Hồng Hoa Hội quyết tôn Thiếu Đà Chủ
Tiêu Thanh Đồng thề đoạt Khả Lan Kinh
Lý-Mộng-Ngọc nghe tiếng truyền rao ấy mười phần kỳ quái. Nàng không hiểu chuyện gì, hốt hoảng hỏi Lục-Phỉ-Thanh:
-Sư-phụ à! Đó là cái gì vậy? Con nghe lạ quá!
Lục-Phỉ-Thanh đáp:
-Đó là tiếng truyền rao của những kẻ hướng đạo cho một tiêu-cục. Mỗi tiêu-cục đều có những kẻ đi trước truyền tin như vậy, nhằm mục-đích báo trước cho các đảng lục-lâm đừng đánh bậy mà lầm, đồng thời cũng là để rao cùng bạn đồng đạo rõ nếu cần thì ủng hộ. Tiêu-cục phụ-trách việc chuyên chở, bảo vệ hàng hóa, vàng bạc, hay tất cả những thứ gì quý giá mà người mướn giao-phó cho đến nơi đến chốn an toàn và ‘giao hàng tận tay’. Làm nghề bảo tiêu này thì phải có bảy phần cảm tình với giới lục-lâm và đồng đạo giang-hồ, còn ba phần còn lại phải có bản lãnh tuyệt vời cao siêu vì đôi khi không còn đường thương thuyết thì chỉ còn cách phải giải quyết bằng quyền cước hay đao kiếm mà thôi. Người thủ-lãnh của một tiêu-cục phải là một người có uy-danh lừng lẫy trên chốn giang hồ; phải có sự giao du rộng rãi, phải độ lượng khoan dung; phải nắm vững hết được tình hình trong các vùng lân cận, từng nẻo giao-thông, từng địa-hình địa-vật; và phải có nhiều người bản lãnh cao cường dưới trướng. Nếu không có đủ những điều kiện cốt yếu ấy mà, ở tiêu-cục càn bừa thì sẽ bị cướp hết hàng bảo tiêu, hại chết người và không chừng còn tự hại lấy bản thân mình nữa. Tiêu-cục mỗi lần lãnh hàng bảo-tiêu cho ai thì được hưởng hoa hồng lớn lắm. Có như vậy mới đủ chi cho các sở phí nặng nề. Mỗi lần nghe truyền ra như thế, các đảng lục-lâm cũng như các giang-hồ đồng đạo đều hiểu rõ tiêu-cục đó từ đâu đến, thủ-lãnh là ai rồi. Trường-hợp các đám lục-lâm có ý định cướp tiêu mà nghe những tiếng rao này thì họ sẽ cho cả đoàn bảo tiêu đi qua nếu quen với tiêu-đầu hoặc tự lượng sức mình không thể cướp nổi. Nếu thấy lạ, họ sẽ đuổi những tên truyền rao đó trở lại mà không cho qua. Sau đó người của tiêu-cục phải tìm cách dàn xếp. Nếu chủ-trương ôn hòa, nghĩa là được đám lục-lâm sợ-sệt hay thông cảm, hoặc giả phải chi cho họ một ít tiền tài gọi là ‘mãi lộ’ thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, không có gì xảy ra. Nhưng nếu giải quyết bằng lời không xong thì tiêu-cục chỉ còn một đường cuối cùng là chiến đấu đến tận cùng để vượt đường đi qua mà thôi. Có nhiều trường-hợp tiêu-cục chiến thắng nhưng cũng có nhiều khi ‘tiêu mất người chết’.
Lý-Mộng-Ngọc thầm cảm tạ thầy đã dạy cho nàng ít nhiều kiến-thức để mở rộng thêm tầm mắt cho nàng. Nhưng tánh hiếu động của Mộng-Ngọc lại nổi dậy mặc dầu mới bị một vố khóc sưót mướt, mắt chưa ráo lệ. Nàng cười thầm trong bụng nghĩ:
-“Hay là mình thử cản đám người bảo tiêu này chơi cho vui. Chúng nào biết mình là ai đâu mà sợ.”
Tuy nghĩ vậy nhưng còn sợ thầy không cho, với lại chưa biết đám bảo tiêu đó bản lãnh, thế lực ra sao nên Lý-Mộng-Ngọc hòi dò Lục-Phỉ-Thanh:
-Sư phụ! Tiêu-cục này do ai lãnh-đạo vậy?
Lục-Phỉ-Thanh đáp:
-Đó là Trấn-Viễn tiêu-cục, trụ-sở chính nằm tại Bắc-Kinh. Ngoài ra cũng còn những chi nhánh khác ở các nơi như Phụng-Thiên, Tế-Nam, Khai-Phong, Thái-Nguyên... Tổng-tiêu-đầu, tức là người cầm đầu tất cả trụ-sở chính lẫn các chi nhánh tên là Vương-Duy-Dương mà giới giang-hồ đặt cho danh-hiệu là Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương. Đến nay, y đã gần 70 rồi nhưng vẫn còn oai-phong lẫm liệt. Các đảng lục-lâm hay các đồng đạo hễ nghe ra truyền ‘phái võ Duy Dương’ thì không ai dám gây sự hay làm trở ngại điều gì. Nhờ vậy mà Trấn-Viễn tiêu-cục phồn thịnh vô cùng. Đáng lẽ ra, đến tuổi này Vương-Duy-Dương nên cáo lão về núi sống vui cùng ‘nước trí non nhân’ chứ còn ham lợi lộc thêm chi nữa! Huốn hồ hơn 40 năm mở ra Trấn-Viễn tiêu-cục làm ăn, lão đão thâu của thiên-hạ không biết bao nhiêu mà kể! Không hiểu sao lão còn chưa cho là đủ?