Câu chuyện thứ mười ba

1.1K 82 47
                                    

Cậu bước vào sân, bắt đầu bài tập khởi động trước trận đấu.

Khán đài chẳng còn chỗ trống, hai sắc đỏ - tím đối lập ngập tràn khán đài.

Hàng Đẫy- thánh địa của Hà Nội FC.

Trận chiến của những kẻ vốn là tri kỉ.

Có lẽ chẳng có đội bóng nào thân thiết và hiểu nhau như Hà Nội và HAGL, gần như toàn bộ cầu thủ của hai đội đều từng đứng cùng nhau trong một màu áo. Họ hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc, từ bóng đá, sở thích cho đến tính cách.

Dù là thói quen đi bóng, ưu thế, nhược điểm... đều không thể qua mặt nhau.

Cậu biết, có bao nhiêu cặp mắt đang nhìn về trận đấu này.

Người ta đang chờ đợi một kết cục thất bại của HAGL, của những đứa trẻ chơi bóng bằng thứ suy nghĩ non nớt, và của cậu.

Công Phượng đã là cái tên của thì quá khứ. Bây giờ, là Quang Hải.


Mười chín tuổi, Công Phượng ngạo nghễ đứng giữa Mỹ Đình, là trung tâm của mọi tiếng ca tụng, ghi những siêu phẩm, vực dậy lòng tin của cả một nền bóng đá.

Cũng năm mười chín tuổi, Công Phượng chỉ có thể trốn trong phòng rơi nước mắt, không dám để lộ sự yếu đuối của mình cho bất kì ai. Vì cho rằng cậu gian lận tuổi, người ta đến tận bia mộ người anh trai yêu quý của cậu để "điều tra"; để rồi sau khi buộc phải xác nhận những cáo buộc đó là vô nghĩa, người ta thậm chí tiết kiệm cả một lời xin lỗi, mặt dày gọi hành động của mình là "tìm sự thật", mà sự thật là cậu không gian lận, thế thôi.

Hai mươi tuổi, lần đầu tiên Công Phượng được gọi vào đá Seagame. Năm đó, đội không thành công, các anh lớn rơi nước mắt tiếc nuối vì đó đã là kì Seagame cuối cùng của họ.

Hai mươi tuổi, cũng là Công Phượng lao đao vì mối tình đầu. Người khác có thể yêu, còn tình yêu của cậu lại là tội lỗi.

Công Phượng, gần hai mươi mốt tuổi, bắt đầu thử thách bản thân bằng một hợp đồng đến một nền bóng đá lớn hơn, chuyên nghiệp hơn rất nhiều; để rồi không lâu sau đó, tuổi hai mươi mốt chính thức chào cậu bằng một cú ngã làm gãy xương quai xanh- ở phút cuối cùng của một trận đấu cho đội tuyển trẻ quốc gia.

Hai mươi mốt tuổi, Phượng đến Nhật, bắt đầu bằng những chuỗi ngày phải nhờ người khác gội đầu, bằng đội bóng mới và những trải nghiệm rất mới ở một đất nước phát triển nhất châu Á. Người ta bảo rằng Công Phượng sang Nhật để phát tờ rơi.

Hai mươi hai tuổi, Công Phượng trở về Việt Nam, trở về với chiếc băng đội trưởng và chật vật tìm lại cảm giác thi đấu đỉnh cao. Rất may mắn, đồng đội chưa bao giờ bỏ rơi cậu.

Hai mươi hai tuổi, cậu và đồng đội nhận quả đắng trong sự nghiệp- thất bại từ vòng bảng của một kì Seagame- sau tất cả những kì vọng vào một tập thể trẻ nhưng không hề thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Đã có rất nhiều nước mắt rơi, nhưng không có sự tha thứ, người ta bảo cậu giải nghệ đi, còn đá làm gì nữa... Đó cũng là kì Seagame cuối cùng của cậu, một trong những mục tiêu lớn nhất từ ngày bắt đầu được đào tạo chuyên nghiệp đã tan thành mây khói.

Những ngày cuối của tuổi hai mươi hai, cậu thi đấu tốt ở một giải giao hữu trước thềm U23 châu Á. Người ta cười khẩy, bảo rằng Công Phượng chỉ là cầu thủ lớn của những trận giao hữu.

Sinh nhật hai mươi ba tuổi của cậu và Đức Huy được tổ chức sau một chiến thắng lịch sử. Giữa những vui mừng và tung hô, một chút đắng chát vẫn còn đọng lại: ai biết được khi nào họ lại quay lưng?

Hai mươi ba tuổi, ngày trở về từ Thường Châu, giữa những vinh quang của đồng đội, người ta lại thương hại sự lạc lõng của một người đã từng là người hùng. Người ta hỏi bố mẹ, đồng đội, bạn bè của cậu xem liệu cậu có buồn không. Để làm gì?

Hai mươi ba tuổi, khi những đồng đội trẻ loay hoay giữa quá nhiều sự chú ý, người ta bảo họ rằng "Học hỏi Công Phượng đi". Ơ hay, từ bao giờ cậu lại thành hình mẫu? Học gì ở cậu đây, cách để trở nên chai sạn ư?

Hôm nay, ở đây, cậu biết người ta vẫn đang chờ một Công Phượng bất lực trước khung thành đội chủ nhà.




Hoàng Anh Gia Lai thua thật, thua đậm, trong một thế trận không thể kiểm soát. Thậm chí, một bàn thắng danh dự cũng quá xa vời.

Sau trận đấu là những cái vỗ vai, ôm siết từ những "đồng đội từ bên kia chiến tuyến".

Đông Triều cười buồn trong cái ngày nó trở lại với V-league.

Xuân Trường ái ngại nhìn cái chân đang chườm đá của Duy Mạnh.

Một kết thúc chả có gì vui vẻ cho cả hai bên.




Cậu lặng lẽ trở lại phòng thay đồ.

Buồn lắm chứ!

Nhưng ngã ở đâu thì phải đứng dậy từ đó.

Như thế này đã là gì? Nếu gục ngã thì cậu đã ngã từ lâu.

Không phải là bây giờ, càng không phải như thế này!



P/s:

Vốn đã đoán trước là trận này HAGL khó mà không thua, Hà Nội vốn mạnh hơn toàn diện; nhưng vẫn khó chịu vì cái thế trận kiểu này.

Đáng lẽ trận đấu đã đẹp hơn, cống hiến hơn rất nhiều nếu không có cú vào bóng đó. Tăng Tiến bị thẻ đỏ là đáng, HAGL thua cũng hoàn toàn xứng đáng, nhưng hai đội đã hoàn toàn có thể thể hiện một bộ mặt khác hơn rất nhiều.



Những mẩu chuyện nhỏNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ