Thúy là một "thiên kim tiểu thư", con nhà giàu, học giỏi. Nàng rất có nhan sắc, nhưng phải cái tội quá kiêu ngạo nên thành ra không có chàng nào dám "rớ" vào. Những người hội đủ điều kiện để lọt mắt xanh của Thúy như bác sĩ, kỹ sư, cũng như các công tử quý phái, những người học giỏi; những kẻ đẹp trai như ảnh đế vẫn không người nào chiếm được trái tim của nàng. Người giàu có thì bị chê là "xấu trai"; người có bằng cao thì bị chê là không chút "lãng mạn"; người đẹp trai học giỏi thì lại là "con nhà nghèo"! Thỉnh thoảng cũng có một vài anh bạo dạn làm quen với mục đích muốn tiến xa hơn, nhưng sau khi nhìn thấy rõ tính tình của nàng ta thì chỉ còn biết 'vắt giò lên cổ mà chạy'!
Xuân qua, xuân lại... Xuân đến, xuân đi... Nàng giờ đây đã sấp xỉ gần 30 mà vẫn "phòng không gối chiếc", trong khi bạn bè hầu hết đã "mồ yên mả đẹp" với hạnh phúc gia đình. Thúy càng nghĩ càng buồn cho thân phận. Nhiều lúc nàng ngồi khóc một mình, tự nhủ:
-"Phải chi hồi đó mình đừng kiêu ngạo quá!"
Ba má nàng lúc đó cũng hoảng hốt, chạy ngược chạy xuôi để kiếm chồng cho con gái nhưng vô hiệu, vì nghe nhắc đến tên nàng là ai cũng bị ám ảnh, mau mau "tìm nơi lánh nạn" chứ không dám nghĩ đến chuyện cưới nàng, vì không ai muốn bị khi dễ nữa. Thúy vẫn tiếp tục "chổng mông" mà gào hàng ngày, thầm trách "bề trên" sao nỡ phũ phàng không chịu ban bố cho nàng một tí... tình...
Ba má của Thúy bèn nghĩ ra một cách. Hai người liền viết một bảng "kén rể" treo ngay trước cổng nhà. Phía dưới bảng kén rể là một tờ "thông cáo" nói rõ điều lệ kén rể, nghĩa là nhà nào có con trai "hội đủ điều kiện" thì cha mẹ cứ việc đem tới nơi để hai đàng nói chuyện, bàn thảo.
Một ngày kia, gia đình ông Ba trong nghe được tin gia đình Thúy muốn "cưới chồng" cho con gái thì gọi đứa con trai là thằng Cả Ngố ra bảo:
-Cả Ngố! Mày đã đến tuổi "cập kê" rồi. Đây là lúc cần phải tìm cho mày một nơi xứng đáng để gửi gấm.
Gia đình ông Ba thuộc giới "bần cố nông", nghèo rớt mồng tơi. Ông Ba làm nghề "thợ đụng" để nuôi gia đình. "Thợ đụng" đây có nghĩa là "đụng đâu làm đó", không bao giờ chê bất cứ một việc gì. Cả Ngố vẫn thường theo cha giúp việc. Anh ta không biết chữ, nói năng thì vụng về, không biết suy nghĩ là gì cả. Chỉ vì to người tốt tướng thành ra mới được ông Ba cho đi giúp việc lặt vặt.
Chẳng qua là có người trong xóm vì đã một lần đi hỏi cô Thúy kia làm vợ cho con trai mà không xong nên đâm ra hận, muốn "chơi" gia đình giàu có kia một phen cho bõ ghét nên mới tìm đủ lời ngon ngọt dụ dỗ gia đình ông Ba, nói rằng gia đình Thúy rất "ái mộ" gia đình ông ta, muốn gả con gái cho Cả Ngố, con trai ông. Là người chất phác, ông Ba nghe nói là tin ngay, chẳng chút nghi ngờ. Ông ta thầm nghĩ nếu con trai mình được làm rể gia đình kia thì thật là "vạn phúc", không chừng gia đình ông ta sẽ được nhờ, biết đâu sẽ "giàu ba họ"...
Hôm ấy, khi nghe ông Ba bảo tìm một nơi xứng đáng để gửi gấm chàng ta, Cả Ngố không hiểu gì cả hỏi:
-Thế nào là nơi xứng đáng hả ba? Còn gửi gấm là gì?
Ông Ba lắc đầu, mắng:
-Mày thật ngu quá đi thôi! Đã 30 tuổi đầu rồi mà chẳng khôn ra một tí nào cho cha mẹ được nhờ cả. Ý tao nói là sẽ tìm cho mày một người vợ để có một gia đình vững chắc, để mày trao thân gửi phận!
Cả ngố lại trố mắt hỏi:
-Trao thân gửi phận là gì hả ba?
Ông Ba chỉ còn biết thở dài nói:
-Thật tao hết biết phải nói gì rồi!
Thấy ông Ba chán nản, Cả Ngố lo sợ hỏi:
-Mà ba nè! Lấy vợ có gì sướng không mà sao đàn ông ai cũng ham vậy?
Ông Ba lại một phen điên đầu vì thằng Cả Ngố. Nhưng ông chợt nghĩ ra được một kế, liền nói với Cả Ngố:
-Miễn là mày chịu nghe lời ba mà lấy vợ thì ba sẽ tìm người dạy cho mày biết cưới vợ sướng tới cỡ nào.
Cả Ngố vẫn không hiểu, nhưng gật đầu đáp:
-Nếu ba đã muốn con cưới vợ thì đời nào con dám cãi.
-Tốt!