3.CÙNG ANH EM ĐỒNG-CHÍ TỔ-CHỨC RA ĐỘI SĨ-TỬ CẦN-VƯƠNG

0 0 0
                                    

III. CÙNG ANH EM ĐỒNG-CHÍ TỔ-CHỨC RA
ĐỘI SĨ-TỬ CẦN-VƯƠNG

Năm tôi 17 tuổi, tức là năm Tự-Đức 36,quý-mùi, binh Pháp chiếm lấy Hà-nội và các tỉnh Bắc-kỳ. Đến năm tôi 19 tuổi, nhằm năm ất-dậu, Hàm-Nghi nguyên-niên, binh Pháp chiếm kinh-thành Huế, vua Hàm-nghi hải chạy : cung-điện bày ra cảnh hoang-lương, nhởn nhơ bầy nai, đầy dăng ổ quạ, tấn-kịch vong-quốc mở ra từ tháng 7 Hàm-Nghi năm đầu trở đi vậy. Ôi ! Trời nghiêng đất ngã, lúc nầy kẻ làm trai đội trời đạp đất, ai nỡ dòm non sông bằng con mắt gỗ đá, trơ-trơ cho đành !

Tôi được trời phú cho, máu nóng không vừa, ngay từ hồi còn là thằng trẻ con đọc sách của ông cha để lại, mỗi khi đọc tới chuyện người
xưa hăng hái thành-nhân tựu-nghĩa, tôi thường nhỏ nước mắt ròng-ròng,thấm ướt cả sách. Những chuyện Trương-công Văn-Định chết theo Nam-kỳ và Nguyễn-công Tri-Phương tuẫn thành Hà-nội, tôi hay đàm-đạo nhắc-nhở tới luôn, mà mỗi lần nhắc tới, khiến tôi vung tay vỗ ngực, tự thẹn cho mình thua sút hai ông đó. Vì tính-chất trời sinh cho tôi như thế, không thể nào làm bộ khác hơn được.

Sau lúc kinh-thành thất-thủ, vua Hàm-Nghi ngự giá ra đóng tại sơn phòng tỉnh Hà-Tĩnh, các bậc quan-thân đang ở nhà ; như Nguyễn-xuân-Ôn, Đinh-văn-Chất, đua nhau dựng cờ cần-vương, phong-trào tràn-lan khắp các phủ huyện đều có. Ngó lại tôi còn là một tên học trò nhỏ tuổi, nào có thế lực gì dám cùng các cụ cùng nổi lên làm việc lớn. Mình như con chim con, lông cánh chưa đủ, nanh vuốt còn non, tự nghĩ mà buồn. Lại nhớ đến chuyện anh-hùng của Đổng-thiên-vương ngày xưa ba tuổi cỡi ngựa đánh giặc, tôi nghĩ tôi thật là một thằng con trai hèn quá.

Suy đi tính lại, không biết làm cách gì, chỉ còn có cách kêu gào bọn đồng-học, tổ-chức ra một đội quân học-trò giúp vua, gọi là « Sĩ-tử cần-vương đội ». Tôi với bạn thiết Trần-văn-Lương là người phát-khởi, cùng tôn ông cử-nhân Đinh-xuân-Sung lên làm đội-trưởng ; tôi thì làm phó-đội.
Đội này chỉ có lối ngoài một trăm người.

Công việc sắp-đặt hơi yên, duy có binh-lương khí-giới chưa có cách tìm đâu cho ra. Vừa gặp lúc người Pháp đem đại-binh tới hạ thành Nghệ an,rồi thừa thắng tiến binh đánh giẹp các phủ huyện. Đội quân của chúng tôi tổ-chức, cả lương-hướng súng đạn đều không có, thành ra chỉ trong giây lát, như bầy muông-chim vỡ-lở tứ-tán. Tôi phải trà-trộn trong đám nạn-dân
mà chạy thoát-thân. Tới nay nhớ lại việc tôi đã làm đó, không khác gì trẻ con làm nhà bằng giấy để chơi, không bỏ cho bậc người kiến-thức chê cười. Tuy vậy, tôi cũng cứ chép ngay ra đây, vì tấm lòng tôi mưu-toan cứu quốc, thật là phôi-thai từ việc ấy mà ra. Nghĩ mình bày trò tuy giả, nhưng mà lòng vốn thẳng-ngay, cho nên tôi không dám dấu-diếm chỗ dở của tôi.

Lúc bấy giờ, cửa nhà tôi bị tiêu-huỷ vì họa binh-đao, thân-phụ tôi giữa cơn hoạn-nạn, lại mang bệnh nặng. Tôi không còn mẹ, cũng không có anh em nào, thành ra không dám bỏ cha mình mà ngó tới việc gì khác. Tôi đành nương-náu ở nhà dạy học trò, để chuyên lo săn-sóc bệnh cha, cả thảy 9 năm.

Ngục Trung ThưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ