Những tình cảm tuổi trẻ và Hong Kong 90s.
Vương Gia Vệ, chẳng biết có đúng không khi mình mạn phép gọi ông là một vị đạo diễn tài ba nhất trong việc khắc họa sư cô độc. Khi không chỉ phong cách làm phim của ông đã rất khác biệt với dòng phim Hong Kong lúc đó chỉ toàn dòng phim về giang hồ và kiếm hiệp. Mà cả cách ông khắc hoạ tâm trạng khi cô đơn của con người cũng độc nhất. Ông khắc họa cô đơn không đơn thuần là qua diễn biến phim, mà qua cả nội tâm, hành động. Thậm chí chỉ cần một ánh mắt, một phút giây, một đoạn nhạc trong phim của Vương Gia Vệ cũng đã khiến ta thấy phảng phất sự buồn rầu dơn độc.
Mà theo như ông giải thích những câu chuyện mà ông kể không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình yêu mà đó chính là câu chuyện về Hong Kong, câu chuyện của Hong Kong vào những thập niên đó. Một Hong Kong đơn độc giữa thời kỳ đang phát triển, một Hong Kong hỗn loạn, nhiễu nhương ẩn sau những câu chuyện tình, một Hong Kong chỉ của riêng Vương Gia Vệ.
Qua mỗi con đường làm phim của mình Vương Gia Vệ lại khắc họa Hong Kong ở những thời kỳ khác nhau. Hong Kong với đạo diễn họ Vương tựa như một cô gái truyền thống mặc bộ sườn sám, cô độc nhưng phức tạp. Bởi thế mà ông phải dùng đến hai bộ phim của mình để vẽ ra được một Hong Kong năm 90s, đó là Trùng Khánh Sâm Lâm và Đọa Lạc Thiên Sứ.
Sở dĩ mình phải nói về hai bộ phim này chung như vậy là vì nó liên quan đến nhau, đều về tình yêu, đều là Hong Kong. Và các bạn hãy xem như đó là bốn câu truyện liên tục, đan xen nhau giống như cách làm phim đặc trưng của Vương Gia Vệ. Bởi 4 câu truyện với những hình thái đối lập nhau, lại là những quãng đường tình yêu của tuổi trẻ, những mảng màu sáng tối ở Hong Kong vào thế kỉ 90s.
Cô đơn, hoảng loạn, yên bình, buồn, đẹp, nhiễu nhương, hạnh phúc. Rốt cuộc trong cả hai bộ phim, Vương Gia Vệ cho ta trải qua rất nhiều cảm xúc nhưng không cảm xúc nào là trọn vẹn. Ta chẳng cần hỏi những nhân vật trong phim là ai, ta chẳng thấy điều họ làm trong phim là vô lý, ta chấp nhận hết mọi thứ từ họ, đơn giản vì họ giống ta. Họ đều cô đơn, bằng cách này hay cách khác.
Vương Gia Vệ khôn khéo điều khiển cảm xúc người xem, không cho người xem kịp thắc mắc vì sao. Bằng những dòng tự sự của các nhân vật người xem như chấp nhận, cảm thông ngay tức thì, chắc chỉ vì mình cũng đã có lúc tuyệt vọng giống như họ.
Tuyệt vọng vì cô đơn tột cùng. Sự cô đơn trong phim của Vương Gia Vệ được đẩy đến đỉnh điểm, không chỉ là những cảm giác lạc lõng như hầu hết phim hiện đại mà là cảm giác khiến ta buồn chán, cô đơn như muốn phát điên.
Vì thê mà ta chấp nhận được chuyện một anh cảnh sát thì ăn hết các hộp khóm hết hạn vào ngày 1/5 hay một anh cảnh sát khác nói chuyện với ngôi nhà của mình, với những vật dụng quen thuộc, với chiếc khăn đã ướt mèm. Họ đều cô đơn, đều tuyệt vọng, để rồi sau khi tình yêu tan vỡ mà họ tìm cách lừa dối mình rằng ngày mai tình yêu kia sẽ quay về. Nhưng có không hay người chỉ có cách lao đi để vắt hết nước trong mình, một người không chịu đọc lá thư người cũ bỏ lại mà lại đau khổ, buồn rầu phớt lờ luôn người đang yêu mình. Ta cũng đễ dàng cảm thông những tình yêu thầm, như người ta nói tình yêu thầm là tình yêu đau nhất. Để rồi một kẻ chinh phục giấc mơ Mỹ bỏ lại mối tình dở dang, một người vẫn lầm lũi, cô đơn nhìn đối tác của mình có tình yêu khác. Hay ngay cả những tên giang hồ hay buôn ma túy trên đất Hồng Kông, một mối tình kì lạ của kẻ kì quặc ta cũng cảm thấy tội nghiệp. Bởi tất cả những nhân vật trong phim, dù họ có là ai, dù họ có như thế nào thì cũng được gắn kết với một nỗi buồn chung mang tên cô đơn.
Và chính họ như đại diện cho mọi cảm xúc của con người khi cô đơn, khi biết yêu. Đó là những thứ cảm xúc phức tạp, khó gọi được tên nhưng khi xem phim của Vương Gia Vệ những cảm xúc đó lại như được trải bày trên màn ảnh. Để ta dễ dàng chấp nhận vô vàn điều vô lý trong phim ông chỉ bởi đơn giản ai cũng đã từng cô đơn, ai cũng đã từng yêu thầm, và ai cũng đã từng tan vỡ. Đó là những cảm xúc chân thực của tuổi trẻ khi yêu. Vì thế mà mình nghĩ ai xem phim Vương Gia Vệ cũng có thể cảm nhận và đồng cảm được phim của ông. Vì không chỉ là những cảm xúc đơn thuần mà đó là còn là những cung bậc khó nói đến nỗi không ai gọi được tên, người ta chỉ thấy được giải bày, được cảm thông, được cùng cô đơn khi xem phim.Nhưng thứ cảm xúc trong khi yêu lại được khắc họa vô cùng tinh tế nhưng không hề ủy mị, nặng nề mà chỉ đượm buồn và ám ảnh. Nỗi buồn trong phim được khoác lên mình một lớp áo đẹp đẽ đến hoàn hảo, hấp dẫn người xem từ những thước phim đầu tiên. Thông qua mảng màu neon của phố thị Hong Kong, những bóng người đang lướt đi, cuốn vào nhau không rõ hình hài, hay sự dơn độc của từng nhân vật trong những khuôn hình dọc, ngang một mình làm nhưng công việc hàng ngày. Đơn giản hơn chỉ là giai điệu blue jazz chậm rãi và những bản nhạc tiếng Quan Thoại rất đặc trưng. Từ đó nỗi buồn nhè nhẹ toả ra mọi ngóc nghách trong phim của Vương Gia Vệ trở thành nét độc đáo riêng trong vũ trụ phim của ông. Nhưng dù cho nỗi buồn có day đứt đến đâu, có buồn bã đến nhường nào thì đến kết phim các nhân vật luôn tìm thấy bến bờ để mình cập bến. Như thể đến cuối cùng thì ai cũng sẽ tìm thấy nhau, trao nhau một chút yêu thương sau khi trải qua những tan vỡ. Điều đó làm cái buồn trong phim cứ man mác, day dứt mà không hề bi luỵ, não nề.
Trùng Khánh Sâm Lâm và Đọa Lạc Thiên Sứ là bốn câu truyện đối lập nhau, mỗi câu truyện đều là những góc nhìn rất riêng của Hong Kong hay cũng như thể cách một con người trưởng thành trong tình yêu. Đó là góc nhìn về Hong Kong yên bình, trong trẻo được phủ bằng một màu xanh ngắt. Hong Kong trong góc nhìn nảy bẽn lẽn với mối tình đầu không dám ngỏ, nhưng cũng thoải mái vô tư với tiếng nhạc thời thượng và ước mơ vươn xa ra những đất nước khác. Góc nhìn khác lại nhìn về một Hong Kong vào buổi tối điên rồ, sôi động với ánh đèn neon, những dòng người đi qua tấp nập. Hong Kong của tuổi trẻ trở nên nổi loạn, điên cuồng khi yêu để rồi cũng mau đau buồn vì yêu.
Và cũng có một Hong Kong tăm tối, đáng sợ với những băng đảng giang hồ thanh toán nhau, hay những tay buôn ma túy hoạt động ngấm ngầm trong đêm. Ở góc nhìn này Hong Kong trở nên bí ẩn, già đời, khép kín và đầy cẩn trọng. Góc quay Hong Kong ở nơi đây cũng trở nên mờ ảo, nhat nhòa, với nhip sống nhanh của thế giới ngầm, cũng như những cuộc truy đuổi,xử lý nhau của các băng đảng Hong Kong khi về khuya hay những cuộc trốn chạy sự vây bắt của cảnh sát với những tên tội phạm.
Chỉ với bốn câu truyện mang gam màu khác nhau nhưng Trùng Khánh Sâm Lâm và Đọa Lạc Thiên Sứ đã khắc họa Hong Kong ở thập niên 90s đẹp đẽ nhưng cũng đầy phức tạp, nhưng bao trùm lấy bức tranh đó vẫn một màu chủ đạo là cô đơn và những nỗi buồn trong tình yêu của tuổi trẻ liên kết chúng lại thành một tổng thể thống nhất, đa màu.
Có thế nói như một sự kết hợp hoàn hảo từ diễn viên, kịch bản đến các cảnh quay điêu luyện của Christopher Doyle.Trùng Khánh Sâm Lâm và Đọa Lạc Thiên Sứ là bộ đôi phim nói về cô đơn và tình yêu hay nhất thời hiện đại. Không chỉ khắc họa những cảm xúc của con người khi yêu, mà đó còn là một tình của Vương Gia Vệ và cộng sự của ông Christopher Doyle dành cho Hong Kong những năm 90s. Một bức tranh đại cảnh khắc họa hêt mọi ngóc nghách sâu thăm của nơi này, để rồi thông qua tình yêu của những người trẻ cũng chính là tình yêu của những người còn trẻ gửi đến cho Hong Kong. Một thứ tình yêu buồn bã, cô độc mà cũng sáng tươi, hy vọng.