[Chương 3] Tơ hồng

2.3K 380 75
                                    

Ngày lễ thân nghinh của Kha Vũ và Gia Nguyên cũng nhằm vào 26 Tết năm Canh Tý.

Vì Gia Nguyên là con trai, lại cũng không phải xuất thân từ nhà môn đăng hộ đối gì, nên cả hai nhà đều không muốn làm lễ lớn. Tuy trên danh nghĩa thì về nhà Kha Vũ nó vẫn là chính thê, nhưng ai ở cái đất Đại Việt này mà không hiểu rằng chính thê không thực hiện được đạo "vĩnh truyền tông tộc", nghĩa là không sinh được người nối dõi tông đường thì vị thế cũng chẳng khác biệt so với vợ lẽ là mấy.

Các nghi lễ phức tạp vốn dĩ mất hàng tháng trời, từ lễ nạp tài, lễ vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, toàn bộ đều được tổ chức lặng lẽ chỉ trong vỏn vẹn một tuần.

Bà mai chọn giờ hoàng đạo nhằm vào giờ Tuất, nhà trai mang theo đồ lễ gồm trầu cau, rượu nếp, trà hoa sen, tơ lụa cùng đồ trang sức đến rước dâu. Dẫn đầu đám rước là cụ Viễn làm chủ hôn. Cụ năm nay ở độ tuổi thất tuần, được dân làng kính nể vì sự đạo mạo, thông thái và đức độ của cụ.

Gia Nguyên hôm nay mặc áo ngũ thân, đóng khăn vấn. Nó nhìn má mình khóc đỏ cả mắt, tía thì luôn miệng nói xin lỗi. Nó xót xa cố gắng nở một nụ cười.

"Tía, má, nhà phú hộ Châu giàu lắm, con qua đấy hằng ngày ăn sung mặc sướng, chứ có phải chịu khổ nữa đâu."

Khi đoàn rước dâu đã đến trước cửa, nó nuốt ngược nước mắt vào trong, hướng về tía má mà dập đầu ba cái.

"Tía, má, con đi đây."

Rồi nó bước thẳng ra cửa, đến ngoái nhìn lại một cái nó cũng không dám. Nó sợ nó nhìn rồi thì không gượng được nữa, đàn ông đàn ang mà khóc lóc tỉ tê mất mặt lắm.

Nhà phú hộ Châu chuẩn bị toàn bộ năm cái thuyền lớn đợi sẵn ở bờ sông Môn. Tuy nói là không muốn làm lớn, nhưng đường đường lễ cưới của cái gia tộc giàu nhất cái làng Yên Tú này cũng không thể làm sơ sài đại khái được.

Ở đầu bên kia làng, Kha Vũ đứng ngồi không yên, phụ đám người làm trong nhà chuẩn bị lò than hồng đặt ở trước cửa, với quan niệm lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma và cả vía của những kẻ độc mồm độc miệng quở mắng cô dâu giữa đường.

Bà hai thì đang dặn con Bánh – con hầu của bà – chuẩn bị bình vôi. Theo truyền thống của dân Đại Việt, khi rước con dâu vào nhà, mẹ chồng phải cầm bình vôi và tránh mặt đi một lúc, tránh xảy ra những chuyện cay nghiệt giữa nàng dâu và mẹ chồng sau này.

Bà cũng mong là vậy. Bà thật sự không thích đứa con dâu này lắm.

Tại sao á? Hai gia đình không môn đăng hộ đối, thằng bé lại là con trai. Chỉ nội hai điểm này đã đủ làm dấy lên ác cảm từ phía bà. Nhưng ông hai chồng bà thì rất quyết liệt trong việc rước được đứa con dâu này, đối với ông tính mạng của Vũ mới là quan trọng trên cả. Phận bà là vợ, chỉ có thể nghe theo lời chồng.

Bà nhìn sang cậu hai đang tỉ mỉ căn dặn dám người ở, tay chân cậu luống cuống loạng quạng. Quái, cưới vợ là con trai, sao trông cậu hớn ha hớn hở thế?

Chờ khoảng gần một canh giờ thì đoàn rước dâu cũng về tới. Sau khi Gia Nguyên vào bái gia tiên nhà chồng thì lễ tơ hồng được cử hành. Bàn thờ ngoài trời được bày lư hương và nến, còn có đồ cúng là xôi gà, trầu cau, rượu trắng. Kha Vũ và Gia Nguyên cùng cúng tơ hồng, tỏ ý biết ơn với ông Tơ bà Nguyệt. Cụ Viễn cũng thắp hương truyền cho đôi trẻ, sau khi hai đứa vái tơ hồng, vái phụ mẫu và vái nhau thì lễ tơ hồng kết thúc.

[Nguyên Châu Luật] Gió đánh đò đưaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ