32. LÝ THIÊN TỘ_Hào quang cuối cùng

892 56 1
                                    

Năm con Rồng vàng rảnh lờ 1136, hoàng tử thứ 2 của vua Lý Thần Tông ra đời, tên cúng cơm là Lý Thiên Tộ. Khi Tộ lên 3 tuổi, bố Hoán sau vài năm dặt dẹo cuối cùng cũng chịu hấp hối. Thái tử Thiên Lộc tuy là trưởng nhưng lại do nô tỳ sinh ra. Bà má Tộ là Cảm Thánh phu nhân bèn dựa vào việc này để mè nheo bố Hoán truyền ngôi cho Tộ. Bố Hoán sắp thăng nên cũng mát tính, đồng ý liền.

Nhưng bố Hoán đồng ý không có nghĩa là quần thần cũng Ok. Quần thần trông thấy Tộ lùn một mẩu, tung tăng chạy nhảy, thi thoảng còn rỏ dớt lòng thòng thì chán hết cả người. Thế là quần thần bèn đồng lòng tôn Lý Dương Côn, một người con nuôi khác của ông nội Càn Đức, lên làm hoàng đế.

Cảm Thánh phu nhân lúc bấy giờ đã cắm sừng lên đầu Thần Tông. Sừng của hoàng đế đương nhiên cũng phải ăn đứt sừng của bách tính. Đỗ Anh Vũ vừa đẹp trai lồng lộn, lại tài văn võ toàn tài, trong tay còn nắm giữ binh quyền. Đỗ Anh Vũ giúp Cảm Thánh phu nhân hạ bệ Lý Dương Côn, dẹp sạch chướng ngại. Lý Dương Côn khi bị lưu đày chỉ có thể ấm ức rủa chẳng qua đen thôi, chứ đỏ quên đi. 

Tháng 9 năm 1138, Tộ lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Lý Anh Tông. Má Tộ được tôn, hoặc tự mình tôn, là Hoàng Thái hậu, buông rèm nhiếp chính. Năm 1138, Đỗ Anh Vũ được phong là Phụ quốc thái úy và được ban quốc tính, tức họ Lý. Xưa có thái úy Lý Thường Kiệt, nay có Anh Vũ. 2 ông Lý Thái úy đều như hoa như ngọc, tài giỏi đúng chuẩn con nhà người ta.

Thiếu đế còn nhỏ dại, Thái hậu và Thái úy nắm hết quyền hành, thành ra không phải kiêng nể bố con thằng nào, công khai khởi nghiệp. Đỗ Anh Vũ cũng ỷ quyền mà lộng từ hậu cung ra tới tiền triều. Quần thần bất bình nhưng cũng không dám ho he.

Năm 1150, Tộ 15 tuổi, đã sớm không còn chạy lông nhông và rỏ dớt. Thế nhưng Đỗ Anh Vũ vẫn ỷ vào Thái hậu mà lộng hành. Tướng quân Vũ Đái thấy chướng mắt vãi xoài nên hợp tác với Dương Tự Minh và Trí Minh Vương, dẫn cấm quân vào cung, ép Tộ lấy chiếu chỉ, bắt giam Đỗ Anh Vũ.

Phen này Đỗ Anh Vũ tưởng đâu ngỏm chắc rồi. Nhưng xưa nay anh hùng khó qua ải mĩ kim. Khi Thái hậu đem mấy cân vàng sang đút lót thì Vũ Đái bèn hớn hở tha chết cho Đỗ Anh Vũ. Theo nghị luận của quần thần, Tộ xuống chiếu giáng Anh Vũ làm Cảo điền nhi, chuyên cày ruộng cho vua.

Anh Vũ đi làm “lông rân” khiến thái hậu mất đi đối tác khởi nghiệp, buồn bực vô cùng. Thái hậu bèn nhiều lần cho mở hội lớn để đại xá phạm nhân. Cuối cùng người “lông rân” Anh Vũ cũng được vào danh sách xá tội, thậm chí còn được khôi phục chức Thái úy một cách thần kì.

Phục chức không lâu, Anh Vũ bèn tâu với Tộ là bọn Vũ Đái lúc trước tự ý dẫn cấm quân vào cung, tội éo thể tha được. Tộ cũng không ưa gì Anh Vũ, cảm thấy mình đang bị ăn hiếp. Nhưng bấy giờ Vũ Đái vẫn đang bận phát tài nên chả để ý gì, thành ra Tộ thế cô, buộc phải nghe lời Anh Vũ, xuống chiếu bắt giam Vũ Đái và đồng bọn. Lúc Vũ Đái tỉnh ra, ngẩng mặt khỏi đống vàng thì đã hết hồn thấy mình đang ở trong nhà lao.

Đợt ấy Anh Vũ trả thù vô cùng tàn khốc. Vũ Đái và hơn 20 người bị chém bêu đầu, bọn thái giám tiếp ứng trong cung thì bị đem bị tùng xẻo, Dương Tự Minh thì bị lưu đày. Ngoài ra còn một loạt thành phần liên quan bị giáng tước, tiết kiệm được bao nhiêu là bổng lộc.

Năm 1158, quyền thần Đỗ Anh Vũ cuối cùng cũng chịu lên bàn thờ ngồi. Thái hậu lộng nửa cuộc đời, tới lúc này cũng đã cảm thấy buông rèm nhiếp chính chả còn gì thú vị, nên trao lại quyền hành cho Tộ.

Tộ 23 tuổi, làm vua ngót 20 năm, vậy mà lần đầu tiên được tận tay sờ vào việc triều chính. Trong triều có đại thần vừa ngỏm tỏi, mẫu hậu thì buồn rầu, Tộ cũng biết không nên mừng nhưng vẫn kìm lòng không đậu mà thấy mừng bỏ mẹ lên được. Tộ tha hồ bung lụa, trọng dụng một đống nhân tài như Tô Hiến Thành, Lý Công Tín, Hoàng Nghĩa Hiền,… Tô Hiến Thành hầu như cân hết việc đánh dẹp, thao luyện binh sĩ, kén chọn hiền tài,…

Năm 1170, Tộ cho lập Xạ Đình để tập cưỡi ngựa, bắn cung. Dĩ nhiên là tên, cung đầy đủ chứ không phải tập chay như xạ thủ bây giờ. Năm 1171, 1172, Tộ còn làm một tour du lịch lên các vùng núi cao, tham thú cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu của nhân dân. Nhờ những nỗ lực bung lụa của Tộ mà Đại Việt hơi cắm đầu xuống đất vào thời vua Thần Tông cuối cùng cũng có thể hiên ngang ngóc đầu lên.

Hồi ấy Tộ mê mẩn cô Từ Nguyên phi khiến hoàng hậu ghen lồng ghen lộn. Hoàng hậu bèn nghĩ ra một sáng kiến đó là xui con trai là thái tử Long Xưởng đi quyến rũ cô Từ hòng đổ cho cô tội mất dạy, cắm sừng hoàng đế. Long Xưởng tự tin mù quáng vào nhan sắc nên mạnh dạn đi quyến rũ cô Từ. Ngờ đâu cô Từ không mê nổi, lại còn đi mách lẻo với Tộ. Tộ nổi trận lôi đình, phế truất Long Xưởng xuống làm Bảo Quốc vương, cam cái tội biến bố mày thành con tê giác. Tộ kể cũng đáng thương, nguyên cái cuộc đời hầu như xoay quanh việc cắm sừng.

Đầu năm 1175, Tộ lập con trai thứ 6 Lý Long Cán làm thái tử, giao cho Tô Hiến Thành dạy dỗ kiêm vú em, vì Long Cán lúc này mới lên 3. Ít lâu sau Tộ ốm nặng, hoàng hậu hi vọng Tộ sắp chết thì cũng mát tính như lúc bố Hoán sắp chết, nên nhiều lần xin xỏ cho Long Xưởng làm thái tử. Nhưng hễ Tộ cứ nghĩ tới con tê giác thì lại không thể nào mát tính nổi, mắng: “Làm con mà không biết kính trọng đấng song thần thì sao làm ông vua yêu dân được.”

Tháng 7 năm 1175, Tộ thở nốt hơi cuối cùng tại điện Thụy Quang, thọ được 40 mùa khoai. Thái tử Long Cán lên ngôi, sử gọi Lý Cao Tông. Triều Lí từ đây bắt đầu trượt dài trên con đường dẫn tới họa diệt vong.

Fanpage: SĂN MỘ

#việt_nam_một_lịch_sử
#lý_anh_tông
#lý_thiên_tộ

Việt Nam - Một lịch sửNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ