"Tiên sinh,
Việc nhà đã lắng, việc nước tạm yên.
Danh sư quý danh sư nên rời chùa,
Cố nhân trọng cố nhân đành xuống núi.
Cơn gió nhẹ vì ngọn núi cao mà hóa cuồng phong
Chốn Dưỡng Chân thanh dã, sen nở mùa đông, ngày ngày ngóng đợi tin hồng
Xin người bảo trọng."
Tôi đọc đi đọc lại thư mình viết tối qua, không khỏi tự cảm phục bản thân sau một ngày vất vả vẫn có thể viết được những dòng vừa thần thần bí bí vừa chi tiết không sót mục nào lại chứa chan tình cảm. Mãi lâu sau tôi mới gấp lại đưa cho anh Thân, đây là lá thư đầu tiên tôi gửi trực tiếp cho lão già mà không phải đi kèm thư của chị. Tôi nhìn theo cho đến khi bóng anh khuất sau dãy hành lang. Nếu có thể, tôi thật muốn gửi tôi đến Hồng Lộ cho rồi, có cơn gió nhỏ nào không muốn cả đời quẩn quanh trong lòng núi?
Ý nghĩ thơ mộng ấy bắt nguồn từ một buổi chiều nhàn rỗi, tôi ngủ trưa dậy đi tìm lão già, tìm mãi đến tận đầu làng, thấy lão đang điềm nhiên ngồi tựa gốc cây đa cạnh ruộng lúa, lim dim mắt. Nghe tiếng chân tôi đến gần, lão đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi im lặng. Tôi nhìn dáo dác, xung quanh chẳng có ai, lại nghĩ lão làm gì cũng có lý do nên bèn ngồi xuống cạnh bên, nhìn về hướng lão đang nhìn, nhìn mãi cũng chỉ thấy trời xanh, mây trắng, lúa vàng, và dãy núi ẩn hiện xa xa.
- Sao tiên sinh không nghỉ trong nhà mà chạy ra đây? – Tôi che miệng ngáp.
- Ta đang thiền, không phải ngủ.
Khi ấy tôi còn rất bé, trố mắt lên nhìn lão:
- Sao mà thiền được, người đâu có ngồi kiết già, ở đây cũng không có bồ đoàn...
Chưa nói hết câu, tôi đã bị lão bế bổng lên đặt vào lòng, tay vỗ nhẹ lên đầu bảo ngồi yên. Tôi thở dài, nhìn ra phía ruộng. Những cơn gió dìu dịu lay nhẹ bông lúa chín, cả cánh đồng khẽ uốn lượn như một dòng sông gợn sóng lăn tăn chảy về phía núi. Bất chợt một ý nghĩ nảy ra trong đầu, tôi xoay người lại đối diện lão:
- Tên của tiên sinh trên là chữ núi, dưới là chữ cao, vậy nên người đặt tên em là gió phải không? Tuy chúng ta không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận được trên da nhưng không lúc nào là không có gió. Dẫu gió có nghịch ngợm hay dữ dội thế nào vẫn bị núi chặn lại, vẫn không thể chạy sang phía bên kia mà không len lỏi vào lòng núi?
Đến giờ nghĩ lại tôi cũng không biết cô bé Nhã Phong chưa đầy mười tuổi ấy làm sao nghĩ được những lời hoa mỹ như vậy. Mắt lão vẫn nhắm hờ, chỉ có khóe môi khẽ nhếch:
- Ta gặp em vào một ngày hè...
Tôi vội vã gật đầu, chớp chớp mắt đợi chờ, lòng đầy háo hức.
- ... năm đó trời hơi nóng.
***
"Chiến trường" của tôi không bận rộn như tôi từng mong đợi. Hoặc là, tôi đã quá háo hức với việc trở về sắp xếp mọi việc, háo hức với kế hoạch dụ Nguyễn Nam sa bẫy, háo hức tìm gặp cụ ông Lý Đảm... để rồi khi tất cả những mục tiêu ấy đã gần như hoàn thành cả, tôi lại thấy một sự trống vắng trong lòng. Ban đầu tôi còn tưởng mình đói bụng, chạy xuống bếp nấu một bát bún cá thật to. Ăn no rồi lại tưởng mình chông chênh vì thiếu ngủ, lăn ra đánh một giấc đến chiều. Lúc tỉnh dậy, cảm giác bồn chồn khó chịu kia vẫn chưa tan biến.
BẠN ĐANG ĐỌC
CỐ NIÊN HOA
Historical FictionTác giả: Phương Uyên Thể loại: Cảm hứng lịch sử, cổ trang, tình cảm Tình trạng: Đang viết. Dự kiến khoảng 60 chương. Ghi chú: Truyện lấy bối cảnh Đại Việt thời Trần, vào những năm của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258). Ph...