CHƯƠNG 5: CHUYỆN CŨ HỌ TRẦN

1.4K 90 17
                                    

"Phật Phật Phật bất khả kiến

Tâm tâm tâm bất khả thuyết.

Nhược Tâm sinh thì thị Phật sinh

Nhược Phật diệt thì thị Tâm diệt.

Diệt Tâm tồn Phật thị xứ vô

Diệt Phật tồn Tâm hà thì yết..."[1]

- Em không chép kinh Phật, lại đi chép thơ của ta để làm gì?

Tôi ôm trán nhăn nhó, nhìn lên lão già đang nhịp nhịp cây quạt vừa gõ tôi một cú đau điếng:

- Tiên sinh, thơ của người có biết bao nhiêu giác ngộ, em chép thơ người là học hỏi mà!

- Em đang bị phạt. Thơ của ta thì ngắn hơn kinh Phật. – Lão vừa nói vừa đi lại chỗ kệ sách, nhìn nhìn một lúc rồi đưa tay rút ra một quyển.

- Tiên sinh, em đói bụng rồi. – Tôi tiu nghỉu. – Từ lúc về nhà đến giờ em chưa được ăn gì cả, đã phải chép đến gãy cả tay. – Vẫy vẫy cánh tay mềm oặt, tôi làm ra vẻ sắp chết đến nơi.

Lão già vẫn không mảy may ngoái đầu lại nhìn tôi, mang quyển sách vừa tìm được đi thẳng ra cửa.

- Đợi ta một chút, sắp được ăn rồi.

Tôi thở dài não nuột, gục xuống bàn. Nhìn lên tường, bức tranh vẽ đóa mộc lan khẽ lay như trêu tức. Một ý nghĩ quái đản nảy ra trong đầu tôi: "Không biết mộc lan ăn vào có sao không?".

Sở dĩ bây giờ tôi phải ở đây chép phạt, là vì nhân lúc lão già vắng nhà mấy hôm, tôi đã lén chạy ra ngoài. Thật ra lén ra ngoài không phải vấn đề, nhưng không kịp trở về nhà trước lão lại là vấn đề. Sáng nay lúc tôi về đến cửa đã thấy kiệu của lão ở trong sân, chỉ có thể ngoan ngoãn đi thú tội.

Sở dĩ mấy hôm trước tôi phải lẻn ra ngoài, vì tôi nhận được thư của Quang Khải nhờ một đứa trẻ đưa đến phủ. Hắn ta muốn nhờ tôi làm chứng cho lễ cưới của hắn và Nguyệt Nhi.

Quang Khải vốn là hoàng tử yêu quý của quan gia, việc hôn nhân dĩ nhiên phải tìm được nơi xứng đáng. Nguyệt Nhi lại là đào hát, dù cho quan gia có rộng lượng phóng khoáng đến thế nào cũng không thể chấp nhận cô ả làm chính thất. Hoàng tử nạp thiếp vốn không cần nghi lễ cầu kỳ, nhưng Quang Khải vốn là người có tình có nghĩa, cha của Nguyệt Nhi lại vừa mới qua đời, hắn không muốn cô ả chịu ấm ức quá nhiều, nên kiên quyết tổ chức một lễ cưới đầy đủ trình tự, chỉ khác là, chứng hôn chỉ có mình tôi.

Lúc mới nghe chuyện này, tôi thấy vô cùng cảm động, cũng rất nể phục, đã buông ra một câu:

- Hưng Đạo Vương nhiều năm trước đây dám xông vào dinh Nhân Đạo Vương để giành lấy công chúa Thiên Thành, hôm nay Chiêu Minh Vương ngươi lại dám tự định đoạt hôn nhân với một thường dân. So với lão già nhà ta, ngươi và Hưng Đạo Vương mới thật giống anh em cùng một mẹ sinh ra.

Ánh nhìn sắc lẹm của Quang Khải cho tôi biết mình đã nói sai rồi.

Lão già nhà tôi là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu và công chúa Thuận Thiên. An Sinh Vương lại là anh trai của quan gia. Những việc xảy ra sau này, tôi không dám hỏi lão, chỉ dám nhân lúc lão vắng mặt mà hỏi bác Dương và những người lớn tuổi ở Dưỡng Chân Trang. Nghe bảo khi tôi còn chưa sinh ra đời thì hoàng cung xảy ra biến cố. Hoàng hậu lúc đó là công chúa Chiêu Hoàng – em gái của công chúa Thuận Thiên – không sinh được con, công chúa Thuận Thiên lại đang mang bầu Tĩnh Quốc Vương Khang, bị ép gả cho quan gia, trở thành hoàng hậu, sinh được ba người con nữa, Quang Khải là một trong số đó. Cho nên, Quang Khải chính là em trai cùng mẹ của lão già, còn Hưng Đạo Vương lại là em cùng cha với lão già, là anh em chú bác với Quang Khải.

CỐ NIÊN HOANơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ