Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Sao Quả Tạ, có đánh chết tôi cũng không tin nổi hắn từng là một trong những xạ thủ giỏi nhất của quân đội miền Nam, trong một trận đánh có thể một mình giết hơn 50 mạng người.
Bởi lẽ, tôi căn bản... không nhìn thấy hắn.
Kể ra thì dài dòng phức tạp. Nói tới nói lui thì tôi có nhìn thấy hắn, nhưng không phải là gương mặt mà là bàn tay hắn.
Cả người hắn lúc đó gần như bị chôn vùi dưới đất đá, chỉ duy nhất có mỗi bàn tay trái lộ ra. Tay hắn cháy đen, lại dính đầy bụi, nhìn qua y như một miếng thịt ai làm rớt, để lâu ngoài trời đến rữa ra rồi. Lúc đó tôi đang trên đường đi mua gạo trở về, tranh thủ đi tắt qua bờ kè sông Can. Mặc dù thím Ba nhà kế bên nói tôi không nên đi đường này. Thím hay doạ tôi rằng lính quân đôi thường xuyên qua lại chỗ này, nếu không cẩn thận sẽ ăn đạn lạc.
Lại nói, khu bọn tôi ai cũng sợ lính quân đội, cứ nghe tới lính quân đội là mọi người đều giật thót. Thế nhưng những câu chuyện về họ thì ai cũng tranh nhau truyền tai nhau.
Nhất là chú Ba, nhà họ có anh Phán đi quân đội, cho nên chuyện gì trong quân đội chú ấy hình như cũng đều biết tất. Tôi hay qua ăn cơm nhà họ. Chú Ba cứ mỗi lần nghe được tin gì trong xóm thì nhất định vừa ngồi vào mâm sẽ đánh đùi cái chát, hỏi tôi và thằng bé Lâm con út nhà chú ấy – "Tụi mày nghe tin gì chửa?"
Tôi và Lâm đều lắc đầu.
Thế là chú ấy ra rả kể. Nào là hôm kia lính Cộng Cộng diệt bao nhiêu lính Trừ Trừ. Nào là bên Trừ Trừ đánh tới thành phố nào, bên Cộng Cộng thất thủ ở trạm nào... Tôi nghe tới nhức hết cả đầu.
Tôi hỏi chú, đều là người Việt cả mà, tại sao phải chia ra thành Cộng Cộng rồi Trừ Trừ bắn nhau làm gì? Chú Ba trợn mắt nhìn tôi, môi mấp máy cái gì đó rồi thở dài – "Cũng may mày không phải sinh ra làm đàn ông. Mày mà là đàn ông, bị bắt đi quân đội ngơ ngơ không biết chừng chúng nó bắn cho lủng sọ ngay ngày đầu."
Thế nên theo lời căn dặn của chú thím, đứa ngơ ngơ như tôi nhất định phải tránh xa lính quân đội, mặc cho họ là quân phe nào. Thế nên bờ kè sông Can là địa phận tôi tuyệt đối không nên ghé tới.
Tôi cũng rất muốn nghe lời chú thím, nhưng vấn đề là nhà tôi nằm ở rất xa thị xã. Đường đi đến nhà máy bán gạo cũng vì thế mà rất xa. Đi tắt đã hết gần cả tiếng, đi đường vòng căn bản là hết nửa ngày. Khi đi còn đỡ, lúc về còn phải vác theo mười ký gạo, tôi căn bản là không kham nổi. Vài lần đầu tôi còn chịu khó nghe lời chú thím, nhưng mỗi lần vác mười ký gạo trên lưng lội về nhà, lần nào tôi cũng đem cả thảy đất trời ra chửi tục. Tôi chửi từ cái nhà máy gạo đến nhà mình sao lại xa nhau thế, còn chửi cả lính quân đội sao lại hay đi qua đường bờ kè sông Can, mà nhiều nhất chính là chửi vì sao chiến tranh không nổ ra ở lúc khác mà lại rơi ngay lúc tôi sinh ra.
Con giun xéo mãi cũng quằn, đến một ngày trời nắng như đổ lửa, tôi quyết định bờ kè sông Can phải đi thử một lần cho biết. Cho dù có bị lính quân đội bắn chết thì cũng không khác gì lắm so với chết cháy trên đường đi.
Thật ra sông Can nguy hiểm chính là vì nó là một cái sông, hai bên bờ đều không có nhà cửa hay cây cối gì để che chắn. Cho nên 360 độ đều có thể bị đạn lạc bắn trúng.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Thời Chiến] Phía Bên Kia Chân Trời
RomanceAnh có bao giờ tự hỏi, phía bên kia chân có gì? ------- Truyện kể về bạn nhỏ Diệu Minh một ngày đẹp trời trên đường đi mua gạo tự nhiên nhặt được một thương binh, đành cắn răng cắn lợi đem về chăm sóc. Thương binh như người đẹp ngủ trong rừng, bom...