Nhà họ Lý ở Đại Cồ Việt có truyền thống đẹp trai lâu đời. Anh người yêu quốc dân, tức thái tử Lý Phật Mã, lấy vợ vào thì cũng sản xuất được một thằng cu rất "ra gì", cầm tinh con lợn (1023), đặt tên là Lý Nhật Tôn. Năm 1028, ông nội Công Uẩn mất, bố Phật Mã bắt đầu trở thành hoàng đế quốc dân, Nhật Tôn cũng được phong làm thái tử. Lúc ấy Nhật Tôn mới lên 6, vừa hay tới tuổi thay răng, chẫng nguyên 4 cái. Trước khi lên nhận ấn thái tử thì bố Phật Mã dặn đi dặn lại là chỉ được nhoẻn miệng cười, vui thôi đừng vui quá.
Nhật Tôn tí tuổi đầu đã tinh thông thơ ca, nhạc họa, võ nghệ cao cường, nhìn phát nhận ra ngay con trai bố Phật Mã, không lẫn đi đâu được. Nhật Tôn được bố Mã nuôi không đến năm 10 tuổi thì bị đá ra ngoài lập nghiệp, phong tước Khai Hoàng vương. Nghề thái tử suy cho cùng cũng vô cùng vất vả.
Dạo ấy dân Lai Châu rảnh rỗi sinh nông nổi, tỏ thái độ lồi lõm với triều đình. Năm 1037, bố Mã tức giận thân chinh đi dẹp loạn. Nhật Tôn năm ấy vừa tròn 15 tuổi, được phong hẳn chức Đại Tướng quân, oai như cóc cụ. Năm 1039, bố Mã lại đi tẩm quất anh Nùng Tồn Phúc ở tận vùng Tây Bắc. Nhật Tôn năm ấy đã 17 tuổi, lớn đầu rồi nên không được bố Mã dắt theo nữa mà bị bỏ lại trông nhà, làm giám quốc và chăm lo triều chính.
Dần già, bố Phật Mã bắt đầu cảm thấy làm vua mà cứ tót lên ngựa chạy qua chạy lại thì không ra thể thống gì, hỏng hết cả hình tượng. Thế là từ đó công việc dẹp loạn được sang tên hẳn cho Nhật Tôn. Năm 1042, Nhật Tôn dẹp Lạng Sơn, năm 1043 dẹp Thanh Hóa. Hồi ấy làm phản là trào lưu rất được giới trẻ ưa chuộng. Chỉ khổ thân Nhật Tôn, cứ vừa tụt xuống khỏi lưng ngựa là đã lại phải tất tả leo ngược trở lên.
Cuối năm 1043, bố Mã nổi hứng giở sổ sách ra coi thì phát hiện Chiêm Thành 16 năm nay không thèm cống nạp. Trời lạnh sun tờ tim đã khiến bố Mã khó ở sẵn, lại gặp ngay bọn Chiêm Thành lầy lội. Thế là vừa ăn dứt mồm cái tết năm 1044, bố Mã đã thây kệ thể thống, dẹp phứt hình tượng, lập tức thân chinh đi dằn mặt. Nhật Tôn lại được dịp rảnh rỗi ngồi trông nhà, coi cá kiểng.
Mùa hè năm 1054, thời tiết nóng bức khó chịu như đấm vào mặt, khiến bố Mã đã già lại càng thêm yếu. Nhật Tôn liền được cho ra ngồi chầu, cùng bá quan văn võ tám chuyện quốc gia đại sự. Mùa thu năm ấy, bố Mã dứt áo đi theo ông nội Uẩn. Nhật Tôn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Long Thụy Thái Bình. Sử gọi là Lý Thánh Tông.
Từ hồi còn làm thái tử, Nhật Tôn đã cảm thấy cái tên nước là Đại Cồ Việt nghe quê quê. Vừa lên ngôi, việc đầu tiên Nhật Tôn làm là dẹp phứt chữ "Cồ", đổi tên nước thành Đại Việt. Bá quan văn võ đều tấm tắc khen Đại Việt đọc thấy sang mồm hơn hẳn, khiến Nhật Tôn hí hửng mất mấy ngày.
Nhật Tôn là vị hoàng đế nổi tiếng thương dân như con. Mới lên ngôi 1 năm, Nhật Tôn đã cho cắt tô thuế còn một nửa, giảm nhẹ các hình phạt. Thậm chí còn cho phép những người bị phạt đánh đít được nộp tiền để giảm tội.
Nhật Tôn không chỉ thương dân, mà còn thương luôn cả những đứa bị tước quyền công dân. Mùa đông năm 1055 lại là một mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Nhật Tôn ngồi trong cung, sưởi than 24/24, mặc áo hồ cừu mà hai hàm răng vẫn đánh vào nhau lập cập. Tự yên Nhật Tôn nghĩ tới những tù nhân bị trói, bị đói, ăn mặc rách nát thì thấy thương không thể tả. Nhưng thôi cứ tả:
"Trẫm ở trong cung, sưởi than, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù nhân giam trong ngục, bị trói, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Lại có những người tra hỏi chưa xong, gian ngày chưa rõ. Lỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm thay."
Tả xong, Nhật Tôn bèn hạ lệnh lấy chăn chiếu cho tù nhân nằm và ngày cho ăn 2 bữa đầy đủ.
Vốn là vị vua yêu thích những sáng tạo đột phá, năm 1059 Nhật Tôn áp dụng quy chế triều phục cho bá quan. Thay vì tự do khoe cá tính như trước, thì nay quan lại vào chầu phải đội mũ cánh chuồn và đi hia. Triều đình từ đó trông cũng chuyên nghiệp hơn hẳn.
Nhật Tôn thương dân như con, nhưng vẫn biết phân biệt con mình và con thằng hàng xóm. Vì vậy Nhật Tôn rất tích cực cho quân sang chọc ngoáy Đại Tống và sát phạt Chiêm Thành. Diễn biến thì đã được tường thuật cụ thể trong bài Lý Thường Kiệt_Đánh Tống, bình Chiêm. Kết quả, Đại Tống phải thừa nhận Chiêm Thành là chư hầu của Đại Việt, đồng thời cấm tiệt mấy thằng canh biên giới tỏ thái độ lồi lõm với Đại Việt. Chiêm Thành và Chân Lạp từ đó cũng tích cực cho người sang cống nạp, quà cáp hơn trước.
Năm 1072, Nhật Tôn qua không nổi cái nạn 49 tuổi, băng hà ở điện Hội Tiên.
Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi. Mẹ cả là Thượng Dương thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi và thái sư Lý Đạo Thành cùng trông coi chính sự, khởi nguồn cho một phen sóng gió ngập đầu.
#việt_nam_một_lịch_sử
#triều_lý
#lý_thánh_tông
#ỷ_lan_nguyên_phi
BẠN ĐANG ĐỌC
Việt Nam - Một lịch sử
Historische RomaneNhững câu chuyện lịch sử dưới đây được kể lại dưới góc nhìn và bằng ngôn ngữ có phần tào lao của mình. Mục đích là khơi gợi hứng thú cho những bạn muốn hứng thú với lịch sử dân tộc mà không tự hứng thú nổi. Vậy xin chớ dùng khuôn vàng, thước ngọc củ...