Trước khi hết trứng, bà Dương Vân Nga chỉ kịp sinh được cho ông Lê Hoàn một cô công chúa là Lê Thị Phất Ngân. Thành ra chẳng có cửa nào để cạnh tranh ngai vàng. Nghĩ cũng buồn buồn, nhưng thôi dù sao cũng đã có cú hit để đời, thế nên về sau bà yên phận đi tu.
Công chúa Phất Ngân dậy thì xong đẹp lồng lộn không kém gì má. Vua Lê Hoàn ngó khắp triều đình, thấy chỉ có mỗi Công Uẩn là sở hữu ngoại hình xứng đôi vừa lứa, không thể bị đè bẹp. Thế là anh chàng mồ côi năm nào nay hốt gọn được cô công chúa sắc nước hương trời. Quan trọng vẫn là phải đẹp trai.
Tháng 6 năm 1000, Công Uẩn khăn gói đưa vợ đi đẻ ở chùa Duyên Ninh. Trước đây có bà má Lý Nam Đế vào chùa trú bão tiện thể đẻ luôn, sau này lại có vua Lê Thánh Tông được sinh ra ở chùa Dục Khánh. Riết rồi người ta tưởng đâu chùa là cái bệnh viện phụ sản.
Quay lại chuyện chính, công chúa Phất Ngân sinh được một thằng cu kháu khỉnh, bụ bẫm, đặt tên là Phật Mã. Sau gáy cu Mã có 7 nốt ruồi xếp thành chòm sao Bắc Đẩu. Bố Công Uẩn thấy thế thì thở phào nhẹ nhõm, bảo hên sao mấy cái nốt ruồi nó không mọc giữa mặt, chứ không là nhan sắc thằng nhỏ thụt lùi.
Năm Mã 9 tuổi, bố Công Uẩn đảo chính thành công. Mã được thăng chức từ đại công tử lên đại hoàng tử. Tới năm 13 tuổi thì Mã được bố cho làm thái tử, rồi đá ra ở riêng.
Mấy năm này Mã rất năng nổ đánh đông dẹp tây, khiến bố Uẩn vô cùng hài lòng. Đợt ấy Chiêm Thành mất dạy làm cho bố Uẩn điên tiết. Mã liền được phong làm nguyên soái, dẫn quân đi hạch tội Chiêm Thành. Đại quân đi tới núi Long Tỵ, có con rồng vàng rảnh lờ không biết từ đâu hiện ra đậu chình ình giữa thuyền. Mã tính chạy qua bế nựng thì con rồng tan cmn biến.
Năm 1023, Mã lại được cử đi đánh Phong Châu. Năm 1025, quánh Diễn Châu. Năm 1027, quần tiếp Thất Nguyên. Mã đánh đâu thắng đó, lập bao nhiêu là chiến công hiển hách. Bố Uẩn cũng nhờ đó mà nở mày nở mặt với triều đình.
Hồi đi đánh Thất Nguyên, Mã quen một đạo sĩ tên Trần Tuệ Long. Mã quý Long vãi xoài nên cởi áo tặng Long. Đêm đến, có ánh sáng vàng rọi khắp đạo quán. Long chói mắt ngủ không được, dậy hóng hớt tình hình thì thấy có con rồng vàng rảnh lờ đang cuốn quanh, hít hửi cái áo Mã tặng. Giang hồ bắt đầu kháo nhau rằng con trai bố Uẩn đi tới đâu rơi vãi rồng vàng tới đó, đích thực là thiên tử.
Mã không chỉ giỏi võ, giỏi đánh trận, mà khi buồn buồn còn biết làm thơ, lúc cần gặp gái thì có thể ca hát, gảy đàn. Thi thoảng nổi hứng còn biểu diễn bắn cung bách phát bách trúng cho bố Uẩn coi. Nói chung vào cái thời ấy, Mã chính là bạn trai quốc dân mà mọi cô gái ở Thăng Long đều mơ ước, được đàn bà cả nước gọi là "chồng". Quả nhiên sau này làm vua, Mã lập được tới tám bà hoàng hậu, chỉ chịu thua kém bố Uẩn đúng một bà.
Năm 1028, bố Uẩn bệnh nặng. Chạy chữa không ăn thua, thái y bảo bố Uẩn chỉ còn hít thở được vài cái. Quần thần động viên Mã cố gắng nén đau thương để lên nối ngôi. Trong khi Mã vẫn đang cố nén đau thương thì mấy thằng em Mã đã nén xong. Chúng nó nghĩ Mã là cái quái gì mà được làm vua.
Khi bố Uẩn hết thở, Mã quắn mông lo ma chay. Trong lúc tang gia bối rối, ba thằng em Mã là Vũ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương cùng kéo quân tới vây thành, giành ngôi báu của Mã. Vũ Đức chực ở trong, Đông Chinh và Dực Thánh chầu bên ngoài, chỉ chờ Mã thò cổ ra là chém.
Mã ngó thấy Vũ Đức đi đám ma bố mà lên đồ lồng lộn như đi hội thì hiểu ngay, lập tức hạ lệnh chốt hết cửa nẻo. Lúc ấy Mã bực lắm, nhưng Mã sắp làm vua rồi, phải giữ hình tượng. Lê Phụng Hiểu biết vậy nên quát tháo Vũ Đức vương hộ Mã rồi phi ngựa lên chém chết toi Vũ Đức. Đông Chinh với Dực Thánh rình bên ngoài nghe thấy Vũ Đức kêu "Á" một cái rồi tịt họng thì sợ quắn tờ rim, vội vàng vắt giò lên cổ chạy.
Tháng 4 năm 1028, tức 1 tháng sau ngày bố Uẩn mất, Mã lên ngôi, lấy hiệu Thiên Thành.
Hồi ấy, Khai Quốc vương, tức một thằng em khác của Mã, đóng ở Trường Yên xa xôi. Không rõ đầu cua tai nheo ra sao, chỉ nghe giang hồ đồn Mã giết Vũ Đức thì điên tiết dẫn quân đi hỏi tội. Mã lại thân chinh đi dẹp loạn. Khai Quốc vương tưởng cứng thế nào, vừa nghe Mã kể lể bọn kia nó hư thì lập tức giơ tay đầu hàng. Mã thích giữ hình tượng lắm, nên đầu hàng là Mã tha, lại làm Khai Quốc vương tiếp.
Đông Chinh với Dực Thánh núp trong rừng rú mấy tháng nay, khổ không thể tả, giờ nghe tin thế thì hớn hở dắt tay nhau về đầu hàng, nhận tội. Mã cũng tha luôn. Bố Uẩn ở dưới suối vàng thấy thế cũng cười toe toét.
Sau vụ này, Mã liền lập ra cái hội thề Đồng Cổ. Hàng năm, các vương hầu, quan lại phải tới đền Đồng Cổ ở làng Yên Thái, thề thốt rằng:
"Làm tôi bất trung
Làm con bất hiếu
Thần minh tru diệt"Đứa nào không đi thề mà trốn ở nhà ngủ, Mã cho đánh đít 50 cái.
Tháng 9 năm 1054, sức khỏe của Mã yếu đi nhiều. Mùa đông năm ấy rét quá nên Mã không qua khỏi. Mã băng hà ở điện Trường Xuân, thọ 54 tuổi. Trong 27 năm ở ngôi, Mã lấy đức trị quốc, dẹp loạn họ Nùng, sát phạt Chiêm Thành, rất xứng đáng là một trong những hoàng đế quốc dân.
#việt_nam_một_lịch_sử
BẠN ĐANG ĐỌC
Việt Nam - Một lịch sử
Historical FictionNhững câu chuyện lịch sử dưới đây được kể lại dưới góc nhìn và bằng ngôn ngữ có phần tào lao của mình. Mục đích là khơi gợi hứng thú cho những bạn muốn hứng thú với lịch sử dân tộc mà không tự hứng thú nổi. Vậy xin chớ dùng khuôn vàng, thước ngọc củ...