XI. Ẩn ý 1
Mặt trời đã lên sau ngọn tre, trong Tửu Trà quán, khách uống trà, uống rượu tấp nập, người người cưới nói xôn xao, bọn tiểu Nhị qua lại như mắc cửu. Từ trên lầu hai bỗng có một gã sai vặt chạy xuống nói gì đó, chưởng quầy khách khí gật đầu sau đó tùy tay vẫy một tên tiểu nhị đến gần.
Gã tiểu nhị này tầm hai mươi tuổi, mặt mày trắng trẻo dễ nhìn, trên mặt luôn hiện nụ cười nịnh nọt, tuy vậy dáng đi lại đường hoàng không hề khúm núm. Nói thẳng ra thì, làm tiểu nhị của Tửu Trà quán tuy xét cho cùng vẫn là tên đầy tớ, nhưng do uy danh của quán, tên đầy tớ này cũng có chút cân lượng. Cái gọi là "một người đắc đạo, gà chó thăng thiên" là thế này đây!
Chưởng quầy dặn hắn xuống dưới tầm hầm lấy hai vò rượu hồng đào mới chuyển tới hôm qua mang lên trên tầng hai phòng chữ thiên, lại dặn hắn cẩn thận một chút, xong mới phất tay cho hắn đi.
Nói ra cũng khéo, tên tiểu nhị này vừa đúng tên là Nhị, năm nay hai hai tuổi, chưa có vợ, nhà ở phía tây thành.
Nhắc đến cái tên "Nhị" này, lão Nhị rất cảm khái mà vỗ ngực đau xót. Cha gã vốn là một lão nông dân chân đất mắt toét, hai phần ba cuộc đời sống với ruộng đồng, năm ba mươi ba tuổi mới dành dụm tích cóp được một khoản tiền, mua một ngôi nhà vách đất mái lợp rạ ở phía tây thành, chính thức đổi hộ khẩu thành người đế đô. Nói vậy cũng có thể thấy cha gã là người rất có trí tiến thủ, năm hắn mười bảy tuổi, sinh được lão Nhị đã cảm thấy cuộc đời mình chắc chắn sẽ không chỉ quẩn quanh tại lũy tre làng, (bằng chứng là năm ba mươi ba tuổi đã chuyển hộ khẩu từ ngoại thành vào nội thành) vì vậy, năm mười bảy tuổi, sinh con trai đầu lòng, hắn quyết tâm đặt cho con một cái tên thật ý nghĩa, thể hiện bản thân tuy là anh nông dân nhưng cũng có văn hóa, có tri thức, có ước mơ vươn xa. Có điều, mặc dù là người có chí tiến thủ, cha lão Nhị cũng lại rất bảo thủ. Lão muốn đặt tên con trai thật hay, thật có ý nghĩa, lại thấy mấy chữ Nhân, Đức, Lễ, Nghĩa... gì đó rất quen thuộc nhàm chán, trong làng nhan nhản đầy, con trai lão không thể có mấy cái tên tầm thường như vậy. Khổ nỗi thủa nhỏ có đi học lớp vỡ lòng của ông đồ đầu thôn, do không thuộc bài bị đánh ba roi, lão tức trí bỏ không học nữa, bởi vậy chữ nho lão chỉ biết có ba chữ: nhất, nhị, tam. Nhưng đến gặp ông đồ xin chữ thì lão không muốn (mối thù kết từ thời để chỏm). Bởi vậy, lão quyết định đặt tên con trong ba chữ này: nhất nhị tam. Suy đi tính lại đến tận lễ đầy tháng lão Nhị, cha lão Nhị vẫn chưa quyết định được lấy cái tên nào. Bỗng đến một ngày, có lẽ là do máu lên não, cha lão Nhị vỗ đùi cái đét, hớn hở mà nói với mẹ lão: mẹ nó xem, Nhị cái tên này thật tinh túy làm sao, không quá huênh hoang khoác lác như Nhất, lại không quá nhún nhường như Tam. Nhị là cái tên đầy vẻ khiêm tốn, lại thanh cao, ý nghĩa tiến tới. Đặt cái tên này, con trai chúng ta sau này chắc chắn sẽ thành tài! (!?)
Vì vậy, lão Nhị được ba tháng tuổi, lấy tên là Nhị.
Cái gì mà gọi là "tốt quá hóa cùi bắp"? Đây chính là "tốt quá hóa cùi bắp". Cái tên cha lão Nhị thai nghén suốt một năm trời (từ lúc mẹ lão Nhị mang thai tới khi lão Nhị ba tháng tuổi) quả thực tầm thường không thể tầm thường hơn. Nhiều lúc bản thân lão Nhị cũng nghĩ hắn làm tiểu nhị trong quán trà không chừng một phần duyên số cũng do cái tên này.