Trạm vận chuyển hành khách là một tòa nhà màu trắng, không cao, bình thường rất chật, lúc này có ít xe đi lại. Ánh đèn neon chiếu lên bức tường màu xanh, những quầy bán hàng rong, hành khách đi lại, một cụ già tóc trắng xóa, đang quét rác từng chút một. Tôi chờ 15 phút, một chiếc ô tô màu đen đi tới, cửa sau mở ra, một thanh niên mặc áo gió đi ra.
Ngoại trừ nắp đậy động cơ không bốc khói ra, tôi nghi ngờ chính mình lạc vào một cảnh nào đó trong phim Ma Trận.
Tôi vĩnh viễn có thể liếc mắt một cái liền nhận ra Lịch Xuyên trong đám đông. Anh xuất chúng như vậy, độc đáo như vậy. Không thuộc về thành phố này, cũng không thuộc về thế giới của tôi.
Tối 30 Tết, nhà nhà sáng đèn, bước chân tiêu điều ở ngã tư đường.
Chúng tôi nhìn nhau không nói gì, ôm chặt lấy nhau. Sau đó, anh nâng mặt tôi lên, nhìn kỹ dưới ngọn đèn, nói: "Sao mặt em lại sưng lên vậy?"
Bố tôi ra tay rất nặng. Đây là lần đầu tiên ông đánh tôi. Nhưng ông lại ngẫu nhiên lấy dây nịt quất em tôi, làm nó đau kêu oai oái. Nếu tôi là cha mẹ, đánh con cái mình tuyệt đối là một tội ác, nhưng, đối với người tôi quen biết, ai cũng nói trước đây đều từng bị cha mẹ mình đánh, tôi lại không có, đây là một loại văn hóa.
"Sưng lên à? Không thấy đau nha. À, à, là như vậy. Trên đường có một thằng nhóc muốn giật túi em, em đấm cho nó một cái, nó đấm lại em một cái. Sau đó em đạp xe bỏ chạy." Tôi vội vàng kéo mũ lên che mặt.
"Giữa ban ngày ban mặt, biểu diễn võ nghệ làm gì?" Anh hừ một tiếng, mở cửa ra, để tôi lên xe.
"Xe đạp làm sao bây giờ? Đây là xe của em trai em." Tuy rằng mang theo nhìn hơi kỳ cục, nhưng tôi cũng không thể vứt nó lại đây.
"Để anh."
Anh nhét chiếc xe đạp toàn bùn đất vào cốp xe.
"Gọi điện thoại cho dì em đi," Anh chui vào ghế sau, đưa điện thoại cho tôi "Nửa đêm trốn đi, người lo lắng cho em nhất định rất nhiều."
Tôi nhìn đồng hồ, mới 7 giờ hơn. Do dự một chút, gọi điện thoại tới nhà dì.
Dì tôi lớn hơn mẹ tôi 4 tuổi, bà không thích ở nơi vùng quê nhỏ bé, liền thông qua người khác giới thiệu, gả cho dượng tôi, công nhân ở Côn Minh, là chiến sĩ thi đua. Lúc dì tôi còn trẻ, chiến sĩ thi đua ở nhà máy đều là đối tượng được giành giật. Gả cho những người đó không chỉ cố gắng, còn cần một chút may mắn. Bây giờ, kinh tế quốc doanh đình trệ, chiến sĩ thi đua cũng suy sút. Trước đây dượng tôi có nuôi hồ ly một thời gian, hy vọng có thể bán lời được một chút tiền, lại không thành công. Sau đó mở hàng bán dây nịt và tạp chí, cũng không thành công. Vì vậy liền về hưu trước tuổi, làm bảo vệ cho một siêu thị. Ông làm với tinh thần đầy trách nhiệm, vừa làm vừa học, ngày nghỉ thì đi theo một người đi nhập quần áo, tới Quảng Châu nhập hàng, làm một hồi quen tay rồi, liền thuê một cửa hàng mặt tiền ở siêu thị đó bán quần áo. Không giàu, nhưng chu cấp cho một nhà lớn bé ăn mặc không thành vấn đề. Huống chi hai chị họ của tôi đều đã trưởng thành. Chị cả Mẫn Mẫn gả tới Thượng Hải, một năm về một hai lần. Chị thứ Châu Châu tốt nghiệp trung học xong học đại học tại chức, bây giờ làm nhân viên môi giới ở một công ty bất động sản. Trước kia lúc tôi còn ở nhà, mỗi năm dì đều về chúc tết, thăm hỏi cả nhà tôi, còn có cậu, ông ngoại, bà ngoại. Mỗi năm nghỉ đông và nghỉ hè tôi và em trai cũng thường tới nhà dì chơi cuối tuần. Bố tôi nói, nhà dì rất khó khăn, nhà lại nhỏ, cho nên không cho chúng tôi quấy rầy nhiều. Mỗi lần lên thăm, đều mang theo rất nhiều quà, chỉ ở lại nhiều nhất một ngày rồi đi.
Điện thoại reo một tiếng, liền nghe được giọng dì tôi.
"Alo, ai vậy?"
"Dì, con là Tiểu Thu."
"Ai! Cái con nhóc này! Tối 30 Tết còn cãi nhau gì với bố nữa, bố con gọi điện thoại tới mấy lần rồi." Ở đầu bên kia dì đang hung hăng mắng tôi, tôi ở bên này cũng có thể cảm giác được dì đang văng nước bọt lung tung.
"Con vừa tới Côn Minh. Chị Mẫn Mẫn về chưa ạ?" Ở đầu bên kia rất ồn ào.
BẠN ĐANG ĐỌC
Chuyện cũ của Vương Lịch Xuyên (Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên)
Lãng mạnTác giả: Huyền Ẩn/ Thi Định Nhu Thể loại: Đô thị ngôn tình, nam chủ tàn tật, thâm tình, nữ chủ kiên cường, HE. Số chương: 59 chương và 4 ngoại truyện. Có một loại tình yêu là vì chia lìa. "... Em không cần đi theo người bệnh tật không lý tưởng như a...