KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Thích-Viên-Giác dịch
Chương mở đầu:
Sau khi Đức Thế-Tôn thành-đạo, Ngài suy-nghĩ rằng: “Con đường ly-dục là con đường tốt nhất để đạt được sự thanh-tịnh, an-trú trong đại thiền-định mới hàng-phục được chúng ma”. Ở tại vườn Lộc-Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về bốn chân-lý đó cho năm anh em Kiều-Trần-Như đều chứng được đạo-quả. Mỗi khi có những thầy Tỳ-Kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ, Đức Thế Tôn giảng-giải làm cho tất cả đều được khai-ngộ, chắp tay cung-kính theo lời Phật dạy.
Chương 1:
Từ-giã cha mẹ đi xuất-gia học Đạo, thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô-vi pháp, được gọi là bậc Sa-môn. Thường giữ-gìn 250 giới, sống đời thanh-tịnh, thực-hành bốn chân-đạo, thành-tựu quả-vị A-la-hán.
Vị chứng quả A-la-hán có thể phi-hành, biến-hóa, kéo dài mạng sống, ở đời động cả trời đất.
Thứ đến là quả A-na-hàm. Vị chứng A-na-hàm, khi tuổi thọ hết, thần-thức sẽ sinh lên cõi trời thứ mười chín thì chứng quả A-la-hán.
Thứ đến là quả Tư-đà-hàm, người chứng quả Tư-đà-hàm, một lần sanh lên cõi trời, một lần sanh xuống cõi người, thì chứng quả A-la-hán.
Kế đến là quả Tu-đà-hoàn. Người chứng quả Tu-đà-hoàn phải bảy lần sanh, bảy lần tử mới chứng quả A-la-hán.
Người chứng quả A-la-hán là người đã đoạn-tận ái-dục, như tay chân bị chặt không thể sử-dụng trở lại được.
Chương 2:
Đức Phật dạy rằng: “Người xuất-gia làm Sa-môn thì phải từ bỏ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu-triệt giáo-pháp của Phật, hiểu pháp vô-vi. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để cầu. Tâm không chấp-thủ nơi Đạo, cũng không hệ-lụy bởi nghiệp, không có suy-tưởng, không có tạo-tác, không có tu, không có chứng, chẳng cần trải qua các thánh-vị mà tự thành cao tột, gọi đó là Đạo.”
Chương 3:
Đức Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc để trở thành vị Sa-môn, lãnh-thọ giáo-pháp của Phật thì phải xả bỏ của cải thế-gian, mong cầu vừa đủ, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ở một đêm, cẩn-thận không trở lại lần thứ hai. Điều làm cho người ta ngu muội là ái dục.”
Chương 4:
Đức Phật dạy: “Chúng-sanh lấy mười việc làm điều thiện, cũng lấy mười việc làm điều ác. Mười việc ấy là gì? Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Thân có ba là: Giết hại, trộm cắp, dâm dục.
Lưỡi có bốn là: Nói hai lưỡi, nói độc ác, nói dối trá, nói hoa-mỹ.
Ý có ba là: Tật đố, sân hận, ngu si.
Mười điều ấy không phù-hợp với con đường của bậc Thánh, gọi là hành-vi ác.
Nếu mười điều ác này được đình-chỉ thì gọi là mười điều thiện vậy”.
BẠN ĐANG ĐỌC
CÁC BẢN KINH VÀ LUẬN
DuchoweKINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC, KINH BÁCH DỤ, KINH PHÁP CÚ, KINH BẠI VONG, KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG, KINH THIỆN SANH, KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG, BÁT NHÃ TÂM KINH, KINH ĐỊA TẠNG, KINH KIM CANG