VIII. LÀM SAO MUA ĐƯỢC KHÍ-GIỚI ?
Lúc bấy giờ, những nghĩa-dân hiệp-sĩ khắp trong nước đã liên-lạc nhất khí với nhau rồi.
Từ Bắc vô Huế, khắp các tỉnh-thành châu-quận trọng-yếu, chúng tôi đều ngấm-ngầm sắp-đặt vây-cánh phe-đảng đâu đó hẳn-hoi, chỉ còn đợi
thời-cơ là khởi-sự.Vấn-đề kiếm tìm những khoản tiền lớn để làm việc, cũng có anh em gánh vác trách-nhiệm quyên-góp.
Phải chi mình ở vào những đời Đinh Lý Lê Trịnh thuở xưa, thì chỉ vung cánh tay mà kêu lên một tiếng, tức-thời sóng dậy sấm vang chỉ là việc
thành trong khoảng giây lát mà thôi.Nhưng đời nay thì khác hẳn.
Từ lúc đời có súng đạn phát-minh ra, bao nhiêu khí-giới gọi là gươm giáo đao thương đã hóa ra đồ bỏ. Cái thứ để chặt cây làm mác kia, đời xưa người ta vác đi đánh Tần đuổi Sở được, chứ đời nay có dùng nó làm nên trò-vè gì !
Phải biết võ-khí của người Pháp tinh-nhuệ hơn của người mình muôn lần ngàn lần. Còn khẩu súng nào ở trong tay người mình, thì ngày
đêm có tướng-tá Pháp gìn-giữ coi chừng hoài. Trong hàng quân-ngũ, từ chức cai đội trở lên cũng không có người mình được làm. Nếu muốn dỗ họ trở súng cộng-sự với mình, lúc bình-thường không phải là chuyện dễ ; trừ ra khi nào có phát-sinh đại-chiến, họa chăng sự mưu-tính mới được thực hiện.Các ông sách-sĩ (người chuyên nghĩ mưu tính kế) trong đảng chúng tôi lúc ấy, gặp phải một vấn-đề to lớn khó-khăn mà không sao giải-quyết được, ấy chính là vân-đề quân-giới.
Trong nước ta có sở chế-tạo quân-giới nào, đều có binh lính Pháp chiếm giữ, canh-gác cẩn-mật, nếu bà con mình đi qua hơi liếc mắt dòm mấy nơi đó cũng bị tội nặng lập-tức. Như vậy thì chúng tôi có nhúng tay vô chỗ nào mà lấy khí-giới được đâu !
Muốn mua khí-giới ở ngoại-quốc chở vào cho mình lại cũng không được. Là vì bao nhiêu cửa biển trong nước, cửa nào cũng có nhà chuyên-trách của Bảo-hộ cắt-đặt, khám-xét dò-la hết sức nghiêm-ngặt. Dầu cho mình mua ở ngoài được, nhưng một số quân-giới rất nhiều, mình có phép tiên, chước quỷ gì mà vận-tải nó lọt vô xứ này cho nổi ?
Anh em chúng tôi lo quanh tính quẩn, mất nhiều ngày giờ mà chỉ có vấn đề quân-giới, mỗi khi nghĩ đến, ai nấy bức-rức lo-âu, cám-cảnh mình thiếu mất một món thứ nhất cần-dùng, rồi nhớ lại chuyện Châu-lang đời xưa nếu không có ngọn gió đông thì lấy gì mà đánh trận Xích-bích ?
*
Cách không bao lâu, bỗng dưng có những tiếng súng nổ ở Lữ-thuận Kiêu-đông, lướt theo sóng-gió vang-dội tới đây làm cho rung-động chói-chát lỗ tai anh em chúng tôi.Trận Nga-Nhật chiến-tranh mà Nhật đại-thắng thật có chỗ hay cho chúng tôi rất lớn. Trong óc chúng tôi đến đây có một thế-giới mới lạ mở ra.
Nước Nam ta trước khi chưa có Pháp-quốc bảo-hộ, chỉ biết thế-gian nầy có nước Tàu mà thôi. Tới lúc có Pháp-quốc bảo-hộ ta rồi thì ta lại chỉ biết có Pháp-quốc. Thế-giới đổi dời, phong-trào mới lạ, thật bà con ta chưa hề mộng-tưởng tới đó.
Chúng tôi bôn-tẩu quốc-sự bao lâu, nghĩ có mất xác rụng đầu cũng chẳng sợ, nhưng bất quá là bị cái thiên-lương vì nước lo toan nó bắt-buộc mình phải vậy đó thôi, chứ đến quy-mô xây-dựng độc-lập ra sao, thì lúc ấy chúng tôi vẫn còn mơ-màng như người đi giữa đám sương sa mịt-mù vậy.
Từ hồi bỏ nước đi ra ngoài, đầu óc mắt tai mình mới là bắt đầu biến-đổi. Nhưng không thể nào không bảo được rằng đó là nhờ trận Nhật-Nga
đánh nhau đã làm vang bóng cho tâm-não chúng tôi.Than ôi ! đến giữa thế-kỷ 19, gió Mỹ mưa Âu đã làm ồn-ào vũ-trụ, vậy mà ngó lại nước mình vẫn còn đang ở trong cơn mơ-mộng ngủ say. Lúc bấy giờ dân ta còn mù-mịt chuyện đời đã đành, không trách gì được. Nhưng ngay đến hạng người trồi đầu khét tiếng như tôi mà cũng như ếch nằm đáy giếng, kiến ở trong hang, có hiểu biết chuyện đời là gì đâu. Nghĩ trong thế-giới có thứ người đáng buồn cười mà cũng đáng thương xót,không còn ai hơn bà con nước mình.
Là bởi nước mình thuở trước chỉ đóng cửa ngồi nhà, trăm điều kiến-văn gì, quanh-quẩn trong vòng chữ nghĩa thi-cử Hán-học mà thôi ; vậy cứ
bảo ngay quốc-dân mình là bọn tai điếc mắt đui, cũng không phải là nói quá-đáng chút nào.Kịp đến khi có người Pháp sang xâm-lược, dân ta cũng vẫn còn mắt đui tai điếc. Nếu không có tiếng súng nổ đùng đùng ở Liêu-đông Lữ-thuận
đánh thức, thì có lẽ ta cũng chưa biết ngoài nước Pháp ra còn thế-giới nào khác nữa.Sau lúc Nhật-Nga khai chiến, giữa khoảng hai năm Giáp-thìn Ất-tỵ, cuộc cạnh-tranh phấn-đấu giữa người Âu người Á, da trắng da vàng, làm
cho chúng tôi phải giật mình tỉnh ngủ. Chí-hướng chúng tôi càng thêm nồng-nàn hăng-hái. Song chỉ khổ một nỗi là bị vấn-đề quân-giới ngăn-trở khó-khăn, cho nên tới đây chúng tôi phải gấp tìm cách nào giải-quyết mới
xong.*
Hạ tuần tháng 10 năm Giáp-thìn (1904) các tay lãnh-tụ trong đảng mở cuộc đại-hội ở tỉnh Quảng-nam, lấy sơn-trang Nam-thạnh làm nơi khai-hội. Nhận thấy chỗ nầy gần kinh-đô Huế, tất ông Hội-chủ chúng tôi có thể lén tới nhóm hội được.Lúc đó ông Tăng-bạt-Hổ mới ở Hải-phòng vô, trong đảng thêm ra một tay kiện-tướng, ai nấy vui-vẻ hăng-hái lạ-thường.
Các lãnh-tụ đều nói vấn-đề quân-giới nếu không có nước ngoài giúp cho mình thì không xong. Lấy chỗ quan-hệ về lịch-sử, địa-dư, nòi-giống
mà nói, có thể giúp ta được không ai khác hơn là Trung-quốc. Nhưng từ trận thua ở Lạng-sơn hồi năm Giáp-thân trở đi, Trung-quốc ký điều-ước Bắc-kinh, đã phải đem cái chủ-quyền phiên-thuộc nước Nam mà nhường đứt cho Pháp rồi. Đến việc Hàm-Nghi xuất-bôn, trong khoảng mấy năm Dậu, Tuất, thiếu gì các cụ nhà ta chạy sang Trung-quốc cầu-viện, nhưng đều bặt mất tin tức. Gương trước mới đó không xa, nước Tàu chẳng giúp gì cho ta được đâu mà mong, vô-ích.Chúng tôi bàn-định với nhau, chỉ có cầu-viện Nhật-bản. Lúc ấy Nhật-bản mới phát lên hùng-cường mà họ cũng là một dân-tộc da vàng ở châu Á như ta, lại vừa mới đánh thắng Nga xong, không chừng họ có ý muốn làm bá-chủ cả châu Á, vậy thì họ giúp ta để tước bớt khí-lực của châu Âu đi, cũng có điều lợi cho họ vậy. Nếu ta sang kêu ca thống thiết với họ, tưởng gì chớ món quân-giới, hoặc cho ta mượn, hoặc giúp ta mua, không khó khiến chi !
Ai nấy bàn-bạc nhất-định như vậy rồi, bèn tín cử một người làm toàn-quyền đại-biểu đem bút của ông Hội-chủ qua Nhật lo việc khí-giới.
Hồi đó công việc trong đảng đang cần người có tài làm sứ, nên chi tiàn-hội cùng cử tôi làm chức đại-biểu đi Nhật.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ngục Trung Thư
Historical FictionTài liệu góp vào lịch sử cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam Tên sách: Ngục Trung Thư Nguyên hán văn của cụ Phan Bội Châu Đời-cách-mệnh Phan-Bội-Châu Dịch giả:Đào Trinh Nhất Nhà xuất bản:Tân Việt Phụ-lục bức thư của ...