Lời dẫn

647 9 0
                                    

Tôi cảm thấy có lẽ thế hệ chúng tôi là một thế hệ vô cùng đặc biệt.

Sự đặc biệt này không có ý muốn nói đó là điều đáng để khoe khoang hay tự hào gì cả, mà đó là vẻ đặc sắc nằm trong một thời đại, một giai đoạn lịch sử, một vận mệnh nào đó.

Chúng tôi đã đi trên ranh giới giữa giàu - nghèo, tự do - trói buộc, thiện - ác, cải cách mở cửa - bế quan tỏa cảng, tiền bạc vật chất - đạo lí tình cảm, thế kỉ - thời đại.

Thậm chí, trước khi chúng tôi chào đời, có thể các thế hệ đi trước đã quyết định trước một phần rất quan trọng trong cuộc đời chúng tôi, do vậy khiến những nét đặc trưng này được hình thành càng rõ rệt.

Khi học tiểu học, chúng tôi vừa đứng trước mặt thầy cô giáo hát "mặt trời treo trên cao, hoa mỉm cười với em, chú chim non hát vang lời chào buổi sáng, tại sao em lại đeo ba lô đi học"; vừa hát với bạn bè rằng "tớ đi đánh bom trường, không bao giờ đi muộn, vừa giật ngòi tớ chạy, trường nổ rầm rồi tan".

Lên cấp hai, chúng tôi vừa học môn vệ sinh sinh lí cơ thể người, vừa đọc Cổ Hoặc Tử(*), lại vừa nghiên cứu cuốn Mười kiểu cực hình đời mãn Thanh.

Lên cấp ba, chúng tôi vừa viết giấy truyền tay, đọc truyện tranh, vừa luyện các đề thi đại học.

Thời đại học, chúng tôi vừa điên cuồng xem World Cup, đọc Harry Potter, sống thử, bỏ tiết, vừa học ba đại diện quan trọng: lí luận Đặng Tiểu Bình, triết học Mác Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông.

Chúng tôi đã từng ăn kem đậu xanh, từng uống nước ngọt Bắc Băng Dương(**), từng sử dụng tem phiếu, cũng đã từng ăn kem Haagen-Dazs của Mĩ, từng uống Johnnie Walker và đã từng dùng qua thẻ tín dụng.

(*) Cổ Hoặc Tử (tạm dịch: Đứa nhóc hư) là bộ truyện tranh của Hồng Kông.

(**) Tên một loại nước ngọt đóng chai sản xuất vào những năm 1980 ở TrungQuốc.

Chúng tôi đã từng mặc áo bông, quần bông, đi giày ba ta trắng, cũng đã từng mặc đồ của Adidas, Nike.

Chúng tôi đã từng đọc Câu chuyện của Lôi Phong của Phổ Mạn Đình, Thép đã tôi thế đấy - một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, Hồng Nham (Đá đỏ) của La Quảng Bân, cũng đã từng đọc Thần điêu đại hiệp của Kim Dung, Trăng mông lung, chim mông lung của Quỳnh Dao, Thành phố ảo (Ice Fantasy) do Quách Kính Minh sáng tác.

Chúng tôi đã từng xem phim Khát vọng, Tôi yêu nhà tôi, Tân truyền kì Bạch Nương Tử, cũng đã từng xem phim Yêu cho đến cùng, Căn phòng lãng mạn, Vượt ngục.

Chúng tôi đã từng chơi game Contra, Super Mario, cũng đã từng chơi PSP của công ti Nintendo (Nhật Bản).

Chúng tôi đã từng yêu mến Tứ đại thiên vương(*), Tiểu hổ đội(**), Lâm Chí Dĩnh, cũng đã từng hâm mộ Châu Kiệt Luân, Tạ Đình Phong, cũng từng si mê nhóm nhạc Hàn Quốc TVXQ (Đông Phương Thần Khởi), thích xem cuộc thi Super Girl(***).

(*) Tứ đại thiên vương là tên gọi thân mật của những người hâm mộ dành cho bốn ca sĩ, diễn viên Hồng Kông trẻ nổi tiếng cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990; gồm Trương Ngọc Hữu (hát hay nhất), Quách Vũ Thành (nhảy đẹp nhất), Lưu Đức Hoa (diễn xuất hay nhất), Lê Minh (Phong độ, đẹp trai nhất).

(**) Tiểu hổ đội gồm ba thành viên Ngô Kì Long, Trần Chí Bằng và Tô Hữu Bằng, là ban nhạc nổi tiếng của Đài Loan cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 thế kỉ XX.

(***) Cuộc thi tiếng hát truyền hình hay thần tượng âm nhạc dành cho nữ sinh do đài truyền hình Hồ Nam tổ chức từ năm 2004 đến 2006.

Chúng tôi từng được mọi người chú ý, cũng từng bị mọi người khinh thường.

Chúng tôi từng được mọi người nuông chiều, cũng từng bị mọi người chỉ trích.

Chúng tôi đã để ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ âm thầm bảo vệ, lớn lên cùng boyfriend, girlfriend, bạn học, bạn từ thời để chỏm, bạn kết giao qua mạng Internet của mình.

Chúng tôi - thế hệ sinh sau thập kỉ 1980, được gọi là "hậu 8X", hầu hết mọi người gọi là thế hệ con một.

Chúng tôi đã trải qua tuổi thơ không có máy tính và các gameshow truyền hình, cũng đã trưởng thành trong những năm tháng không có chiến tranh và nghèo đói.

Cứ như vậy, khi các thần tượng của thời đại mới ít tuổi hơn chúng tôi; khi cựu danh thủ bóng đá người Pháp Zinédine Yazid Zidane treo giày giã từ sự nghiệp cầu thủ, David Beckham sang Mĩ thi đấu; khi chúng tôi bắt đầu kiếm tiền nuôi gia đình, mua nhà, mua xe hơi trả góp; khi bạn bè đồng trang lứa kẻ lấy vợ, người lấy chồng, sinh con đẻ cái, thậm chí đã có người kết hôn rồi lại li hôn; khi cậu bạn thân nói với tôi rằng cô gái trong mối tình đầu của tôi đã thế nọ thế kia; khi hoài niệm về một thời đã xa, tôi mới phát hiện ra rằng, hóa ra chúng tôi đã trưởng thành, cũng có cái gọi là đã từng, cũng có chuyện đáng mang ra kể.

Ai cũng có tuổi trẻ và những câu chuyện về tuổi trẻ của riêng mình, trong mỗi câu chuyện ấy đều có những hồi ức đẹp kèm theo cả sự nuối tiếc mãi in dấu lại nơi đáy trái tim.

Chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Nếu mà bạn là người sinh sau thập kỉ 1980, vậy khi đọc những trang viết này và nhớ lại khi mười sáu tuổi, bạn đang làm gì?

Bạn còn nhớ được hết tên bạn học thời đó hay không?

Có từng quý mến ai không?

Có còn liên lạc với người đó không?

Có phải hai người vẫn ở chung một thành phố?

Các bạn có hay gặp nhau không?

Hay đã chia tay nhau rồi?

Là do lúc đó còn quá trẻ nên thời gian quý mến nhau quá ngắn ngủi?

Hay là do không hiểu chuyện nên đã vô tình làm tổn thương nhau?

Bàn tay nắm tay người khi xưa, giờ đang nắm tay ai?

Thỉnh thoảng bạn có chạnh lòng nhớ lại không?

Có bao giờ lén lút thề thốt điều gì không?

Lời hứa ấy đã thực hiện được chưa?

Hay là... đã quên hẳn rồi?

Khi đặt ra những câu hỏi này, tôi bất giác nhớ đến Phương Hồi, nhớ đến Trần Tầm, nhớ đến rất nhiều chuyện rất lãng mạn, nhưng cũng rất thực tế, rất buồn lại không hề muốn quên.

Đây là những câu chuyện về chúng tôi, đã xảy ra trong những năm tháng vội vã. Nếu bạn đã từng trải qua những ngày tháng như vậy, chắc chắn bạn sẽ thấy cảm động. Còn nếu bạn đang nhớ nhung hay định lục tìm kí ức, đã chỉ trích hoặc từng cân nhắc lại cách nhìn nhận của mình, thì bạn hãy lắng nghe tôi kể...

Năm Tháng Vội VãNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ