Thằng Mẫn

158 20 3
                                    




Ngày thằng Mẫn biết tin nó đậu đại học, cha mẹ nó rơm rớm nước mắt. Vừa mừng vừa lo, nhà nó nghèo, đỗ đại học cả nhà mát mày mát mặt, nhưng lại canh cánh lo sợ tốn kém.

Dù vậy cha thằng Mẫn vẫn vì tương lai con mình, thôi thì bấm bụng cố sức một tí, nuôi cái nợ đồng nần mà cho đời con đời cháu đừng khổ như mình.

Mẫn nó biết chứ, nên khi nghe cha mẹ bàn chuyện tiền nong, chuyện vay mượn để nó đi học, nó đã òa lên mà khóc, rằng: "Cha, mẹ, con lên thành phố con sẽ cố gắng học. Con cũng sẽ đi làm thêm để giúp đỡ gia đình mình nữa."

Lúc ấy, mẹ nó cũng nước mắt ngắn dài, cha nó thì xoa đầu nó, con chỉ cần học để mai này nhà ta không còn nghèo khó là cha mẹ đã vui lắm rồi.

.

Thằng Mẫn được một người chị cùng xóm giới thiệu cho cái khu trọ này.

Nơi đây toàn nhà cũ tường cay, mái lợp cũng mủn với dột lắm. Chả trách được, khu này gọi chữ "trọ" còn sang, chứ nói thẳng ra thì không khác khu ổ chuột là mấy. Dân phụ hồ, ăn xin, rồi đến ổ đàng điếm cũng đều tụ tập ở đây cả. Môi trường sống tệ hại như thế, mà được cái giá trọ rẻ, nên nó cố bấm bụng dọn vào ở.

"Tiết kiệm chừng nào hay chừng đó thôi."

Thằng Mẫn tự nhủ lòng mình như thế, ở với ai đâu quan trọng, ngoan hay không là do mình mà.

.

Nó dọn vào căn nhà phía cuối khu, nó cho rằng chỗ này rẻ mà yên tĩnh nhất rồi.

Đi theo bà chủ nhà đến căn nhà dột nát cuối khu, nghe bà lải nhải quảng cáo về cái khu trọ của bả, thằng Mẫn thấy ngán ngẩm thay. Cái gì mà vui, cái gì mà đông đúc chứ? Chỗ khỉ ho cò gáy này, người còn nghèo xơ nghèo xác, nghĩ đến cái ăn ngày sau còn chưa dám nghĩ, nói gì đến chuyện chơi bời đông vui?

"Dì nói con nghe, chỗ này tuy nghèo nhưng cũng có tình người lắm con ơi. Con đừng chê xóm này bần hàn mà con tỏ vẻ chán chường như thế." Người đàn bà giở giọng trầm đặc liếc xéo nó. Bả nhìn ra ý của nó đấy, mới đánh phủ đầu nó như thế để nó bớt đi cái ấn tượng xấu với cái xóm này.

Bà Như tuổi cũng ngoài 45, nhưng bả giàu, nên bả ăn mặc cũng son phấn điệu đà lắm, thế mới trông trẻ được. Cũng tại bả giàu, nên giá tiền thuê chỗ này mới rẻ như cho. Bà Như ăn chơi điệu đà là thế, được cái bả tốt tính, bả bẩu chỗ này trước là đất của bả, thấy nhiều người còn nghèo khổ mới bỏ tiền túi ra xây mấy cái "nhà" tường cay lụp xụp cho họ thuê.

Nhưng tiền của bả cũng có đến một chừng nào đấy thôi, bả cũng kẹt xỉ nữa, xây nhà cho thuê rồi để đó, nó xuống cấp nó dột cũng không bao giờ cho sửa sang lại. Để cho người thuê trọ cứ nơm nớp lo trời giông trời gió, chỗ ở có mà cũng như không. Rồi mưa dột nắng cháy cũng tới mặt tới đầu.

"Tiền nào của nấy con ạ, người ta nghèo thì mới tìm đến chỗ này thôi. Có cái chỗ mà ở là tốt lắm rồi." Bà Như chỉ vào căn phòng mà thằng Mẫn sẽ ở, bả rằng nó sẽ ở đây.

"Cái phòng này rộng nhất tại đất thừa cô xây, nó cũng yên tĩnh nhất với ít xuống cấp nhất nên cô chọn cho con thuê mà học. Con cố mà học thì cô cũng dễ ăn nói với cha mẹ con, con mới đỡ khổ. Có gì khó khăn cứ nhờ các anh cùng phòng hoặc mấy người hàng xóm nghe con. Ai ở đây cũng nhiệt tình lắm."

Mẫn gật đầu dạ vâng rồi nhận chìa khoá phòng từ tay bà Như. Nó nói cảm ơn bà rồi xách một loạt các thứ đồ lỉnh kỉnh bước vào trong.

.

Thằng Mẫn đã được biết từ trước là sẽ phải ở ghép phòng với một người nữa. Mà nó cũng tính vậy cho giảm giá tiền thuê, tại nó tính người kia thường hay làm tối, nên ban ngày nó có thể yên tĩnh mà học. Cũng có lợi cho nó thì nó mới đồng ý ghép phòng.

Vì bạn cũng phòng đã đến ở từ lâu, nên đồ đạc vật dụng trong phòng coi như cũng không thiếu thốn. Bạn ấy cũng nói đồ đạc không cần mua thêm, có gì thì sài chung. Nên thằng Mẫn chỉ việc mang đồ tư nhân cùng một hai hòm sách là cứ thế dọn vào ở.

Căn phòng này tuy là phòng rộng nhất nhưng so với các phòng trọ khác thì vẫn là bé hơn. Một phòng ngủ không đủ kê hai cái giường và một khu vệ sinh, bếp núc thì là một xó nhỏ chỉ khoảng năm sáu bước chân ở góc phòng, tính ra cũng chỉ rộng khoảng 15 m2 là nhiều. Nhưng được cái nó cũng còn mới hơn thật. Tường không bị đục lở quá nhiều mà mái ngói vẫn còn nguyên. Thêm hai cái cửa sổ rộng rãi, một cái ngay chỗ giường nằm, có ánh sáng mà cũng thoáng mát, Mẫn nó có thể kê cái bàn gấp ngồi ở trên giường học bài. Còn một cái ở phía tây, từ đây có thể nhìn sang cửa sổ phòng bên.

Xem ra chỗ này đến hiện tại cũng là khá ổn với nó.

.

Dọn lên dọn xuống xong xuôi cũng đã xế chiều, hoàng hôn đỏ quạch phủ bóng lên cái xóm trọ nào đó. Thằng Mẫn ra ngồi bậu cửa vừa nhặt rau chuẩn bị nấu cơm vừa ngắm nhìn lại nơi ở mới của nó. Chỗ này xa thành phố, không xô bồ mà bình yên trong lành như ở quê nhà nó vậy. Không tiếng còi xe náo loạn, chỉ thấy công nhân tan làm lục đục trở về trọ nghỉ ngơi, những căn phòng khoá cửa tối om cả ngày đều lần lượt được khai thông thắp sáng.

Cũng như ở quê nó, nhà nhà đi làm đồng về đều vội vàng nổi lửa nấu cơm, ánh lửa bập bùng thắp sáng cả gian bếp thơm mùi tro khói. Mùi cơm tẻ thơm nức hoà quyện cùng mùi mùi khói đen trong cái cảnh mặt trời trốn lủi sau những dãy núi nhấp nhô, bình yên đến lạ.

Ôi sao nó nhớ quê nó quá!

Tro bếp ở quê theo lên đến thị thành, vẩn vương quanh mũi quanh mắt thằng nhỏ, khiến mắt nó cay cay. Còn ở quê chẳng dám rời mẹ một bước, giờ đây một mình nó bon chen nơi đất khách quê người, hỏi sao không tủi thân mà khóc? Thằng Mẫn sụt sùi khóc, nó nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, nó lo cuộc sống sau này của nó, cù bơ cù bất ai chăm lo cho?

Nắng đổ tràn lên cái bóng nhỏ của cậu tân sinh viên, nóng rực làm mặt nó bóng nhẫy những mồ hôi, kéo khuôn mặt đỏ lựng vì nắng bừng tỉnh. Thằng Mẫn lau mặt vào ống tay áo, thở dài một phen rồi nhấc rổ rau lên bước vào trong.

"Cha mẹ, hai người tin con, con sẽ cố gắng sống thật tốt."

sope||xóm ngụ cưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ