XI. Ẩn ý 2
Hán tử hắng giọng, nghĩ hồi lâu, lúc sau mới trầm giọng xuống, bắt đầu nói:
- Khoan nói tới việc có yêu nghiệt hay không, chỉ xét riêng tới lão tiên sinh kể về bốn Hoàng tử. Trước kia trong kinh vẫn nói Đại Hoàng tử hiền hậu, Nhị Hoàng tử tuấn tài, Tam Hoàng tử phong lưu, Tứ Hoàng tử lạnh bạc. Nay qua một hồi huyết tẩy, hiền đệ thấy những lời trên thế nào?
Tứ Hoàng tử gõ ngón tay trên bàn, im lặng rồi nói:
- Toàn sai?
Hán tử lắc đầu mà cười:
- Không đúng, chính xác hơn thì trừ Nhị Hoàng tử ra, những lời trên đều sai!
Tứ Hoàng tử giật mình ngẫm lại, quả đúng như vậy!
Hán tử nói tiếp:
- Nhắc tới Đại Hoàng tử, làm người âm hiểm giả dối, bất hiếu bất nghĩa khiến người ta giận sôi, nhưng một câu "cha chưa từng nhìn con" lại làm thiên hạ không thể không nghĩ "kẻ đáng giận tất có chỗ đáng thương". Trăm sự lấy công bằng làm đầu, bi kịch gây ra há không phải một phần do bàn tay ngón dài ngón ngắn? Nhị Hoàng tử hôn mê bất tỉnh, chưa nói do trúng độc hay do yêu nghiệt, chỉ bằng một lời tiên tri "nếu có chuyện xảy ra liền đưa tới tay Tứ Hoàng tử" khẳng định con mắt nhìn sâu xa, những lời khen trước đây không hề là giả dối. Tam Hoàng tử nói thẳng ra là kẻ vô năng, nay tài năng nhân phẩm mọi mặt đều hoàn hảo, chẳng phải là lòng dạ sâu không lường được sao? Lại nói, "Công đầu thuộc về Tứ Hoàng tử", nay Đại Hoàng tử tự ải, Nhị Hoàng tử hôn mê, Tam Hoàng tử sâu không lường được nhưng cũng giao trả binh quyền, xin về đất phong trọn đời không đặt chân lại kinh thành, há chẳng phải ý rằng Tứ Hoàng tử là người được lợi nhiều nhất ư?
- Mở đầu bằng bốn câu "yêu nghiệt", đến lúc cuối lại chẳng nói yêu nghiệt là thật hay là giả, chỉ niệm một câu của Phương trượng đại sư: "yêu nghiệt ở trong lòng", thật khiến người ta nghi ngờ. Phải biết rằng đến giờ Nhị Hoàng tử vẫn còn hôn mê!
Nói đến đây, bỗng hán tử phá lên cười, uống liền một lúc ba chén rượu rồi nói:
- Tính ta hay suy nghĩ linh tinh, nhiều lúc làm lầm ý tốt của người khác, hiền đệ nghe đừng để trong lòng, cứ cho là lời của kẻ say đi!
Nói xong lại rót thêm mấy chén rượu nữa:
- Khà, rượu ngon! Hiền đệ có biết vì sao quán trà này tên Tửu Trà quán không?
Tứ Hoàng tử nghe thấy hắn lảng đề sang chuyện khác, cũng cười xòa nói theo:
- Tiểu đệ ngu dốt, mong hiền huynh chỉ bảo!
- Hà hà, truyện này phải kể lại từ lúc trước, khi Tửu Trà quán cũng mới mở ban đầu, nghe nói tổ tiên của lão chủ quán đây vốn là người giang hồ, cũng từng đao thượng liếm huyết mà sống. Năm ba mươi tuổi mới lấy vợ vẫn còn lăn lộn trong giang hồ, tận tới năm năm sau sinh con trai đầu lòng, vị tổ tông này mới cảm thấy nên hoàn lương ở nhà giúp vợ nuôi con, bởi vậy đem tích cóp mở ra một trà quán, lại do chữ to không biết một cái, liền đặt luôn tên quán là Trà quán. Có điều, nhân ở giang hồ, thân bất do kỉ, vị tổ tông này tuy đã rời khỏi giang hồ, lại không có ân oán chi, nhưng cũng không thiếu hồ bằng cẩu hữu tới quán. Những người này vốn thô lỗ từ trong cốt, không biết cái gì gọi là phẩm trà, đừng nói đến thanh tao, cao nhã gì đấy, tới quán đều mồm to uống rượu, cười nói rầm rĩ. Lúc này, có khách tới uống trà thấy cảnh ấy liền cười mà nói:"Xem này, mang tiếng Trà quán mà sực nức mùi men". Chủ quán nghe vậy mới giật mình, nghĩ đi nghĩ lại liền đổi biển tên quán thành Tửu quán, có điều lại không bỏ được món lợi từ trà, chẳng bao lâu sau có khách tới, nhìn tên biển hiệu cười nói: "Mang danh tửu quán mà vừa tới cửa đã thấy hơi nước hầm hập, vị trà đầy quán, thật là buồn cười!" Chủ quán nghe xong lại giật mình, nghĩ đi nghĩ lại lại muốn đổi biển. Lúc này, thê tử của chủ quán thấy chưa đầy một tháng đã đổi hai lần biển, tiền biển còn đắt hơn cả tiền thu về, xót ruột bèn nói dỗi: "Đổi đi đổi lại, cái tên cũng có mài ra ăn được đâu, bán trà không bỏ được bán rượu, bán rượu không bỏ được bán trà, vậy bán cả trà lần rượu đi, đặt luôn tên là Tửu Trà quán cho xong!" Không ngờ chủ quán thấy vậy mà hay, liền đổi luốn tên thành Tửu Trà quán, giữ lại cho tới bây giờ.