Chương 24

1 0 0
                                    


Điểm khác với đời sau là còn phải đưa tem phiếu. Kiều Vi cũng không biết nên đưa bao nhiêu, thử đặt hai ba tờ lên trên quầy. Cô gái lấy tiền kỳ quái nhìn cô, cầm lấy hai tờ từ trong đó.

Kiều Vi cũng thầm có cân nhắc số lượng sử dụng của tem phiếu.

Cô gái đưa cho cô bốn thẻ giấy có cạnh thô, hai tờ in "Hoành thánh một bát", hai tờ in "Bánh quầy một cái". Kiều Vi cầm lấy đưa cho đầu bếp ở cửa quầy, đợi một lúc, chờ cửa quầy gọi thì đi qua bưng hoành thánh và bánh quẩy về.

Hoành thánh phối với bánh quẩy, một trong những phối hợp ngon nhất cho bữa sáng.

So với hoành thánh to thường thấy ở trong tiệm ăn sáng đời sau, hoành thánh thời này gần như không thấy thịt. Nhưng mà vỏ hoành thánh cán cực mỏng, giống như cá vàng kéo cái đuôi thật dài. Lớp vỏ kia hấp thu hoàn toàn hương vị của nước canh, đầu lưỡi vừa nhấp đã tan trong miệng.

Kiều Vi trước khi chết còn dựa vào truyền dịch dinh dưỡng để sống thở dài... Chính là vì một miếng hoành thánh ngon như vậy, còn sống cũng đáng giá.

Hai mẹ con ăn ngon lành xong, Nghiêm Tương hỏi: "Mình về nhà sao?"

Kiều Vi lắc cái giỏ đan bằng nhựa: "Đi mua thức ăn."

Nghiêm Tương rất quen thuộc với chợ nông sản, nhảy nhót dẫn đường. Niên đại này không có đồ điện, đương nhiên không có tủ lạnh, hoa quả mùa hè tươi mới không thể bảo quản lâu được, về cơ bản mỗi nhà ăn ngày nào mua ngày đó, tối đa mua cho hai ngày.

Quy mô của chợ còn nhỏ hơn mong đợi của Kiều Vi nhiều, chủng loại rau cũng thật đơn điệu, tất cả là rau thông thường của phương Bắc, hoàn toàn không nhìn thấy rau phương Nam. Quầy bán thịt chỉ có một, xếp một hàng dài.

Còn nghe thấy tiếng chào hỏi liên tục. Nơi đây nhỏ bé, mọi người quen biết nhau, chợ và nhà vệ sinh công cộng đã trở thành nơi xã giao.

Ký ức nói cho Kiều Vi, phải xếp hàng mua thịt trước, nếu không thật sự có khả năng thịt đã bán hết mà còn chưa mua được.

Cô nắm tay Nghiêm Tương xếp hàng. Cũng không có người khác dẫn theo con xếp hàng, trẻ con thiếu kiên nhẫn, lắc lư, nhảy nhót hoặc ồn ào. Về cơ bản bố mẹ coi như không nhìn thấy, chờ bị làm phiền thì vung hai bàn tay.

Kiều Vi nhìn Nghiêm Tương, vừa so sánh, Nghiêm Tương thật ngoan, im lặng dựa vào bên cạnh cô.

Lúc này, thằng bé hơi giống với thiếu niên kiệm lời trầm mặc được miêu tả trong nguyên văn kia.

Giống như cảm ứng được gì, thằng bé đột nhiên ngẩng đầu lên, thấy Kiều Vi đang nhìn mình, thằng bé cười với cô. Đôi mắt sáng ngời cong cong, hàm răng trắng sạch sẽ.

Nụ cười này thật sự có thể tinh lọc tâm hồn của người trưởng thành.

Kiều Vi dùng sức xoa đầu thằng bé.

Có cô ở đây, tuyệt đối sẽ không để cho bé trai đáng yêu biến thành thiếu niên tối tăm.

Chờ mãi mới tới lượt cô, cắt một miếng thịt, có mỡ có nạc.

Bởi vì cô đến hơi muộn, thịt đã không còn nhiều. Người đằng sau còn mất hứng: "Sao mua nhiều vậy, bao nhiêu người ăn thế."

Kiều Vi nhìn miếng thịt kia, không lớn lắm. Cũng bởi vì không có tủ lạnh, không thể để lâu nên mới mua có một ít như vậy.

Cô mỉm cười: "Về nhà còn phải cắt một miếng, mua hộ hàng xóm."

Cô ăn mặc xinh đẹp, nở nụ cười ôn hòa sáng ngời, người mất hứng đằng sau cũng không tiện nói gì nữa: "À."

Kiều Vi cũng bắt đầu có trải nghiệm thiết thực về việc thiếu thốn vật tư của thời đại này.

Lại mua một ít rau, còn định mua ít hoa quả. Nhưng cô dậy hơi muộn, lại còn đi đại viện ăn sáng làm trễ nải thời gian, còn xếp hàng dài để mua thịt nữa, khi định mua hoa quả thì đã bán hết.

Đành phải thôi, âm thầm nhắc nhở bản thân vật tư của thời đại này túng thiếu như vậy, buổi sáng không thể dậy muộn, nếu không sẽ không mua được thứ tốt.

Mang theo đồ, cô dẫn Nghiêm Tương chậm rãi đi về.

Thật ra thì ra ngoài đi dạo như vậy rất tốt, ký ức về thị trấn này chậm rãi trải rộng ra, rơi xuống, từ cuộn phim biến thành hiện thực trước mắt.

Đi tới đi lui, nhìn thấy bộ phận bán hàng của cung tiêu xã.

Kiều Vi đến từ đời sau có hàng hóa rất phong phú, luôn cảm thấy chỉ xách theo một miếng thịt làm quà cho người ta rất khó coi, mặc dù biết ở thời đại này, thịt thật sự là thứ tốt, nhưng vẫn cảm thấy lễ quá mỏng.

Dù sao một nhà đoàn trưởng Triệu đã chăm sóc Nghiêm Tương mấy ngày, hơn nữa còn rất quan tâm đến thằng bé.

Nếu như ở đời sau, ai sẽ giúp đỡ quan tâm trẻ con của nhà người khác chứ, cũng không phải là thân thích. kể cả hàng xóm nhà bên cạnh họ gì không biết.

Kiều Vi vẫn quyết định đi vào trong quầy bán hàng nhìn xem. Bộ phận bán hàng rất rộng rãi, phòng không nhỏ, nhưng vừa bước vào, nhìn thoáng qua đã thấy hết toàn bộ.

Thật sự không có gì có thể mua. Chủng loại hàng hóa quá ít, cả hoa quả cũng không thấy quả nào.

Cuối cùng, Kiều Vi quyết định mua đường đỏ. Bởi vì cô nhớ mẹ của cô đã từng kể với cô rằng khi còn nhỏ có cho cô uống nước đường đỏ, đường đỏ ở thời đại đó là thứ tốt.

May mà khi ra cửa mang theo đủ loại tem phiếu, phiếu đường cũng có.

Không biết nên mua bao nhiêu, cô khiêm tốn hỏi chị bán hàng. Người bán hàng nhìn cách ăn mặc của cô và Nghiêm Tương cũng biết là gia đình quân nhân, nên nói: "Mua ba hào đi."

Vì thế Kiều Vi mua ba hào đường đỏ, dùng giấy dầu gói lại, bên trên dán một tờ giấy màu hồng nhạt, lại dùng dây nhựa cột lại.

Gói xong rồi mới nhìn thấy Nghiêm Tương đang nhìn với ánh mắt lấp lánh.

Kiều Vi buồn cười, mở ví tiền, lấy một xu tiền kim loại đặt lên trên quầy: "Cho thằng bé một miếng."

Người Đàn Ông Mang ThaiWhere stories live. Discover now