17. Thương nhau cách mấy nắng mưa

497 60 13
                                    


Hôm nay là mùng năm âm lịch, cả làng Cò Gáy xào xáo cả lên chuẩn bị cỗ để ngày mốt cúng tế thần Trẻ.

Ở giữa làng, cạnh xưởng nhà họ Điền, có một người đàn ông tuổi trung niên, tên Canh, dân làng hay gọi ông là 'con' Thần Trẻ. Nôm na rằng ông là nguời giàu có nhất ở đây, mỗi lần cúng tế đều mang lễ vật cao sang quý hiếm, nhận được tín nhiệm của thần nên được người người nhà nhà ngưỡng mộ, phong làm người chức cao nhất ở trong làng Cò Gáy.

Khoảng giữa trưa, nam nhân trong làng ai ai cũng tụ lại nhà ông Canh, còn phụ nữ thì ôm mâm cỗ đứng trước nhà, trông nàng nào cũng mang vẻ mặt nơm nớp lo lắng.

Chính Quốc cùng Chí Mẫn mang cơm ra ngoài xưởng đưa cho người làm. Thợ hồ, thợ xây xưởng đều là người bên Nhật Hạ nên chẳng ai ăn được cơm bên này. Tuy không đến mức nôn ói như Chính Quốc nhưng hầu như đều bị tiêu chảy hoặc bị mất đi khẩu vị. Mấy ngày đầu, họ nhờ người nhà gửi cơm nước sang, nhưng vì khá bất tiện nên vài người tìm phú ông thưa chuyện. Sau đó thì phú ông dặn Chí Mẫn nấu cơm mang ra xưởng mỗi trưa.

Chí Mẫn đợt đầu theo Chính Quốc sang đây cứ tự cảm thấy bản thân mình quá rỗi, ngoài nấu cơm dọn dẹp với bưng vác phụ xưởng thì chẳng có gì để làm, mọi người bận rộn mà bản thân ngồi không thực sự buồn chán vô cùng. Nhưng em từ nhỏ đã không được đi học, nhìn mấy con chữ trong giấy tờ của Chính Quốc là não tự động bật chế độ mù, nên thật ra mang danh kẻ ở mà còn rỗi hơn cả chủ nhà. Hổm rày may sao có thêm công chuyện, em đỡ phải suốt ngày lông bông chán chường quanh cái nơi u tịch này.

Xưởng đến nay đã xây được một nửa công đoạn, nếu thời tiết đẹp thì dự tính sẽ xong trong tuần tới. Phú ông tính cả rồi, dự trù nửa tháng vận chuyển máy móc nữa là vừa đến vụ lúa, xưởng bắt đầu hoạt động ngay luôn. Các bác thợ ngồi dưới gốc cây đối diện xưởng, thấy Chí Mẫn cùng Chính Quốc bê cơm đến, họ vẫy chào và nở nụ cười thân thiện.

"Cơm tới, cơm tới rồi."

Chí Mẫn bọc cơm và thức ăn bằng lá chuối, to cỡ một cái bánh chưng, mỗi người một phần. Vì từ nhỏ đã chạy theo chân thím Tám nên tài nghệ nấu ăn của Chí Mẫn cũng không tệ, rất vừa miệng, các bác thợ cứ khen lấy khen để cả ngày. Các bác mến Chí Mẫn lắm, em vừa lễ phép vừa nghe lời, lại còn hiền hậu lanh lẹ. Tuy nhỏ con hơn các thanh niên cùng tuổi trong làng rất nhiều, nhưng em cũng có thể bưng vác, chạy vặt không thua kém ai cả. Mấy bác cứ đùa bảo rằng ước gì có đứa con rể như em thì hay biết mấy.

Từ chỗ bóng cây có thể nhìn thấy rõ sân nhà ông Canh. Chính Quốc, Chí Mẫn và cả các bác thợ ai cũng tò mò không biết có chuyện gì mà thấy người ta tụ tập đông nghịt trong đó. Ai cũng mang vẻ mặt lo lắng như sắp mất làng đến nơi, đôi ba còn đang giận dữ, người bất lực, người thống khổ, như thể bao nhiêu u ám trên đời này đều tụ về nơi này.

Lấp ló sau đám đông là ông Canh đang cầm chiếc quạt màu xanh sẫm đi đi lại lại. Bước chân từ tốn chậm rì, nhưng gương mặt ông nhăn nhó cứ như vừa bị mất sổ gạo. Đến giờ thì Chính Quốc mới nhận thấy ở đây không ai đặt bàn thiên ngoài trời, thay vào đó là hai cây gỗ được cắm thành hình chữ V, riêng hôm nay thì phía dưới hai cây gỗ được đặt một con búp bê vải có phủ lớp vải tơ đen.

[KookMin] Họa tên người trên Mây Gió.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ