Quân Cờ ( phần 2 )

291 11 0
                                    

Tác giả : Isis

Trên đời đã từng có một người con gái mạn ngược là Lý Thị Nam, sau khi kết hôn được biết đến với cái tên Lý Thị Kim Nga. Nghe đồn đâu chính chồng nàng đổi cho như vậy, nói cái tên đó mới xứng với nàng.

Lý Thị Nam cho rằng cuộc hôn nhân của mình là sự nực cười nhất trong những sự nực cười. Khi đó, nàng mới mười bảy tuổi. Giờ sống qua bao nhiêu năm tháng mới ngẫm ra rằng, chuyện ấu trĩ năm xưa ấy thực ra chỉ là sự bắt đầu của một chuỗi nực cười nối tiếp nhau, cười đến rơi nước mắt. Lý Thị Nam vẫn nghĩ rằng, may mình ít tuổi hơn Thái Tổ Cao hoàng đế[1] (lúc đó đang được biết đến với danh xưng Bình Định vương) quá nhiều, nếu không chắc bố nàng cũng sẽ học người ta, dâng nàng lên làm vợ lẽ cho ngài, hy vọng chấm mút được gì từ những phe phái đang dần hình thành.

"Chim khôn chọn cành mà đậu. Không chọn một phe cho mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đè chết." - đó là lý lẽ của bố nàng.

Theo nghĩa quân Lam Sơn đã vài năm, nhận mệnh lo lương thảo, ghi được chút công trạng, có khi tất cả những lẽ ấy đã làm nảy ra trong đầu bố Lý Thị Nam - lúc đó đang là tù trưởng cai quản một vùng miền núi phía Bắc - những mưu toan đó. Hẳn nhiên ai cũng biết người được nhiều kẻ nhắm đến nhất để đón ý, muốn làm cho đẹp lòng chính là vị thủ lĩnh thao lược họ Lê tên Lợi. Nhân việc Bình Định vương lúc ấy mới chỉ có một vị phu nhân là Trịnh Thị Lữ, Phạm Hoành, Phạm Vấn người là bố, kẻ là anh đã nhanh tay dâng con gái, em gái mình là Phạm Thị Ngọc Trần cho ngài. Miệng nói là thành ý, muốn tác thành lương duyên tốt đẹp nhưng ai cũng ngầm đoán định ra những mưu tính ẩn đằng sau bước đi ấy. Một hòn sỏi ném xuống mặt hồ tưởng như phẳng lặng liền làm dậy lên những đợt sóng vốn chỉ ngấm ngầm, tạo ra muôn vàn những vòng tròn đồng tâm loang ra mãi. Những người xưa nay không tính toán hay đóng kịch vờ như chỉ lo chuyện quân, chuyện nước bắt đầu rì rầm bàn tán, bắt đầu cái sự người ta gọi là chia bè kéo cánh, tính kế chia chác lợi lộc về sau sao cho có lợi nhất cho mình.

Lý Thị Nam biết tỏng bố tự nhiên dẫn con gái theo trong lần xin yết kiến tại quân doanh năm ấy là mong kết thông gia với Bình Định vương, gả nàng cho người đang có tiền đồ nhất còn lại trong nghĩa quân. Hình như người mà ông nhắm đến là Lê tướng quân, cũng là con trai trưởng của Lê Lợi. Nước cờ này ông cụ tự cho mình là thông mình, là thức thời. Cái sự tiến thân của đám đàn ông xem ra có rất nhiều cách và đàn bà, con gái bao giờ cũng là một nước đi an toàn, được là được mà mất thì cũng chẳng gọi là mất.

Sở dĩ Lý Thị Nam chỉ biết lờ mờ người đó là Lê tướng quân bởi dân địa phương vì oai dũng nức tiếng của chàng mà không ai dám gọi thẳng tên. Người đó tròn méo, tuổi tác, tính cách ra sao nàng cũng chẳng biết, càng không quan tâm. Thực lòng, Lý Thị Nam mong người thanh niên ấy nhìn thấy nàng thì nên chán ghét, nếu có ai đó vừa mắt rồi thì càng hay. Nàng không muốn biến mình thành một quân cờ, càng không muốn biến người khác thành kẻ ngốc cho mấy lão già xâu xé, chia nhau chấm mút, mưu chuyện bè phái xung quanh.

"Nhỡ người ta không thích con thì sao? Bố không thấy như thế rất mất mặt à?"

"Nhan sắc của con đâu đến nỗi. Chỉ là xem mặt cho đôi bên lấy chỗ qua lại. Chuyện không đến đâu thì ta lại về. Con đừng quan trọng quá như vậy!"

Truyện Ngắn Dã Sử Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ