Tôi còn nhớ (5)

8 0 0
                                    

Tôi còn nhớ...

Tháng Mười hai 2011 - tháng Bảy 2013

Tôi còn nhớ.

Tôi còn nhớ đã tin chắc rằng cuối cùng mọi chuyện sẽ kết thúc.

Tôi không hình dung ra được kết cục nào khác: ngay khi trở về nhà, tôi sẽ cầm lấy khẩu súng công vụ và găm một viên đạn vào đầu mình.

Một phát súng để ngăn tôi khỏi trượt tiếp về phía địa ngục.

Nằm như bị đóng đinh trên giường bệnh viện, tôi đã thầm diễn lại đoạn phim ấy nhiều lần: âm thanh khô khốc của ổ đạn mà tôi vừa lên, chất liệu kim loại lạnh lẽo của khẩu súng trong miệng tôi, nòng súng hếch lên cao để làm não nổ tung.

Tôi không ngừng tự nhắc đi nhắc lại hình ảnh này với bản thân để có thể chợp mắt được. Ngón tay tôi bóp cò. Đầu tôi nổ tung trong hành động giải thoát ấy.

* * *

Tuy nhiên, cuộc đời tôi không đi theo quỹ đạo này.

- Con sẽ sống cùng bọn bố, bố tôi bảo vậy khi tới bệnh viện thăm tôi.

Tôi trợn tròn mắt.

- "Cùng bọn bố" là thế nào kia ạ?

- Cùng bố và cậu bạn "gay yêu đời" của con.

Trong thời gian tôi duỡng thương, bố tôi đã thuê một ngôi nhà rộng rãi có vườn nằm trên phô Square-Montsouris mà không nói gì cho tôi biết. Xưởng sáng tác cũ của một họa sĩ này ngập trong màu xanh cây cỏ. Vùng thôn quê ngay giữa quận 14.

Bố đã tranh thủ thời điểm bấn loạn yêu đương của Seymour để thuyết phục cậu ta dọn tới sống trong ngôi nhà này. Tôi biết cậu đồng nghiệp của tôi vừa chấm dứt một chuyện tình cảm phức tạp: vì lý do nghề nghiệp, người bạn trai chung sống đã lâu với cậu ấy - một vũ công kiêm biên đạo múa vốn tha thiết gắn bó với Nhà hát vũ kịch Paris - đã rời thủ đô sang Mỹ và tình yêu của họ không thắng được khoảng cách địa lý.

Vậy là ngót hai năm trời, ba người chúng tôi chung sống dưới cùng một mái nhà. Giữa chúng tôi vẫn hình thành một sự gắn bó tưởng chừng bất khả. Trái với mọi mong đợi, bố tôi và Seymour đều gạt bỏ định kiến của mỗi người sang một bên và trở thành bạn tốt nhất của nhau, người này cảm thấy ngưỡng mộ người kia. Seymour lóa mắt trước hình tượng cảnh sát huyền thoại như Alain Schäfer: sự nhạy bén của ông, phong cách ăn to nói lớn của ông, nét hài hước của ông, khả năng áp đặt quan điểm và nổi loạn của ông. về phần bố tôi, ông thừa nhận đã phán xét quá vội vàng anh chàng đồng nghiệp trẻ tuổi này, ông tôn trọng phương diện phức cảm trong con người cậu ấy: công tử con nhà giàu, đồng tính, đầy học thức, nhưng sẵn sàng dùng nắm đấm và dốc cạn những ly whisky hai mươi năm tuổi.

Nhất là, hai người đàn ông đó có chung ý chí mãnh liệt là bảo vệ tôi khỏi chính bản thân tôi. Suốt hàng tuần lễ tiếp sau ngày tôi trở về, bố đưa tôi đi nghỉ ở Ý và Bồ Đào Nha. Sang đầu xuân, Seymour xin nghỉ phép để đưa tôi sang thăm thú Los Angeles và San Francisco. Sự chuyển dịch môi trường sống này, đi kèm một bầu không khí gia đình ấm cúng, đã cho phép tôi vượt qua quãng thời gian đó mà không gục ngã.

Tôi đã đi làm trở lại ngay khi có thể, dù cho suốt sáu tháng đầu, tôi không còn đặt chân tới hiện trường nữa. Seymour đã thay tôi đứng đầu "đội Schäfer" và tôi bằng lòng với vai trò "thủ tục viên"[1]. Trong vòng một năm trời, tôi đã chịu chế độ "theo dõi sát sao về tâm lý" do một bác sĩ tâm lý chuyên điều trị khủng hoảng hậu chấn thương tâm thần phụ hách.

Ở đội Hình sự, vị trí của tôi lung lay. Sau khi cuộc điều tra về Erik Vaughn thất bại, Taillandier càng chĩa mũi dùi vào tôi hơn bao giờ hết. Trong những tình huống khác, người ta hẳn đã thuyên chuyển tôi không chút nể nang, nhưng giới truyền thông lại xúm vào câu chuyện về tôi. Tờ Paris Match đã dành bốn trang cho tấn thảm kịch của tôi, biến thất bại của tôi thành một câu chuyện lãng mạn trong đó tôi đóng vai tốt đẹp: vai nàng Clarice Starling phiên bản Paris đã bất chấp mọi hiểm nguy để tóm gọn kẻ thù số một của xã hội. Tiếp đó, bộ trưởng Nội vụ thậm chí còn trao thưởng cho tôi Huân chương danh dự vì hành động dũng cảm và tận tâm. Sự giúp sức của truyền thông và món tiền thưởng khiến các đồng nghiệp của tôi nghiến răng kèn kẹt, nhưng ít nhất cũng đã có công cho phép tôi tiếp tục hành nghề cảnh sát.

* * *

Có những thử thách mà người ta không bao giờ thực sự vượt qua, nhưng bất chấp tất cả, người ta vẫn sống sót. Một phần trong tôi rời rã, bầm giập, tan hoang. Quá khứ tiếp tục bóp nghẹt tôi, nhưng tôi may mắn vì có những người luôn ở bên và ngăn không cho tôi chìm đắm.

Paul đã chết, đứa con chưa chào đời của tôi đã chết. Đó không còn là vấn đề yêu thương nữa. Nhưng tận sâu trong đáy lòng tôi vẫn còn cảm giác mơ hồ rằng câu chuyện chưa hề kết thúc. Rằng cuộc đời này có lẽ vẫn còn điều gì đó để ban tặng cho tôi.

Thế nên đã lại bắt đầu sống, bằng những nét điểm xuyết. Một cuộc sống theo phong cách ấn tượng được nuôi dưỡng bằng những điều nhỏ nhoi không đáng kể: một cuộc dạo chơi trong rừng dưới bầu trời rực nắng, một giờ chạy bộ thể dục trên bãi biển, một câu đùa dí dỏm của bố tôi, một trận cười sảng khoái với Seymour, một ly Saint-Julien nhấm nháp nơi sân hiên, những chồi búp đầu tiên của mùa xuân, những buổi hẹn mỗi tuần một lần với đám bạn gái học cùng đại học, một bản sách cổ của Wilkie Collins mua được tại hiệu sách cũ...

Tháng Chín 2012, tôi lại chỉ huy nhóm điều tra. Mối quan tâm tôi dành cho công việc, niềm đam mê tôi dành cho công tác điều tra đã không biến mất và trong vòng một năm, "đội Schãíer" đã gặp may: chúng tôi đã nhanh chóng giải quyết xong tất cả những cuộc điều tra được cấp trên giao cho. Dream team đã quay trở lại.

Guồng quay cuộc sống chạy nhanh. Cách đây ba tháng, đầu hè năm 2013, tôi đã lấy lại được uy tín cá nhân tại đội Hình sự. Tôi đã lấy lại được sự tự tín, giành lại được sự tôn trọng từ các thành viên trong đội và khôi phục lại được tình thân giữa chúng tôi.

Một lần nữa, đã nghiệm thấy rõ ràng rằng cuộc đời này có lẽ vẫn còn điều gì đó để ban tặng cho mình.

Tôi không hình dung được rằng điều ấy lại mang dáng hình một thử thách mới.

Central ParkNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ