Bận.
Lúc nào cũng là bận.
Tôi mặc tiếng tút dài bên tai, bực bội vì chúng ngăn tôi trút sự não nề của mình cho người đã tuyệt tình cúp máy ở đầu dây bên kia. Giá như những hơi thở dài mệt mỏi của tôi đến được nơi Samu, tôi biết chắc em sẽ tìm cách đến đây lập tức.
Vì lúc này tôi cần được ôm.
Cuối cùng màn hình điện thoại tắt ngóm, và thế là thứ ánh sáng duy nhất còn le lói trong căn hộ hai người không còn nữa. Ráng chiều đã dần buông từ lâu, từ khi tôi rệu rã bước xuống xe buýt của MSBY và nhận ra không có chiếc xe tải nhỏ quen thuộc chờ chở mình về. Hai bắp chân căng cứng, nóng như muốn nổ tung mỗi lần tôi cất bước, những thớ thịt khắp cơ thể mỏi mệt đến độ không buồn cố gắng nhấc tay lên để lau mồ hôi túa ra trên trán. Bộ đồ tập dính nhớp nháp vào cơ thể, mặt tôi hầm hập suốt quãng đường về nhà nhờ cái nóng bốc lên từ mặt đường xi măng. Và giờ khi đã trở về nhà, cảm giác oi bức khó chịu vẫn chẳng hề giảm đi chút nào. May chăng có gió điều hòa phả xuống giúp tóc mái ướt sũng của tôi khô bớt, nhưng cơ thể vẫn nặng trịch và ẩn nhức mệt mỏi.
Cường độ tập luyện gần đây tăng lên là một lí do, nhưng còn bởi tôi phải đón nhận biết bao nhiêu cuộc phỏng vấn với đủ loại đầu báo. Tôi đến phát chán việc ngồi trong căn phòng toàn thiết bị dụng cụ quay hình đen xì: nào những máy giảm thanh, những micro, những chiếc đèn rọi thẳng thứ ánh sáng nhức nhối vào mắt, căn phòng đầy ắp các nhân viên quay chụp và những kẻ kè kè chiếc sổ tay hay máy tính bên mình, - căn phòng luôn quá nhỏ cho ngần ấy người để cùng hít thở. Tôi dần ngấy cái cảm giác lên hình và việc chính cơ miệng mình mỉm cười mỗi khi máy quay chiếu tới.
Nhưng sau tất cả, tôi tin rằng mình quá sức tới độ ấy là bởi Samu không có ở đây.
Không phải chỉ hôm nay, không phải chỉ hôm qua hay ngày mai, mà em trở nên bận rộn trở lại với công việc và những chuyến công tác bắt đầu xen vào giữa lịch trình của chúng tôi. Quãng thời gian tạm nghỉ yên bình đã khiến tôi quen với sự hiện diện của Samu, lúc nào em cũng có mặt ở cạnh mình, để giờ khi em bắt nhịp lại guồng xoay của cuộc sống, dưỡng khí của tôi liền cạn kiệt. Cảm giác như thời chúng tôi còn đầu hai mươi, lịch trình hai người luân phiên xen kẽ, không có lấy một kẽ hở. Dầu rằng giờ chúng tôi có những phút gọi điện hay những dòng tin nhắn xoa dịu thì cảm giác hụt hẫng trống vắng vẫn không thể tránh khỏi.
Vì thứ tôi muốn không chỉ là giọng của Samu hay cái gì khác của em, tôi muốn cái ôm của em, nhưng em ở quá xa, đúng theo nghĩa đen, để trao tôi thứ tôi muốn.
Thậm chí nhiều lúc khác, nếu tôi có gọi đến giữa chừng những cuộc họp mà-thế-quái-nào-biết-được-lịch-của-chúng, Samu không thể và không nhấc máy, điển hình như vừa rồi. Thế quỉ nào lại họp vào chừng đã gần bảy giờ tối? Tôi tưởng tượng ra căn phòng nơi em ngồi, cũng chẳng mấy rộng rãi hơn nơi lũ nhà báo nhét tôi vào, với những ghế và bàn màu xám kịt, phòng hơi tối, mọi người đều nhìn về phía bức tường to rộng phía trước được chiếu những con số và đồ thị khó hiểu. Có lẽ là có điều hòa, ôi cái nóng này thật quá sức tưởng tượng dù đáng ra trời đã phải vào thu. Có lẽ chỉ có quạt trần lất phất, làm lưng em thấm đậm mồ hôi, chiếc sơ mi - thường em mặc sơ mi khi gặp đối tác thay vì chiếc áo thun đen bình thường - sẽ ướt sũng. Và, phần tệ nhất - theo lời em từng kể tôi - khi giờ họp bắt đầu lấn sang ban tối mà không có dấu hiệu kết thúc, cơm hộp sẽ được gọi. Nhưng đó là loại cơm hộp rẻ tiền mà phía bên đối tác yêu cầu để giảm thiểu chi phí phát sinh: mọi thứ đều đông lạnh trong thời gian dài và được hâm nóng qua loa.