15. MUỐN CHỞ KHÍ-GIỚI VỀ GIÚP HOÀNGHOA-THÁM

0 0 0
                                    

Ôi ! công việc cứu-quốc, không có gì cần-kíp hơn là vun-đắp nhân tài,
mà vun-đắp nhân-tài thì có cách tổ-chức ra đoàn học-sinh là hay hơn cả.

Nhưng chúng tôi gặp phải cảnh-ngộ nầy, không có tài-sức nào tổchức
được học-đoàn nữa. Duy có để cho anh em học-sinh bền lòng gắng chí, tự lo lấy cách tìm đường cầu học mà thôi.

Lúc bấy giờ có người chạy qua Bắc-kinh, như bọn Chung-hạo-Sanh,
Hồ-học-Lãm. Có người tới Quảng-tây như Nguyễn-tiêu-Đẩu (Bá-Trác),
Ng-Siên, Huỳnh-trọng-Mậu. Có người chạy sang Xiêm-la, như bọn
Hồ-vĩnh-Long, Đặng-quốc-Kiều. Cũng có người vẫn lưu ở Nhật, giả-mạo
làm người Tàu để cầu học, như đám Trần-trọng-Khắc, Hoàng-đình-Tuân.
Chân trời lênh-đênh, ai lo thân nấy. Kể về tinh-thần, anh em ta vẫn là một
bọn ái-quốc thanh-niên, nhưng về hình-thức thì bấy giờ họ là một lũ học sinh bơ-vơ trôi-nổi.

Lúc đó tôi làm thế nào ?

Đối với cảnh-ngộ chẳng may của những anh em học-sinh chí-thân
chí-ái, tôi chỉ đành vỗ ngực kêu trời, lấy một trận khóc để kết-thúc vấn-đề
ấy thôi. Nhưng mà tấm thân bảy thước đã hứa hẹn với non sông, là thân tôi đây, không thể lấy gì che-lấp trách nhiệm cho được.

Đến nông-nỗi nầy tôi không thể nào không chạy qua con đường bạo-động. Vẫn biết bạo-động với tự-sát đều là việc làm của những kẻ kiến thức
hẹp-hòi, không biết lo xa, nhưng nếu sự thế buộc tự-sát, thà rằng xoay
ra bạo-động mà chết còn hơn. Vì cứ bạo-động may ra còn trông được có
chỗ thành-công trong muôn một. Huống gì tôi đã suy đi tính lại, lúc nầy bỏ sự bạo-động ra không còn có việc gì đáng buồn hơn nữa.

Muốn học cách Thân-bao-Tự khất binh để cứu Sở, nhưng có chỗ nào là Tần-đình cho mình đứng khóc mà cầu viện-binh ? Muốn học cách Việt-Vương Câu-Tiễn nhịn-nhục báo-thù Ngô, nhưng có nơi nào là Cối-kê để cho mình nương thân để sắp đặt ? Còn muốn lấy văn-tự để cổ-động
quốc-dân gọi là cho xong phận-sự đời mình đối với nước non, nhưng khốn
thay văn-tự cũng không còn lựa chỗ đất nào để gieo-rắc tuyên-truyền nó
được, mới thảm ! Chẳng những thế mà thôi, cho đến những anh em đồng chí ở trong nước cũng đều có cái nguy sớm muộn bị tội, bị tù, bị đày, bị chém nữa kia. Than ôi ! Con thú đến lúc cùng đường túng thế, nếu không
phấn-đấu may ra có sống, thì tất phải chết.

Tháng tư mùa hạ năm Kỷ-dậu, đảng ta phải trải muôn cay ngàn đắng mới quyên-góp được một số tiền nữa gửi ra, tôi đem trao hết cho một hiệu buôn Nhật để cậy họ lên mua quân-giới cho mình. Vì chúng tôi muốn bạo-động, thế nào cũng phải có ít nhiều quân-giới.

Quân-giới mua xong rồi, do Đặng-quân Tử-Mẫn bí-mật đem qua
Hương-cảng. Lúc ấy là hạ tuần tháng 5 giữa lúc tôi cũng đang ở đó. Vừa
nghe tin nước nhà đưa sang, nói rằng Hoàng-hoa-Thám tướng-quân đang
giao-chiến với Pháp-binh gắp lắm. Chúng tôi thiết-nghĩ việc cứu-viện họ
Hoàng là một việc nghĩa phải làm, không thể nào trì-hoãn được. Bởi vậy
chúng tôi nghĩ cách làm sao vận-tải được khí-giới về nước cho mau.

Muốn chở quân-giới vào đất Trung-kỳ tất phải mượn đường Xiêm la
mới được. Vì đó tôi phải tức tốc lên đường đi tới Ban-cốc, kinh-đô nước
Xiêm, tìm cách yết-kiến nhà đương-cuộc Xiêm cầu họ giúp-đỡ cho mình.

Hai quan đại-thần Lục-quân và Ngoại-giao Xiêm-quốc lúc ấy, hơi
có ý muốn giúp đảng cách-mạng ta, nhưng họ còn đang bàn-tính với nhau
chưa được nhất-quyết.

Tôi lại nghĩ đảng cách-mạng Trung-hoa thuở nay rất thạo nghề mật
chở quân-giới, cho nên tôi lật-đật từ-giã Xiêm-kinh mà đi Nam-dương, yết-kiến Chương-bình-Lân. Chính tay họ Chương viết một bức thư,giới-thiệu
tôi đi tìm kiếm một tay làm đầu đảng cách-mạng Trung-hoa để mưu với họ
giúp sức cho mình.

khi bàn-định việc nầy xong rồi, tôi đã tới một hãng tàu Trung hoa,
thương-thuyết với họ về khoản tiền tổn-phí chuyên-chở. Nếu đừng có
việc trở-ngăn, thì cái ngày giờ chuyên-chở quân-giới của chúng tôi đã định xong rồi.

Không ngờ đâu bụng mình tính một đằng mà rồi việc làm trái đi
một ngả. Trung-tuần tháng 2 năm Canh-tuất, tôi ở Nam-dương trở về thì
nghe tin nói Bảo-hộ ra tay công-phá đảng ta dữ lắm. Người chủ-não của
đảng ta ở trong nước là ông Ngư-Hải đã bị nạn, đến đỗi việc đảng vỡ-lở tứ tung. Bo nhiêu quân-giới còn giấu-đút ở Hương-cảng, vì sự đình-trễ lâu
ngày, thành ra tai tiếng thấu tới nhà đương-cuộc Anh ở Hương-cảng hay
được. Cả thảy hơn mười hòm súng đạn đều bị chính-phủ Anh tịch-thâu hết; ông Cảnh-Lâm lại vì tội phạm-cấm đó mà bị hạ-ngục.

Trời ơi ! tin hung-báo đưa tới, không khác gì con dao đâm một mũi
chí-mạng vào trong cái kế bạo-động của tôi. Nhân đó tôi có câu thơ cảmkhái như vầy :

« Ưu thế-kỷ hồ thương hải khấp,
Kinh nhân nhất chỉ ngọc sơn đồi. »

Nghĩa là :

« Lo nước bao phen sa huyết lệ,
Tin quê đưa tới luống kinh-tâm... »

Lại còn một câu nữa :

« Khả vô mãnh hỏa thiêu sầu khứ,
Thiên hựu cuồng phong tống hận tai. »
Nghĩa là :

« Đã không ngọn lửa thiêu sầu rụi,
Lại có cơn giông thổi giận thêm. »

Ấy là những câu tả rõ tình-hình cảnh-ngộ của chúng tôi lúc bấy giờ
vậy.

Từ tháng 3 năm Canh-tuất trở đi, tôi bước vào cái thời-kỳ hết sức thê-lương.

Tin-tức nước nhà, có khi vắng-bặt mấy tháng trời, tôi không tiếp dfược mảy-may nào. Vì Bảo-hộ thẳng tay làm chính-sách khám-xét thư từ và tịch-thâu tiền bạc trong nước gửi ra ngoài cho chúng tôi.

Thỉnh-thoảng có người làm dưới tàu tây qua đây nói một vài tin miệng cho mình nghe, đều là những tin-tức kinh-tâm động-phách. Nếu không phải là tin Đàm-quân Kỳ-Sanh bị đày, thì cũng là tin Lê-quân Võ bị bắt. Những tin nói đảng nhân nầy đảng nhân kia bị bêu đầu bằm xác, thường thường theo tiếng còi tàu mà đưa qua đến lỗ tai chúng tôi.

Hồi nầy người Pháp tính-cách làm oai cho đảng-nhân đang bô-đào bên ngoài phải sợ, cho nên chỉ để tiết-lậu ra ngoài những tin hung-báo cho rằng đảng-nhân nọ kia bên trong đã bị chém giết mà thôi. Thành ra những
tin-tức đau lòng đứt ruột, không ngày nào không quấn-quýt bên mình tôi.

Tôi dời về ở tỉnh-thành Quảng-châu, thế mà quan-quyền Pháp lại bỏ tiền mua chuộc bọn trinh-thám người Tàu để làm khó cho tôi. Đến đỗi tôi không dám lấy bút mực làm sinh-kế nữa. Sớm tối tôi chỉ nương-dựa vào một bà nữ-sĩ nghĩa-hiệp trên 70 tuổi đầu, làm như bà Phiếu-mẫu nuôi cơm cho tôi ăn. Than ôi ! Bà chiếu-cố tôi trong chỗ gió bụi lênh-đênh, nuôi tôi không biết bao nhiêu bữa cơm mà nói, mà không hề nghĩ tới sự mai sau, trông mình đền-đáp gì hết. Thật là Châu-mẫu Việt-thành, khiến cho tôi chết

xuống đất cũng còn mang ơn ngậm-vành kết-cỏ vậy. Bà họ Châu, tên là Bách-Linh.

Ngục Trung ThưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ