Ở châu Cổ Pháp có một ngôi chùa. Trong chùa có nuôi một con chó tới tuổi cập kê. Sau Valentine mấy tháng, nó sinh ra con chó con trắng toát, trên lưng có đốm lông đen xếp thành chữ "thiên tử". Mấy bà tám bèn kháo nhau là sang năm, tức năm con cún có hoàng đế ra đời.
Thế là người người nhà nhà thi nhau đẻ. Vừa đẻ xong lại ráng đẻ tiếp, vừa dậy thì xong cũng vội vàng đẻ, chưa chồng cũng lén đẻ. Kết quả năm Giáp Tuất (974) được mùa con nít, bội thu con nít. Lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận có nhiều con nít được làm giấy khai sinh đến như thế.
Trong một diễn biến khác, ở ngôi chùa nào đó có cô Phạm thị chuyên lo chuyện nấu nước thổi cơm, đã 20 tuổi mà vẫn ế chỏng ế trơ. Hôm ấy tắt lửa tối đèn, cô vô tư nằm ngủ, không biết thần thánh phương nào đi qua vô tình "chạm" phải làm cô có thai, năm Giáp Tuất thì sinh nở. Cuộc đời nó vi diệu lắm. Thế nên mấy mẹ có lỡ chửa hoang thì cũng chớ vội lo lắng, mấy cha hốt phải vỏ của mấy mẹ cũng chớ nên bực dọc. Biết đâu hên lại sinh được thằng con trời, còn lỡ như xui rủi sinh phải thằng con trời đánh thì lúc ấy hãy lo, hãy bực.
Quay lại chuyện chính, khi thằng cu tròn ba tuổi, cô Phạm thị thấy nuôi hết nổi mới ẵm đến chùa Cổ Pháp. Trụ trì là sư cụ Lý Khánh Vân thấy thằng nhỏ kháu khỉnh thì nhận làm con nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn.
Giang hồ đồn rằng sư cụ Khánh Vân chính là cái lão "thần thánh" năm xưa. Sư cụ bỏ ngoài tai mọi lời rèm pha, mặc kệ thói đời ác khẩu, hoặc năm xưa sư cụ có trót lỡ thật. Nhưng nói chung là sư cụ nuôi dạy thằng nhóc Công Uẩn rất cẩn thận. Tới năm 7 tuổi thì cho du học bên chùa Lục Tổ, nhận sư cụ Vạn Hạnh làm thầy. Tới lúc này giang hồ lại đồn thằng nhóc là con sư cụ Vạn Hạnh. Đậu xanh rau má, đúng là hết chuyện để tám.
Được sư cụ Vạn Hạnh dốc sức dạy dỗ, nhóc Công Uẩn lớn lên thông minh lai láng, đẹp trai rạng ngời hết cả phần người khác. Sư cụ Vạn Hạnh từng là cố vấn cấp cao của vua Đinh Tiên Hoàng, giờ lại tiếp tục làm cố vấn cấp cao của vua Lê Đại Hành. Sư cụ nói cái éo gì vua cũng tin sái cổ, há mồm ra ngáp ruồi vua cũng tưởng là đạo lý. Sư cụ vừa tiến cử thì Công Uẩn lập tức được nhét vào làm thân cận bên cạnh thái tử Long Việt, được gả cho công chúa Phất Ngân (con gái bà Dương Vân Nga), sau này sinh ra Lý Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông).
Tới năm 1005, vua Lê Đại Hành mất, bốn thằng con rách giời đánh nhau loạn xà ngầu. 8 tháng sau, thái tử Long Việt giành được ngôi báu. Ôm nhau mừng mừng tủi tủi chưa được 3 ngày thì Long Việt bị Long Đĩnh giết chết. Quan lại sợ vãi đái, hè nhau vắt giò lên cổ chạy chối chết. Chỉ riêng Công Uẩn là vẫn ở lại ôm xác Long Việt, khóc lóc thảm thiết. Cũng có thể do không kịp chạy.
Nhưng nói chung quan trọng nhất vẫn là cái thần thái. Chạy thì phải hào khí ngút trời, mà khóc lóc thì lại càng phải đẹp trai lồng lộn. Mùa xuân năm ấy, Long Đĩnh thấy Công Uẩn ngồi trước sân rồng, ôm xác Long Việt khóc rống như thủy điện Hòa Bình xả lũ thì trái tim sắt đá tan chảy. Không đem giết, cũng không đem thiến, mà đem về trọng dụng.
Long Đĩnh ngày ấy ăn ở sao đó mà mất lòng 90% dân số Đại Cồ Việt. Công Uẩn trong lòng thì ghét cái bản mặt từ hồi giết Long Việt lận, nhưng bề ngoài vẫn hết mực tận trung, lễ nghĩa. Long Đĩnh ngày càng tin yêu, cho làm tới Điện tiền chỉ huy sứ, là người bảo vệ thân cận nhất.
Trong một diễn biến khác, ở làng Diên Uẩn có cây gạo to vật vã. Vì quá cao to nên đêm ấy bị sét đánh tơi tả. Sáng hôm sau dân làng thấy trên cây có bài thơ dài ngoẵng. Theo phân tích của sư cụ Vạn Hạnh thì đại ý là họ Lý soán ngôi họ Lê. Sư cụ Vạn Hạnh hớn hở khoe với Công Uẩn thì bị Công Uẩn cho đi Tiêu Sơn nghỉ mát, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Nhưng bưng bít thế nào thì bài sấm ấy cuối cùng vẫn lọt vào tai Long Đĩnh. Hên cái Long Đĩnh đang kì sung mãn, nghe bài sấm thì nghĩ tào lao không thèm để ý. Công Uẩn ở trong triều cũng nhờ vậy yên ổn kết bè kéo cánh.
Một ngày nọ, Long Đĩnh đang say sưa gặm khế thì thấy trong mồm kêu cái cậc, đi tong quả răng cửa. Lè ra thì hóa cắn phải hột mận (cây lý là cây mận). Tới lúc này Long Đĩnh mới tin vào lời sấm tào lao kia, bèn hạ lệnh giết hết người họ Lý trong thiên hạ. Kì quặc là có ông Lý Công Uẩn lù lù một đống ngay bên cạnh thì Long Đĩnh không hề nghĩ đến. Cuộc đời vẫn thật là vi diệu. Phàm là giai đẹp thì cứ yên tâm là sẽ không bao giờ có tội.
Năm 1009, thanh niên Long Đĩnh đột ngột qua đời khi mới 24 tuổi. Đào Cam Mộc tỉ tê với Công Uẩn, bảo lên ngôi cmn đi cho thiên hạ thái bình. Công Uẩn nghe thấy thích lắm nhưng vẫn nghi ngờ nên nghiêm mặt dọa đem Đào Cam Mộc đi thiến. Đào Cam Mộc khảng khái vỗ ngực bảo: "Cứ thiến, đây không sợ". Công Uẩn thấy thế thì hòa hoãn bảo: "Ấy, đẹp giai như này. Ai lại thiến". Sau này Đào Cam Mộc trở thành phò mã. Quả nhiên Công Uẩn đã ngắm sẵn để hốt về cho con gái.
Đào Cam Mộc sau đó còn gạ đi gạ lại nhiều lần, cộng thêm quần thần nhiệt liệt ủng hộ, Công Uẩn cuối cũng cũng gật đầu. Tháng 11 năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Thuận Thiên.
Lý Công Uẩn ở Hoa Lư được một năm thì bắt đầu thấy nhà cửa chật hẹp, toàn núi với đèo. Vua bèn xuống chiếu dời đô rồi khăn gói quả mướp chuyển nhà sang Đại La cho phong thủy thông thoáng. Thuyền rồng bơi gần đến cửa thành Đại La thì thấy xa xa có con rồng vàng hớt ha hớt hải bay lên trời. Công Uẩn mấy ngày nay day trán nghĩ mãi không ra tên gì hay để đặt cho kinh đô mới, thấy thế thì phấn khởi đặt luôn là Thăng Long. Quần thần ai cũng tấm tắc khen ngầu vãi chưởng.
Lý Công Uẩn mất năm 1028, ở ngôi 19 năm, thọ 54 tuổi. Ngày ấy cũng xảy ra ít chuyện binh biến nho nhỏ gọi là loạn tam Vương. Nhưng thái tử Lý Phật Mã là dòng dõi Dương hậu Dương Vân Nga, cho nên anh rất có thần thái, xử đẹp vụ này chỉ trong chưa đầy một nốt nhạc. Chung quy lại bà Dương Vân Nga mới là trùm cuối, dù ông nào làm vua thì bà vẫn có phần.
#việt_nam_một_lịch_sử
BẠN ĐANG ĐỌC
Việt Nam - Một lịch sử
Historical FictionNhững câu chuyện lịch sử dưới đây được kể lại dưới góc nhìn và bằng ngôn ngữ có phần tào lao của mình. Mục đích là khơi gợi hứng thú cho những bạn muốn hứng thú với lịch sử dân tộc mà không tự hứng thú nổi. Vậy xin chớ dùng khuôn vàng, thước ngọc củ...