HỒI THỨ TƯ

2 0 0
                                    

Lúc thuở trẻ, thỏ thẻ nực cười
Xem vinh qui, lăm le muốn những

Hai ông bà đem con đi xem rước vinh quy. Con trông thấy tàn quạt rợp trời, trống chiêng dậy đất, khoang giữa có hai ông đội mũ cánh chuồn, mặc cân đai bối tử, cưỡi ngựa, cờ biến dẫn trước, hầu hạ theo sau, thực uy nghi, thích lắm hỏi rằng:

- Ông này là ông gì? Ông kia là ông gì?

Bố mẹ chỉ tay bảo:

- Ông này là ông Trạng. Ông kia là ông Bảng.

- Các ông ấy làm gì mà được thế?

- Các ông ấy học hay chữ, đi thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn thời được thế chứ sao!

- Trạng nguyên hay là Bảng nhãn hơn?

- Trạng nguyên hơn.

- Thế thời ngày sau con cũng làm Trạng nguyên.

Bố mẹ bật cười mà bảo rằng:

- Thằng này dở hơi! Chưa đi học đã đòi làm Trạng.

- Các ông ấy học nát xương, lồi da, ít ra cũng phải đến 15 năm, 20 năm mới làm được Trạng nguyên, Bảng nhãn, chứ mày tưởng dễ đấy hẳn?

- Thế thời lâu lắm. Con tưởng chỉ học mười lăm, hai mươi ngày thì làm được chứ mấy?

- Thằng này nói mới ngộ chứ! Có đâu mà dễ thế! Như trạng của nhà mày không bằng.

- Chẳng tin rồi con làm cho mà xem!

Từ đó chỉ yên chí hai chữ Trạng nguyên, dẫu nói với ai cũng tự xưng là Trạng. Khi ra đường chơi với trẻ, thường hay mua quà, mua bánh cho ăn, bắt chúng nó làm ngựa cho mình cưỡi, làm cờ biển, làm dù lọng y như rước vinh quy, rước về nhà gọi bố mẹ ra mà xem Trạng.

Hôm ấy, có một ông khách đương ngồi uống rượu với ông bố ở trong nhà, thấy thế làm kỳ dị nói bỡn rằng:

- Trạng dở chứ không phải Trạng nguyên - Có ý đối chữ "dở" với chữ "nguyên" đế chế trạng là dở người.

Trạng dòm vào nói:

- Khách quen chả hóa ra khách lạ.

Ông khách thấy thế, bảo ông bố rằng:

- Của này là của đáo để, chứ không phải của vừa.

Rồi khuyên ông ấy cho đi học.

Năm lên sáu tuổi, bà mẹ thấy bên láng giềng có một ông thầy dạy học, bảo với chồng cho con đi học. Vì nhà vốn là nhà hiếm chữ, trông thấy con người ta đi học mà thèm:

- Năm nay con đã lớn, sẵn bên kia có thầy đồ, ông đưa nó sang ăn mày thánh kiếm dăm ba chữ.

Trạng thấy nói cho học thầy đồ, hỏi mẹ:

- Thế thầy đồ lại hơn Trạng ư?

Mẹ nói:

- Thằng này trẻ con thực! Nó mới dở chứ! Thầy đồ lại hơn thế nào được Trạng.

- Thế thời thầy đồ lại kém Trạng ư? Thôi Trạng chẳng học thầy đồ, Trạng học trạng kia!.

- Nếu có muốn làm Trạng thời phải học mới được. Chứ không học thì lại dốt như cha với anh.

Trạng thấy mẹ nói không học thời dốt, không làm được Trạng, đứng tần ngần nín lặng một chốc rồi nói:

- Thế mai con xin đi.

Ngày mai, bố sửa lễ đưa sang thầy đồ. Lễ thánh xong, bảo Trạng vào lễ. Trạng hỏi:

- Thánh là ai?

Thầy đồ nói:

- Thánh là đức thánh Khổng Tử.

Trạng lại hỏi:

- Thế đức Thánh có đỗ Trạng không?

Thầy đồ nói:

- Nhất Thánh rồi nhì đến Trạng, chứ Thánh chỉ đỗ Trạng mà thôi à?

Trạng thấy nói Thánh hơn trạng mới chịu lễ. Lễ xong, bố bắt vào lễ thầy đồ, làm lễ thụ nghiệp. Trạng từ lúc thấy mẹ bảo thầy đồ không bằng trạng. Vẫn yên chí tưởng thầy đồ kém mình, không chịu lễ. Thầy đồ thấy thế, bảo rằng:

- Học trò đi học phải "tiên học lễ hậu học văn", chứ chả quen như ở nhà mà vô phép được đâu!.

Ông bố nói:

- Thưa thầy, ấy cháu nó ở nhà chỉ quen đi chơi đùa với trẻ cả ngày mà thôi. Thật chưa biết một tí lễ phép nào cả ạ! Trăm sự nhờ thầy dạy bảo cho.

Ông thầy nói:

- Thưa được. Thứ nhất hay chữ, thứ hai dữ đòn.

Hễ già đòn thì phải vào khuôn phép cả.

Trạng ta nghe nói đến câu già đòn, có ý không bằng lòng, bảo bố rằng:

- Tưởng đi học để làm trạng, chứ đi học để thầy đánh thế học làm gì?

Nói rồi đây đẩy đòi về.

Trạng LợnWhere stories live. Discover now