! chị nói cho chú nghe. Bây giờ cha đã quá cố, chú thời vợ con chưa có, nhẽ phải sửa sang cái mình để tính đường sau này, cho thỏa lòng mẹ già chứ. Thôi thời nghe chị theo anh mà buôn bán làm ăn. Đừng chơi bời nữa mà hoài công cha mẹ, thiệt mất một đời thông minh đi!

Trạng ngật ngưỡng nói rằng:

- Em xin thưa anh chị chớ lo, sau nay em sẽ làm nên, thời vạn vợ khối tiền. Mẹ và anh chị cũng được sung sướng, sợ gì?

Anh thấy Trạng nói khi nông, gắt rằng:

- Chú còn làm nên gì? Làm có một con dao bầu, cái dùi và cái xảo cũng còn chưa nên nữa làm gì?

- Anh tưởng em không làm được nổi trạng hay sao?

Chị cười rằng:

- Ừ, chú làm được nổi trạng thực. Chú chưa làm được trạng chữ, trạng nghĩa, chứ chả làm được nổi cái trạng rượu, trạng thịt hay sao?

- Anh chị đã nói thế, mai kia em sẽ làm cho anh chị biết tay!

Nói xong rồi đi, hình như bực tức lắm. Sớm ngày mai lại thấy về. Chị chào bỡn rằng:

- Chú đã đi thi về rồi đấy ư? ắt đã đỗ trạng thời phải!

Trạng nghe nói mướt mồ hôi ra, đỏ mày sây mặt, tức lên đến cổ, không biết câu gì mà nói lại, vào trong nhà tấm tức bảo mẹ rằng:

- Lạy mẹ, con là một người con trai, đã không báo ơn được cha mẹ, lại để cái lo cho anh chị, thế con lấy làm nhục lắm. Phen này con quyết xin đi, nếu có làm nên được gì thời con mới dám về. Không, thời không dám cho mẹ trông thấy mặt.

Nói xong rồi, gạt nước mắt ra đi.

Trạng LợnWhere stories live. Discover now