Tinh thần xưa tạo nên Sài Gòn nay.Nào giờ mình không thích đọc tạp văn bởi theo mình những bài viết ấy nó hơi lộn xộn, nhiều bài không đầu đuôi, nhiều bài nhừ những uy nghĩ bâng quơ của tác giả dàn trải ra thành chữ, nhiều bài lại mang quá nhiều tính chính luận của báo chí thành ra khô khan. Nhưng riêng với tạp văn Sài Gòn- khâu lại mảnh thời gian này thì ai cũng nên đọc bởi đó là môt cuộc đời, một nguồn cội, một tinh thần tạo nên Sài Gòn nay được nhà văn quan sát, chắt chiu theo thời gian tổng kết lại như một tài liệu đáng quý như ông nói để “ hậu thế” về sau có cái mà tra cứu hay chí ít là chỉ để nhìn ngắm một Sài gòn xưa xinh đẹp và kiều diễm.
Người ta khen Hà Nội bởi sự cổ kính, trầm tư, nhẹ nhàng mà thanh nhã. Người ta khen Đà Lạt bởi vẻ đẹp thẹn thùng, kín đáo nhưng quyến rũ ngay những người tò mò chỉ qua lần đầu tiếp xúc. Còn người ta khen Sài Gòn bởi sự kiều diễm, sôi động mà hiếm vùng đất nào có được- nét sôi động, hào sảng toát ra từ ngay chính những con người Nam Bộ chân chất mà nghĩa tình,dễ gần nhưng lại khó xa. Đọc tạp văn của Lê Văn Nghĩa, người ta hiểu được vì sao ông yêu vùng đất Sài Gòn này như thế. Dù đi đây đi đó nhiều nơi nhưng đối với Lê Văn Nghĩa, Sài Gòn vẫn là một vùng đất lành cho tất cả mọi người tứ xứ neo đậu để an cơ lập nghiệp. Bởi Sài gòn trong Lê Văn Nghĩa không chỉ là vùng đất ông gắn bó, mà còn là một vùng trời tuổi thơ, là một người tình, người bạn thắm thiết mà khó lòng có thể quên. Đọc tạp văn ta khám phá được cội nguồn của cái đất Sài Gòn, ta biết được Sài Gòn giờ đã đổi thay thế nào trên bước đường thời gian. Nghe được tiếng khóc của những công trình đã cũ, những vật dụng lỗi thời lần lượt chỉ còn có thể ở trong khu trưng bày của những viện bảo tàng hay trong tủ kính của mấy tay chơi đồ cổ nhưng có ai biết chúng đã có một quá khứ lẫy lừng, một thời hoàng kim đáng nhớ gắn bó với chặng đường phát triển của vùng đất thị thành như cái băng nhạc cối, cái tivi hộp hay con xe solex, chiếc xe lam vẫn còn chạy xình xịch khi đường xá chưa ngập úng xe máy và xe hơi như ngày nay,... Thấy được một bức tranh bao quát của đô thị Sài Gòn xưa, nơi mà người dân còn cái thú đi xe đạp lạch cạch, có những chiếc tàu hỏa chở người ngược xuôi, có hương dầu gió khuynh diệp vẫn còn bay thoang thoảng và có tấm lòng người Sài Gòn vẫn trìu mến chuyền tay nhau những nghĩa tình sớm hôm. Để rồi khi tạp văn khép lại có lẽ chúng sẽ phải ngẫm nghĩ cùng tác giả về Sài Gòn của ngày nay, về những mối quan ngại đầy thực tế mà có khi năm năm nữa, mười năm nữa chúng ta nhìn lại cũng khó lòng mà có thề giải quyết cho triệt để như đúng tâm tư của Lê Văn Nghĩa, một người yêu của Sài Gòn.
Đọc tạp văn của ông, ta như được đưa về môt cuộc hành trình ngược dòng ký ưc, nhưng không theo một thời gian nhất địng bởi thông qua từng món đồ, từng kỷ niệm mà ông lại giới thiệu cho người ta một góc riêng của Sài Gòn tráng lệ cũ, để rồi ghép lại có thể chưa thành một Sài Gòn trọn vẹn nhưng đó là một Sài Gòn đầy đủ trong nỗi nhớ và trong những hoài niệm của mọi người. Cái hay của tạp văn này đó là chỉ phô bày cho chúng ta những thứ xưa lơ, xưa lắc, gợi cho ta những kỷ niệm về Sài Gòn của nhà văn từ đó đọng lại trong suy nghĩ về những biến chuyển của vùng đất này chứ tuyệt nhiên không định hướng hay dẫn lối người đọc theo hướng riêng của tác giả bởi thế mà bức tranh Sài Gòn Lê Văn Nghĩa vẽ ra đầy tự nhiên và chân thực, ông không ngại trích nhiều đoạn trích, tài liệu của những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ khác nhau để làm cho bức họa Sài Gòn xưa thêm chân thực, giúp người đọc có một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn về khái niệm Sài Gòn. Nghe về Sài Gòn người ta tưởng tượng một nơi nhộn nhịp, với dân cư đông đúc và nhịp sống ồn ã, đường xá thì kẹt xe quanh năm và đầy tiếng còi xe cùng khói bụi, dân cứ tứ xứ đổ về đây cũng chẳng biết rằng ai tốt ai xấu cứ nương nhau mà sống.
Đọc xong về Sài Gòn người ta mới biết ra Sài Gòn vốn là thế, từ xưa đến nay luôn đông đúc, tấp nập. Người dân tứ xứ tụ họp về đây nhưng cái bụng của họ vẫn luôn tốt, vẫn lành, thân tình, rông mở đúng như chất Nam Bộ nào giờ, bởi thế mà người Sài Gòn dễ bắt chuyện, dễ tỉ tê và dễ mở lòng không giống bất cứ dân nào trên xứ Việt Nam. Đọc xong tác phẩm, ta mới thấy Sài Gòn luôn trẻ bởi dân dân Sài Gòn rất sành điệu, cập nhật mọi xu hướng và cũng dễ đào thải những thứ đã cũ hay gọi như người miền Nam là dễ sống, sống ra sao cũng được. Đọc xong ta mới thấy ra chính những giá trị xưa cũ của Sài Gòn xưa mới làm nên tinh thần, làm nên đặc trưng riêng của Sài Gòn nay, mới hiểu vì sao người dân khắp tứ xứ sẵn dàng từ bỏ quê nhà của họ để đeo đuổi, bám rễ ở mảnh đất Sài Gòn.
Bởi nơi đây vốn là đất lành, từ xưa đến nay, luôn dang rộng cánh tay để chào đón mọi người ở khắp mọi nơi về với nó, phát triển nó và người Sài Gòn cũng không bao giờ sợ mất gốc như người Hà Nội. Bởi từ lâu đã không có người Sài Gòn gốc mà chỉ có những người con từ khắp mọi miền tổ quốc mang theo một giấc mộng lớn đổ về đây an cư lập nghiệp- giấc mộng đó gọi là “Giấc mộng Sài Gòn”, không to lớn, bất chấp như “Giấc mộng Mỹ” mà lại vô cùng bình dị, giản đơn hệt như cái đất Sài Gòn đã chảy vào máu mủ, vào nếp sống của những con người nơi đây.
Tạp văn Sài Gòn- khâu lại mảnh thời gian không chỉ là những ghi chép chân thật của Lê văn Nghĩa về mảnh đất Sài Gòn mà cũng như là cách ông lật giở, lưu giữ, chia sẽ những mảnh ký ức của mình gom góp được qua một mảnh đời để lại cho độc giả hôm nay và ngày mai. Bởi thế mà khi đọc tạp văn ta như lật giở từng trang nhật ký của người xưa với lối văn phong miền Nam cũ trước 1975, gần gũi, giảng dị như hệt đang đối thoại với người đọc nhưng hoàn toàn không lạc hậu bởi tác giả luôn cập nhật những tin tức nay, dùng tin tức nay gợi về ký ức xưa cùng với đó là sự hóm hỉnh, pha trò của một ông cụ đã 70 tuổi sống trong thời đại @ khi dùng những từ ngữ mới của giới trẻ.
Sài Gòn- khâu lại mảnh thời gian mang cho ta cảm giác vừa xa lạ cũng vừa gần gũi. Xa lạ bởi một Sài Gòn xưa ta chưa từng thấy, khác xa những gì ta đã từng tưởng tượng nhưng gần gũi bởi chính những ký ức đó ta cũng đã từng thấy ở đâu rồi, thấy cuộn băng người thiếu nữ mặc áo dài chạy trên xe Solex, nghe tiếng chiếng băng ra-dô phát lúc trưa hè hay chỉ là đã từng ngửi thấy mùi dầu khuynh diệp hoang hoảng tỏa ra từ người mẹ, bà của chúng ta.