Khi tôi bị những người lính nọ bắt được, cả thế giới giống như đổ ập lên đầu. Những bàn tay lạ lẫm thi nhau lần dò lên cơ thể tôi.
Tôi chống không nổi bọn họ, bất lực vùng vẫy giống như một con mồi yếu ớt giữa đàn sói đói. Lúc tôi định cắn lưỡi chết quách đi cho xong thì đột nhiên có một tiếng còi lớn âm vang trong không gian. Những người lính xung quanh tôi đồng loạt ngẩng đầu dừng tay. Tôi chưa kịp hiểu đầu đuôi gì họ đã giống như những cỗ máy vừa được nhận lệnh, lập tức đứng dậy, lầm bầm gì đó rồi lôi tôi đi.
Tôi bị họ trói lại, ném lên một chiếc xe đem về doanh trại. Gọi là doanh trại nhưng thực tế là căn nhà lớn của lão Tiền. Nhà của lão to nhất làng. Căn nhà này có rất nhiều truyền thuyết, dân trong làng nhiều người rỉ tai nhau rằng lão lúc trước mua vũ khí của bọn người ngoại quốc về bán nên tiền nhiều không kể. Tiền của lão cất trong tầng hầm của căn nhà, kín cả bốn bức tường, chồng nào chồng nấy cao quá đầu người. Không ai biết tên thật của lão là gì, vì lão nhiều tiền nên gọi lão là lão Tiền thế thôi.
Tôi chưa từng tiếp xúc với lão. Khu chỗ nhà lão tôi cũng chưa từng đến bao giờ.
Căn nhà đó hiện tại trở thành doanh trại của lính quân đội, không rõ là có sự đồng ý của chủ nhà hay không. Tôi nghĩ có lẽ gia đình lão đã bỏ chạy theo những người khác từ lâu rồi. Họ đóng đầy trong chiếc sân rộng trước nhà, dựng lều, bếp củi, thùng nước. Bên ngoài, những chiếc xe quân sự đỗ dọc theo đường đất đỏ. Trên sân lác đác vài người đi lại. Đa số là đàn ông ngoại quốc. Lẫn trong đó có những người Việt ngồi theo nhóm. Họ đều mặc quân phục màu nâu cát, một số đang cởi trần.
Ngoài tôi ra còn có một số người khác cũng bị bắt. Phần lớn đều là những bà cụ già. Lác đác đâu đó có một vài cô gái và trẻ nhỏ. Thanh niên trai tráng không có lấy một mống. Chúng tôi có lẽ đều có cùng một cảnh ngộ, cũng đầu tóc rối bù, gương mặt lấm lem, quần áo rách rưới và những đôi mắt hoảng sợ, sưng đỏ đọng nước mắt. Có cô gái quần áo rách nát đến không che được cơ thể. Trên mặt cô ấy đầy những vết bầm, những vết xước rỉ máu chạy dọc theo cơ thể.
Tôi thấy nghẹn trên cổ họng, không nhìn nổi. Tôi cúi đầu quan sát đứa trẻ trên tay, thầm cảm ơn trời đất tôi vẫn còn giữ được nó trong tay. Có lẽ khóc mệt, nó đã ngủ thiếp đi. Gương mặt nhỏ không còn nhăn nheo mà giãn ra. Bàn tay nhỏ của nó nắm lại, đặt trên ngực. Đôi môi bé xíu hơi hé mở, để lộ những nứu lợi không có chiếc răng nào.
Một người lính dùng mũi súng ấn sau cột sống của tôi, ra lệnh - "Đi."
Chúng tôi nối đuôi nhau lần lượt di chuyển. Những người đàn ông trong sân dừng lại, ngước mắt nhìn về phía chúng tôi. Trong ánh mắt họ ánh lên sự trông đợi. Giống như chúng tôi là loại động vật làm cảnh, đang diễu hành mua vui cho họ.
Tôi ôm lấy đứa bé trong tay. Mỗi bước chân tôi đều sợ nó chết, cho nên cứ dăm ba bước lại lấy ngón tay đặt dưới chiếc mũi nhỏ của nó kiểm tra, để chắc chắn rằng nó còn sống.
Hơi thở của nó yếu ớt, nhưng vẫn đều đặn phát huy.
Tôi nghĩ phải có thức ăn cho đứa bé. Ngay cả tôi cũng đói lả rồi chứ đừng nói là nó. Đứa trẻ quá nhỏ, có lẽ vẫn chưa dứt sữa. Tôi nhìn đứa bé đỏ hỏn mà lòng đau như cắt, tôi biết đào sữa đâu ra cho nó đây.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Thời Chiến] Phía Bên Kia Chân Trời
RomanceAnh có bao giờ tự hỏi, phía bên kia chân có gì? ------- Truyện kể về bạn nhỏ Diệu Minh một ngày đẹp trời trên đường đi mua gạo tự nhiên nhặt được một thương binh, đành cắn răng cắn lợi đem về chăm sóc. Thương binh như người đẹp ngủ trong rừng, bom...