Một ngày mới khác lại bắt đầu, hôm nay Haibara theo chân một người tỳ nữ tên Băng Tâm [1] trong phủ Nhật Duật đến cửa hàng mua giấy bút nghiên mực. Băng Tâm có cha làm quan thông ngôn cho triều đình nên nàng ta cũng biết chút ít tiếng Phù Tang. Vì vậy mà Nhật Duật mới để nàng ta đi cùng Haibara. Vừa bước chân vào cửa hàng giấy bút, Haibara đã thấy phảng phất hương mực tàu cùng mùi giấy mới. Băng Tâm nhìn nàng:
- Em có biết chọn giấy mực như thế nào là tốt không? Nếu chọn loại dở về e sẽ bị tổng quản khiển trách.
- Em không. – Haibara lắc đầu – Hỏi người bán thì bao giờ họ cũng nói tốt cho hàng của mình. Chị ở trong phủ đã lâu chắc cũng biết trong phủ hay dùng loại giấy nào, e nghĩ mình cứ mua loại ấy là được chị ạ.
- Giấy tốt là giấy khi soi lên nắng có độ dàn trải đều, khong được có chỗ dày quá, chỗ mỏng quá. Độ trắng vừa phải, mặt giấy mịn. Còn mực khi cho nước vào mài không được vón cục, có độ sóng sánh và màu đen giống như thế này, khi viết lên giấy dưới ánh sáng sẽ thấy nét mực óng ánh. Đầu bút lông làm bằng lông chồn mềm như thế này là thích hợp dùng để vẽ - Băng Tâm tận tình chỉ vào đống giấy mực bày bán trong hàng, những điều căn bản cho Haibara.Sau đó Băng Tâm cùng nàng đi vòng quanh cửa hàng và mua 10 thếp giấy dọc rồi, 3 cuộn giấy lớn dùng để vẽ tranh và 30 bút lông các loại. Đến lúc ra quầy đưa ông chủ tính tiền, Băng Tâm kêu đau bụng phải đi cầu tiêu, nàng đưa cho Haibara túi tiền trong đó có 100 quan, kêu Haibara trả tiền cho ông chủ.
- Của cháu là 30 quan – Ông chủ gảy lách cách trên cái bàn tính bằng gỗ nhỏ có những hạt đầy màu sắc.
- Đây ạ - Haibara lấy từ trong túi tiền ra 3 xâu tiền đưa cho chủ quán. Hôm qua Nhật Duật tính chỉ dạy nàng một số câu như chào hỏi, tên tuổi thôi nhưng chàng không ngờ nàng lại học nhanh như vậy nên dạy được cả số đếm, đủ để hôm nay Haibara hiểu được lời ông chủ quán và trả lời ông ấy, dù phát âm của nàng chưa hoàn toàn giống như người An Nam được. Đơn vị tiền tệ ở đây, sáng nay trước khi đi, Băng Tâm cũng đã chỉ qua cho nàng.Khi Băng Tâm trở lại, thì ông chủ đã cho người đóng gói hàng rồi cho một người sai vặt giúp hai nàng đem đồ về nhà. Băng Tâm bảo ông ta, đây là số đồ Chiêu Văn vương sai nàng đi mua, ông ta hãy cho người đưa đến phủ Chiêu Văn Vương trước cho nàng khiến ông ta há hốc mồm ngạc nhiên vì không ngờ hôm nay lại có nhân vật lớn như vậy mua hàng của mình. Hàng của vương gia, em của Thái thượng hoàng, chú ruột của đương kim hoàng thượng, nào ai dám sơ sẩy.
Trên đường về, Haibara cùng Băng Tâm đi qua khu chợ. Những quầy hàng bày dưới các lán lá đầy màu sắc. Các bà các cô chít khăn mỏ quạ, mặc áo mơ ba mơ bảy dập dìu tấp nập cắp rổ đi chợ. Tiếng chào mua gọi bán rôm rả cả một góc trời. Cái nắng vàng như mỡ gà của mùa hè làm Băng Tâm phải đội cái nón quai thao. Đi qua quán hàng của một bà lão trong góc chợ, Băng Tâm níu tay áo Haibara:
- Vào đây uống miếng nước cho đỡ khát đã em.
- Nhưng em thấy chú đã sai em và chị đi làm việc thì nên đi đến nơi về đến chốn, không nên để chú ấy phải đợi – Nhật Duật dặn Băng Tâm đừng nói cho Haibara biết thân phận của mình nên nàng không ngạc nhiên khi thấy Haibara chỉ là một thư đồng nhỏ bé mà lại gọi vương gia quyền cao chức trọng như vậy.
- Ôi dào, lo gì. Nếu em sợ cứ về trước đi. Người của cửa hàng sẽ đem đồ về phủ, chỉ cần nhìn thấy thứ mình cần là đức ông hài lòng rồi – Băng Tâm phẩy tay, đoạn nàng kéo tay Haibara rồi ấn nàng ngồi xuống chiêc ghế con trước cái bàn che bầy trầu thuốc của của bà lão tóc bạc phơ như cước.
BẠN ĐANG ĐỌC
(Longfic) Đại Việt Du Ký
Tarihi KurguTruyện chưa có sự cho phép đăng lại, không reup dưới mọi hình thức cre: hocviennganhang_kenhsinhvien.vn Thể loại: vượt thời gian, cảm hứng lịch sử Tác giả: Là tôi Nhân vật chính: Các nhân vật không thuộc về tôi Ai Haibara (nhân vật này không thuộc v...