chương tư

352 59 8
                                    

Từ hôm đó Trân thường lén lui tới chỗ Tuấn hơn. Cũng chỉ là nói mấy chuyện trên trời dưới đất, rồi cậu kể hắn nghe mấy câu chuyện hồi học ở Pháp, rằng có cô kia thích cậu, mà cậu không dám nhận.

"Chắc cổ đẹp lắm ha?"

"Ừ, cổ đẹp thiệt, với sang nữa, cổ là con của đại tướng đó. Lúc tôi từ chối cổ thì cổ có buồn, khóc dữ lắm. Mà biết sao được, tôi quyết rồi mà."

"Sao anh từ chối người ta vậy?"

Trân ậm ừ, suy nghĩ một hồi, rồi mới trả lời.

"Tại tôi không có tình cảm với cổ thôi, đó giờ cũng nhiều cô ngỏ lời mà tôi cũng nhẹ từ chối, không dám nhận. Với lại nếu tôi nhận lời mà không thương được người ta thì tội lắm."

"Anh làm vậy là phải đó, đàn bà con gái mà." Tuấn bổ phát rìu xuống khúc củi rồi hỏi thêm. "Vậy bộ anh chưa có mối tình nào dắt vai hả?"

Cậu nói nhỏ, "Ừ."

"Chắc tại anh chưa tìm được đúng người thôi, hoặc duyên chưa tới. Chứ anh đâu thể sống một mình vậy hoài."

Cậu không trả lời hắn nữa mà thở dài. Cậu định nói với hắn là cậu không có mê đàn bà, cậu mê mấy người mạnh mẽ như hắn thôi, mà cũng hên là cậu không nói.

Cậu cứ nhìn Tuấn chẻ củi vậy hoài vậy đó, lúc nào xuống chơi cũng vậy. Nhìn hắn lúc bổ từng nhát rìu xuống thì cơ tay nổi lên, mồ hôi nhìn nhễ nhại, nó cuốn cuốn vậy hoài đó. Cậu cứ nhìn hoài à. Với lại cậu cũng ít khi tìm được đàn ông nào như hắn, người gì đâu mà hiền như cục đất mà chơi với ba đứa quậy như giặc. Mà nói chứ quậy với ai á, chứ ở với hắn tụi nó ngoan lắm. Còn nữa, hắn giản dị, tốt bụng, dễ mến, cái này thì nhiều người cũng có, đối với cậu, hắn đặc biệt hơn theo một cách nào đó.

Ngồi được thêm chút nữa, Trân đứng dậy phủi quần rồi chào Tuấn đi về. Tại vì bây giờ nhà cậu đang có khách.

Thiếu tá người Pháp, Laure, ngồi sõng soài trên cái ghế gỗ gõ đỏ, đặt tách trà vừa uống xong xuống bàn, đôi mắt xanh dương của người Châu Âu nhìn thẳng vào mặt của ông Hai. Lúc này Trân cũng vừa vào tới nhà, thiếu tá thấy cậu lạ nhưng cũng không quan tâm, lập tức vô thẳng vấn đề.

"Nay tôi tới nói với ông chuyện lúa gạo, năm nay cao hơn mọi khi khoảng năm thúng cho một mẫu ruộng. Tính sao thì tính, ba bữa nữa phải đủ, không thì đi mà lên trình bày với quan Tây."

Ông bà Hai nghe xong liền suýt lên, tá hỏa. Ông ngập ngừng, nói với Laure.

"Thưa thiếu tá, thiếu tá biết đó, hổm giờ ông trời cứ mưa quài, mà toàn là mưa lớn không hà. Lúa cũng vậy mà bị ngập úng hết trơn, giờ bắt lên vậy sao mà đong cho đủ?"

"Tôi không biết, đây là quy định của cấp trên, tôi cũng theo đó mà làm chứ đâu có làm trái được. Lỡ mà làm không đúng thì tôi bị kiểm trách ai chịu, ông chịu được không?"

Cậu đứng phía sau, nghe thiếu tá nói mà nhăn mặt. Vừa chửi thầm trong bụng người gì tiếng Việt nói còn đớt mà thích nói nhiều vừa thấy thương nông dân quá. Hôm kia cậu có nghe hai tá điền già tâm sự với nhau, người ta còn lo cái ăn cái mặc của vợ con, mấy lúc bội thu cũng chỉ đủ ăn chứ không dư. Vậy mà còn tăng lên năm thúng, sao mà ác quá đa!

Thiếu tá Laure còn thông báo thêm vụ thuế ruộng đất, thuế thân cũng sẽ tăng lên rồi về.

----------

Dưới thời phong kiến, mà gần nhất là triều Nguyễn, thuế thân chỉ đánh vào nội tịch, tức là dân sở tại, có ít nhiều tài sản nên có khả năng đóng thuế. Vì vậy, người nộp thuế thân cũng được hưởng một số đặc quyền trong làng, xã như được chia ruộng đất công, được tham gia việc làng, được tham gia bầu các chức vụ trong làng, xã. Dân ngoại tịch (dân ngụ cư) không phải đóng và không được đóng thuế thân nên cũng không được hưởng các đặc quyền trên. Như vậy, dưới thời phong kiến, người nộp thuế thân vừa có nghĩa vụ vừa có quyền lợi khi nộp thuế, bởi đó là chính sách thuế của một nhà nước phong kiến độc lập, không có ngoại bang điều khiển.

Đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp giữ nguyên bộ máy quan lại thời phong kiến ở các làng xã và tận dụng triệt để hai loại thuế chính là thuế ruộng đất và thuế thân, đều là loại thuế trực thu nhưng với phương thức khác, mang tính áp đặt, mở rộng đối tượng thu, tăng loại tiền thu.

Chính sách thuế của thực dân Pháp ở Việt Nam là một sự kết hợp giữa bóc lột phong kiến với bóc lột tư bản chủ nghĩa, tức là kết hợp giữ bóc lột địa tô (bằng hiện vật) với bóc lột giá trị thặng dư (bằng tiền). Thực dân Pháp duy trì và lợi dụng giai cấp phong kiến vì mục đích bóc lột lợi nhuận kinh tế ở nông thôn_(Trích từ moha.gov.vn - Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân - Một thứ thuế vô lý!)

----------

Chỉ trong một buổi trưa, thông tin về quy định mới được lan rộng khắp nước, nhiều gia đình bình thường đã túng thiếu, bây giờ nghe xong chỉ biết ôm mặt nhau khóc.

Biết tiền đâu mà đóng cho đủ.

Đã vậy Tuấn chỉ sống một mình, nội thuế thân của bản thân còn xoay sở không kịp với chút tiền kiếm được từ việc bán cá tôm ngoài chợ. Tiền ăn cho mình còn không có, bây giờ còn bắt tăng thuế, hắn biết xoay sao. Nhiều khi hắn túng quá, qua mượn nhà hội đồng một ít, nhưng bà Hai đâu có ưa gì hắn đâu. Tiền mượn thì ít mà lấy lãi cao, hắn đó giờ đã khổ, bây giờ còn khổ hơn cả trăm lần.

Trân biết chuyện má mình làm với hắn cũng tức mình, vì rõ ràng má cậu với người khác mượn lấy lãi nhẹ, thậm chí còn miễn. Cậu không biết má mình với Tuấn có thù hằn chi không, mà nhiều khi cậu thấy cũng tội, lén cho tiền hắn. Ban đầu hắn không nhận, mà cậu cứ nói mãi, hắn đành nhận lấy, còn hứa mai mốt có tiền rồi trả cậu.

"Thôi khỏi, tôi cho cậu luôn đó."

"Nhưng mà anh làm vậy quài tôi ngại quá..."

"Ngại cái gì không biết."

Đơn giản một điều mà đến giờ cậu vẫn không dám chắc, cậu có cảm giác đặc biệt với Tuấn, cái loại cảm giác nhoi nhói trong lòng mà cũng rạo rực khi cậu gặp hắn.

Chắc...cậu biết thương rồi, mà thương không giống người bình thường.

(Drop) Nam Trân | Yêu Từ Thuở Đôi Mươi.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ