Phù Dung châm năng giáo Lý Mộng Ngọc
Bạch Long kiếm hạ sát Tiêu Văn Kỳ
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liên mong tiến bệ rồng,
Thước gươm thề quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao...
Mấy câu thơ này mở đầu cuốn “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng-Trần- Côn, bản dịch của Đoàn-thị-Điểm làm nổi bật lên cái chí khí của khách nam nhi coi thường cái chết nơi chốn sa trường để trả nợ núi sông. Thanh gươm yên ngựa là phận sự của ‘đấng mày râu’ đáp lời sông núi...
Một cụ già đã 60, tinh thần quắc thước, khí vũ hiên ngang ngồi trên lưng ngựa cảm khái ngâm nga. Tiếng cụ vang dội lên sang sảng, không ai ngờ đó là thanh âm của một cụ già râu tóc bạc phơ giữa một buổi chiều tà bóng xế.
Mải nhìn xem bốn phía, cụ bỗng giựt mình sực nhớ ra bóng chiều đã phủ trên ngọn cỏ, tàn cây.
Con đường ra quan ải còn xa biền biệt. Ngoại trừ đại đội quân mã và gia nhân quyến thuộc của cụ ra, lâu lâu mới thấy có vài ba bầy quạ lạnh lùng kéo đàn bay về ổ cũ kêu lên những tiếng thê lương.
Lắng tai không còn nghe tiếng vó ngựa nhịp nhàng vang trên đường gồ ghề khúc khuỷu, cụ già vội vã giơ roi quất nhẹ vào hông con chiến mã. Con vật sãi bốn vó đều đặn như bay rút lẹ khoảng đường trước mặt để bắt theo cho kịp mé trước tách xa rời. Cụ già bận lo nghĩ việc nước rối beng đến nỗi quên nhớ rằng mình tuổi hạt đã cao, sức lực đã kém. Bóng chiều đã dần đưa con đường tranh đấu củ cụ đến lúc gối mỏi, chân chồn... Nên cụ rơi bị lại đàng sau một mình mà không hay biết.
Lúc ấy, bên Trung-Hoa thuộc nhà Thanh, vào đời vua Càn-Long thứ 23. Bên Việt-Nam nhằm triều Tây-Sơn Quang-Trung Nguyễn Huệ. Trời vào giữa tiết thu lạnh lẽo. Cụ già vừa kể trên chính là Lý-Khả-Tú vừa được phong chức An-Biên Tướng-Quân. Lý tướng-quân mang trong mình hai giòng máu, cha Trung-Hoa, mẹ Việt-Nam, nên khác hẳn với các danh-nhân thời ấy. Ông có hai tổ-quốc phải phụng thờ. Phong-tục của người Trung-Hoa chỉ xem trọng bên nội mà khinh bên ngoại. Nhưng Lý-Khả-Tú không nghĩ vậy. Ông cho rằng bổn phận làm người phải xem trọng cả hai bên nội, ngoại như nhau. Vả lại, Lý tướng-quân có ở Việt-Nam mấy năm nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng Việt-Nam được vài phần. Ông thích văn-chương Việt-Nam nên những áng văn-chương tuyệt tác của Việt-Nam đều thuộc lòng. Nhờ công lao giữ vững được biên cương lại hòa hiếu được với vua Quang Trung ở Việt-Nam nên Lý-Khả-Tú được Thanh-Đế Càn-Long phong cho hầu-tước, đổi ra trấn nhiệm tỉnh Triết-Giang.
Lý-Khả-Tú không xa lạ gì với việc xông pha trận mạc. Sau lần đánh dẹp được bộ-lạc Hồi nổi dậy, ông ta vang danh, dội như cồn. Khi được lệnh đổi đi Triết-Giang, Lý-Khả-Tú cho gia quyến đi sau, có quân, có tướng đi ‘tiền hô hậu ủng’, còn ông ta thì chọn một toán quân khinh kỵ đi trưóc.
Công danh lừng lẫy. Tiền bạc đầy kho... Châu báu ngọc ngà tích trữ không biết bao nhiêu mà kể! Chỉ hiềm một nỗi là Lý-Khả-Tú hiếm hoi, không có con trai mà chỉ sinh được một mụn con gái duy nhất. Ông đặt cho nàng một cái tên rất đẹp là Lý-Mộng-Ngọc. Nàng sinh ở Cương-Tây. Lúc ấy, cha nàng chỉ mới làm Phó Tướng-Quân. Mẹ nàng nằm chiêm bao thấy nuốt vào bụng một viên ngọc, cho là điềm tốt nên mới lấy đó để đặt tên cho con gái.