Cộng đồng người chuyển giới hay các Drag Queen thường được nghĩ đến với những hình ảnh vui vẻ, sặc sỡ, ồn ào và đầy hài hước. Họ thường chỉ lướt qua những bộ phim về đề tài đồng tính với tác dụng là những người ủng hộ hay chỉ là những nhân vật gây hài. Rất ít bộ phim khai thác đến cộng đồng của họ, khiến cho người xem hiểu rõ được quá trình đấu tranh và những nỗi đau khổ mà họ trải qua, hơn cả thế còn là cộng đồng của những người chuyển giới người da màu. TV Series Pose do Ryan Murphy dạo diễn đã khắc họa được cuộc sống đó, Pose giống như vở kịch Chicago của cộng đồng chuyển giới nhưng ấm áp hơn và mềm mại hơn sau khi đắm mình vào những rực rỡ, náo nhiệt chốn vũ trường thì sau đó chỉ còn là những cuộc tranh đấu mà họ phải trải qua hàng ngày để chống lại mọi bất công của cuộc sống giao cho mình.
Pose dắt người xem vào không khí những vũ trường náo nhiệt, rộn rã của NewYork những năm 1980. Tại thành phố lúc nào cũng náo nhiệt, tấp nập vì những guồng quay của cuộc sống thành thị, ai có ngờ đâu lại có một cộng đồng sống bên lề xã hội. Họ ở những khu ổ chuột hay ngay trên đường phố làm những nghề cùng cực nhất của xã hội như gái mại dâm, buôn ma túy và sống lay lắt qua ngày đến khi chết đi mà chỉ một vài người nhớ đến viếng thăm, họ như những bóng ma tồn tại giữa thành thị New York. Đó là cộng đồng LGBTQ+ bao gồm cả những người da màu, họ không chỉ bị kì thị bởi xã hội mà còn bởi chính cả những người thân trong gia đình, họ bị chính cha mẹ ruột của mình ruồng bỏ khỏi nhà và bắt đầu sống cuộc sống của những người vô gia cư, không có tiền bạc, nhà cửa, không có gì cả. Và từ đó vũ trường xuất hiện, vũ trường chính là nơi duy nhất để những con người như họ được thể hiện mình, mang lại cho họ cảm giác được chấp nhận giống bao người khác, vì vũ trường mở cửa cho tất cả ai trong cộng đồng và là nơi tung hô, hò hét tên bạn khi bạn là chính bạn. Nhưng vũ trường không phải tất cả với cộng đồng LGBTQ+, ngoài vũ trường ra họ vẫn còn một cuộc sống khốn khó, nghèo khổ và thiếu thốn mọi thứ từ vật chất lẫn tinh thần. Thế nên họ nương tựa vào nhau, cưu mang nhau, động viên nhau sống tiếp, chăm sóc và sẻ chia cho nhau từng nỗi buồn, tạo thành một mái nhà nhỏ của chính họ. Trong Pose nhà không chỉ là nơi chứa những con người ở đáy xã hội mà còn là một mái ấm đúng nghĩa khi họ che chở, bảo vệ và chăm sóc bởi những người giống mình, dù ai trong họ cũng phải đấu tranh với cuộc sống từng ngày.
Vì đã xem nhiều Tv Series của Ryan nên khi xem phim này mình thấy vô cùng quen thuộc bởi đây là một bộ phim đặc sệt phong cách Ryan Murphy. Rõ ràng cách Pose diễn biến, cách đặt những nút thắt liên tục rồi tháo gỡ nó ra từ từ, cách đẩy phim lên đến kịch tích rồi thả xuống một cách nhẹ nhàng, cách tạ cảm xúc cho người xem khá quen thuộc trong những bộ phim của ông. Nhưng với mình những góc khuất, thế giới vũ trường của những người chuyển giới được Ryan cùng những người bạn của ông đề cập đến vẫn làm mình thấy lạ lẫm dù đó là những cuộc đấu tranh ngấm ngầm và dai dẳng hơn cả chục năm.
Cuộc đấu tranh đầu tiên đó chính là sự kì thị. Sự kì thị chua xót mang tên sự chấp nhận. Cuộc đấu tranh không chỉ đến từ những người ngoài cộng đồng mà đến từcar những người trong cộng đồng. Mình vẫn nhớ một câu thoại của Lulu một DragQueen người Latino, nói rằng: " Gái à, chuyện này đã kết thúc ngay từ lúc bắt đầu rồi. Ai cũng cần có người khiến họ thấy uy quền hơn. Chúng ta xếp cuối cùng rồi. Từ trên xuống dưới, phụ nữ, người da đen, đến người Latino, đến gay và cuối cùng ở đáy mới đến lượt chúng ta (những người chuyển giới)." Câu nói đó thốt ra trong phân cảnh Blanca và cô bị đuổi khỏi một quán bar dành cho người đồng tính, cho thấy một sự kì thị nhất định trong chính cộng đồng của mình. Hay một câu thoại khác của Elektra một người chuyển giới khác điềm nhiên nói khi Blanca bị tống vào tù vì đòi quyền bình đẳng cho mình và cộng đồng của mình trong quán gay bar ấy đó là:" Nơi dành cho chúng ta là những vũ trường, nơi mà chúng ta được chấp nhận, được toả sáng." Vậy chỉ có những vũ trường lộng lẫy, ồn ào mới chấp nhận họ thôi sao? Vậy rốt cuộc chức năng của họ sinh ra trên đời này vốn chỉ để làm đẹp, góp vui cho cuộc sống về đêm của chốn đô thị rộn rã để rồi khi trời sáng họ lại trơ trọi, quay về thành những bóng ma vô danh trong phố phường New York.
Ngoài vạch trần sự kì thị trong chính cộng đồng LGBTQ+, bộ phim còn vén màn những mối tình vụng trộm của những người đàn ông da trắng, họ không biết mình là ai để rồi sống một cuộc đời định sẵn để rồi họ say mê những người chuyển giới (she- male) như một thứ của lạ, bởi họ dám sống thật, bởi họ không giống những người phụ nữ nội trợ nhàm chám ở nhà, đầy thu hút,quyển rũ và kỳ lạ với những kẻ hiếu kỳ. Những she male có tất cả vẻ đẹp và sự nữ tính ngoại trừ phần dư thừa mà đời đã ban phát cho họ và những gã đàn ông da trắng kia thì tham lam muốn chiếm tất cả. Họ như đứng trong một cuộc đối chọi giữa khát vọng trở thành đàn bà và sự tham lam của nhân tình khi muốn lưu giữ tất cả mọi điều của họ bằng việc chu cấp cho họ một cuộc sống mà mọi người đều mơ ước. Giữa việc sống với chính mình và sống theo sự áp đặt của nhân tình, sự ràng buộc của tình yêu cũng khiến những người chuyển giới trở nên đau khổ, sống như một người mà mình không mong muốn. Nhưng những cuộc chiến trên vẫn chưa phải là kết thúc, với những người đồng tính thời đó họ còn phải đấu tranh để giành lại cuộc sống, để lại cuộc sống mình trở nên tươi đẹp hơn trước khi lụi tắt bởi căn bệnh HIV/ AIDS. Căn bệnh mà nhiều người thời đó cho rằng là một cuộc thanh lọc của chúa dành cho những giống loài sai trái như LGBTQ+. Có nỗi buồn, có nước mắt, có tuyệt vọng, nhưng sau tất cả nhưng người trong cộng đồng vẫn sống, vẫn phô diễn mình trong mỗi buổi vũ hội và vẫn tiếp tục cho cuộc chiến của mình cho tới ngày nay. Họ cho thấy được lòng tư tôn, nỗi khát vọng được bình đẳng và dám đừng lên để được lên tiếng, để được mọi người chấp nhận, để được ra ngoài ánh sang chứ không chỉ có trong những quán bar, những vũ trường lẩn khuất trong những góc tối không ai biết của chốn đô thị nữa.
Phải nói rằng Ryan Murphy cùng những người cộng sự của ông đã làm ra một tác phẩm cực kỳ đẹp đẽ và đáng tự hào. Khi không chỉ tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ mà còn là tôn vinh tất cả sắc tộc, dù thuộc màu da, giới tính nào thì ai cũng có quyền được bình đẳng và ai cũng có quyền tự hào về mình. Bên cạnh đó Pose không chỉ tiếp lữa cho các cuộc đấu tranh mà còn truyền hơi ấm về ý nghĩa của gia đình, của mái nhà mà ta có được. Pose là hội tụ mọi cái hay trong những bộ phim làm nên tên tuổi của Ryan nhưng trên hết điều Pose đã làm được là giới thiệu một nền văn hóa it người biết, nơi những người vẫn đang hằng ngày đòi lại quyền công bằng cho midnh. Từng nhân vật trong Pose dù chính diện hay phản diện đều có cái hay, cái xẩu riêng, cũng như những nỗi trăn trở riêng không một ai bị thổi phồng quá mức. Tất cả họ đều tạo nên một cộng đồng, một nền văn hóa, một cuộc đấu tranh mà mình vô cùng trân trọng.