Chapter 305 :
Triết lí âm dương của văn hóa phương Đông có câu “Khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy “ mang ý nghĩa khi một điều gì đó đạt đến ngưỡng nhất định của nó và không thể tiếp tục tiến lên hay lùi xuống được nữa, thì sẽ bắt đầu quá trình ngược lại của mình. Ví dụ vương triều phong kiến nào cũng vậy, dù có hưng thịnh đến mấy thì khi đạt đến một ngưỡng rực rỡ tột bậc nào đó, nó sẽ bắt đầu suy tàn, để rồi khi đất nước suy tàn đến một mức độ không thể tồi tệ hơn nữa, nó sẽ lại phát triển đi lên từ trong tro bụi. Cũng giống như loài linh điểu Khổng Tước vậy, khi đạt đến vẻ đẹp mỹ lệ nhất trong đời nó thì sẽ tự nộ hỏa nguyên thần mà cháy thành tro, để rồi lại tái sinh trở lại với vẻ đẹp hoàn mỹ hơn trước.
Nhưng không hẳn là khi đến ngưỡng “cực thịnh “ thì sẽ tiến hành “khởi suy “ ngay, mà nó còn cần một thời gian được gọi là “hư không “. Có nghĩa khi đạt đến đỉnh điểm của cực thịnh thì tại đó sẽ là một bề mặt bằng phẳng, nơi mà mọi thứ diễn ra không có thịnh hay suy, diễn ra một cách vô thức. Và khi sự quân bình đó kéo dài được một thời gian thì sẽ tiến hành sụp xuống, đó là lúc bắt đầu “khởi suy “. Điều cốt yếu tôi muốn nhấn mạnh chính là trạng thái được gọi là hư không đó.
Tâm trạng của tôi vào những ngày diễn ra tang lễ của Sơn đen cũng hệt như vậy, luôn tồn tại ở trạng thái hư không, lơ mơ không nhận rõ được mình đang nghĩ gì và muốn gì. Những ngày ấy, buổi sáng học xong, trưa về ăn cơm thì tôi lại phóng xe ra ngoài đường, mẹ tôi có hỏi thì tôi sẽ theo phản xạ nói ngay là tôi đi học thêm, nhưng bà lại chẳng hỏi gì cả. Có lẽ, mẹ tôi cũng biết con trai mình đi đến đâu. Đúng vậy, ngày nào tôi cũng đến nhà Sơn đen từ trưa đến mịt tối mới trở về nhà trong bộ dạng buồn bã và đầy mệt mỏi.
Đoạn đường từ nhà tôi đến nhà Sơn đen không xa, giữa trời trưa nắng gắt, có những lúc tôi tưởng như khi tôi chạy xe đến nhà nó thì nó sẽ lại phóng ra đón tôi bằng một cú đấm nhẹ hều vào bụng, rồi lại khoác vai nhau đi đá bóng. Có những lúc tôi tự gạt mình trong một giấc mộng rằng Sơn đen vẫn còn sống, rằng nó chẳng phải là cái người đang nằm bất động ở kia. Thế nhưng khi đến cổng nhà nó, khi thấy những chiếc bàn tròn được kê đằng trước, chứng kiến những vòng hoa trắng xóa, tờ giấy cáo phó dán trên tường, những con người đang ngồi, đang quỳ, đang khóc, thì tôi mới biết được trở lại rằng đứa bạn thân của mình đã mất thật rồi.
Đã bao lần tôi đưa mắt nhìn vào bên trong, và tự lẩm bẩm với cỗ quan tài một mình:
- “Sơn, mày phước lớn mạng lớn mà, đừng có đùa như vậy, tao không thích đâu ! “
- “Ê thằng kia, tao nhớ ra rồi, băng “Trẻ ranh đường phố” chưa có người kế vị, tao dự định cho thằng Rế đệ tử ruột của mày nhậm chức, mày nghĩ sao? “
- “Cái thằng này, hỏi mà không nói gì hết, chán mày ghê !”
- “Bố hỏi mà không trả lời à con? Tin tao oánh mày như hồi đó không, cái hồi còn nhỏ ấy ? “
- “Cái hồi…… mày tỉnh dậy đi….. ! “
Nhưng cũng có những lúc tôi lại tự vấn một cách trái ngược: