Hồi 5a

103 0 0
                                    

Miếu Hắc Hổ, thần uy kinh mãnh thú

Thành An Tây tương kiến hội quần anh

 Đây nói về Lục-Phỉ-Thanh từ khi đưa bọn Văn-Thái-Lai ra khỏi An-Viễn Khách-Sạn thì một người một ngựa tung gió, đạp tuyết, xung sương mà nhắm hướng Tây đi thẳng tới. Khi qua khỏi ngọn núi Tu-Di thì trời vừa đúng ngọ. Núi Tu-Di có một cái hang lớn, lại dài và sâu thăm thẳm chẳng khác gì một cái hang thuồng luồng tối đen và lạnh buốt. Nơi đây là sào huyệt của độc xà và mãnh hổ. Phàm người đi qua núi đều phải đi ngang qua cửa hang này. Vì đó là con đường ‘độc đạo’ duy nhất.

Từ trước đến nay, đã không biết bao nhiêu người đem thân nạp mạng cho độc xà ác thú tại nơi đây mà quan quân vẫn không làm cách nào bảo đảm được an ninh cho khách lữ hành lui tới.

Theo những lời đồn đãi, có nhiều người bị cọp ăn thịt hóa thành ‘ma trành’ (#1) lộng hành, nhất là vào giờ mặt trời đứng bóng thì lại cành linh thiêng ghê gớm, ai cũng phải khiếp sợ. Vì vậy, ở ngay trước miệng cửa hang, một cây cổ thụ ‘táo lão’, thân cây có đến mấy người ôm, cành lá xum xuê, dân địa phương có lập một cái miếu thờ thần Hắc Hổ, tạc hình tượng một con cọp đen trông như sống để khách qua núi cúng vái, cầu cho được toàn sinh mạng. Trước sân miếu lại đáp hình những con ma trành đủ hạng lớn, bé, già, trẻ, nam, nữ, nhảu múa ca xang diễn lại cái cảnh dưới ánh trăng khuya, ma trành làm trò vui cho thần hổ tiêu khiển.

Chưa biết là miễu Thần Hổ có linh ứng hay không. Chỉ cần thấy cái cảnh ghê rợn của miễu và hình tượng quái gở của bầy ma trành, khách qua đường yếu bóng vía nhìn vào cũng đủ ngã xỉu chết giấc.

Theo dân địa phương và những nhóm hắc đạo giang hồ kể lại thì trong hang có vô số những mãnh hổ cùng với mãng xà. Nhưng chúa tể của chúng là một con hổ đen ba chân to như con bò mộng, đôi mắt sáng như đồng linh, miệng đỏ như chậu máu, có tiếng cà-um (#2) vang dội xa đến mấy dặm đường.

Con hắc hổ này sống đã lâu, vì ăn thịt người quá nhiều nên đã biến thành tinh. Nó hóa ra được hình người, nói được tiếng người, hành động như người, lại đủ cả mưu mô xảo quyệt gạt người đi đường mà nhai sống. Nó có linh tính đến nỗi nghe xa được, đoán trước được nên binh mã của triều-đình, tên đạn, bẫy lưới của của các tay thiện xạ vẫn không làm gì được nó.

Chỉ có một lần, cách đây không bao lâu, nó bị hiệp-sĩ Viên-Sĩ-Tiêu, bẻ gãy hết một chân nên chỉ còn lại ba. Nhưng từ đó, con hổ tinh này lại càng hung hăng lên gấp trăm lần. Hễ ai đi ngang qua miệng hang là nạp mạng cho nó chứ đừng mong mà cầu khẩn hay van xin như trước nữa. Mà nó thù nhất là những khách giang hồ mang võ công trác tuyệt. Hợp sức với con hắc hổ này là con đại mãng xà vương, chúa tể các loài rắn rết sống trong hang này. Nói chung, cái trở ngại cho khách lữ hành qua núi Tu-Di là hang Thần Hổ này. Đừng nói là khách thương tầm thường, dầu là những cao thủ võ-lâm khi phải đi ngang chốn này còn phải lo lắng e ngại.

Mỗi lần muốn qua miệng hang Thần Hổ, khách lữ hành phải hợp đoàn đến vài ba trăm người. Phụ-nữ, lão, ấu, thì đi giữa, còn những trai tráng mạnh khỏe có sức lực và võ nghệ đều thủ sẵn khí giới đi chung quanh, tiền phong lẫn hậu tập. Dầu vậy, cũng chưa bao giờ có đoàn nào dám đi qua núi vào lúc mặt trời đứng bóng vào hai giờ tý và ngọ, là những giờ tìm mồi ăn trưa của chúa sơn lâm thần hổ. Tuy nhiên, mỗi đoàn đi qua miệng hang thế nào cũng phải để lại cho vài ba mạng. Nó gầm lên một tiếng rồi từ trong miệng hang phóng ra. Rồi chẳng biết nó bắt người bằng cách nào, hồi nào, đến khi đoàn kiểm điểm lại người khi qua núi rồi mới hay là thiếu.

Thư Kiếm Ân Cừu LụcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ